Ngày 27-11, Nghị viện châu Âu đã thông qua bộ máy lãnh đạo Uỷ ban châu Âu nhiệm kỳ 2024-2029, kết thúc quá trình đề cử đầy gian nan của Chủ tịch Ursula von der Leyen, tờ Politico đưa tin.
Uỷ ban châu Âu có bộ máy nhân sự mới
Đoàn Uỷ viên của Uỷ ban châu Âu bao gồm 27 thành viên, được thông qua với 370 phiếu thuận, 282 phiếu chống và 36 phiếu trắng. Lần đầu tiên kể từ năm 1999, không ứng cử viên nào của Đoàn Uỷ viên bị Nghị viện châu Âu bác bỏ.
Bà von der Leyen cam kết sẽ cùng với 26 đồng nghiệp “phấn đấu từng ngày”, nỗ lực vượt qua nguy cơ chia rẽ trong khối. Bà còn thể hiện quyết tâm rằng Đoàn Uỷ viên “sẵn sàng bắt tay vào làm việc ngay lập tức”.
Đoàn Uỷ viên của Uỷ ban châu Âu nhiệm kỳ mới sẽ nhậm chức vào ngày 1-12.
Bà von der Leyen tiếp tục làm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu thêm 5 năm nữa, trong khi cựu Thủ tướng Estonia - bà Kaja Kallas sẽ thay thế ông Josep Borrell tiếp quản vị trí Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh.
Dự báo chính sách đối ngoại của EU?
Trong bối cảnh khu vực châu Âu đang đối mặt nhiều thách thức từ cuộc chiến ở Ukraine và biến động chính trị ở một số nước thành viên, và sự trở lại của ông Donald Trump trên chính trường nước Mỹ, câu hỏi đặt ra là chính sách đối ngoại của EU trong 5 năm tới sẽ như thế nào?
Theo trang thông tin chính thức của Nghị viện châu Âu, trong phiên điều trần ngày 12-11, bà Kallas đã cam kết sẽ nỗ lực củng cố vị thế của EU trên thế giới và bảo vệ an ninh địa chính trị và kinh tế của khối. Bà cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế.
Bà Kallas coi các chính sách của Nga và một số quốc gia khác là mối đe doạ đối với trật tự thế giới và kêu gọi các nước EU đoàn kết với nhau và với các đồng minh, đối tác để phản ứng trước các nguy cơ này trong khi vẫn đảm bảo an ninh, chủ quyền của các quốc gia trong khối.
- Chiến sự ở Ukraine và quan hệ với Nga
Bà Kallas cho rằng EU phải ưu tiên ủng hộ Ukraine, cung cấp cho nước này viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo ở mức cao nhất có thể.
Bà Kallas ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt vĩnh viễn chống lại Nga vì các vấn đề liên quan tới chiến sự ở Ukraine thay vì các lệnh trừng phạt gia hạn sau mỗi 6 tháng.
Bà Kallas cũng ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU và nhấn mạnh rằng việc tiếp tục mở rộng khối là phù hợp lợi ích của chính EU. Bà nhấn mạnh rằng “trong 5 năm tới”, các cuộc đàm phán kết nạp thành viên mới “cần có kết quả rõ ràng”.
- Quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Bà Kallas nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương đã mang lại sự thịnh vượng và an ninh cho cả châu Âu, Mỹ và các đối tác khác ở bờ tây Đại Tây Dương.
Khi được hỏi về định hướng quan hệ với Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào đầu năm sau, bà Kallas cam kết sẽ nỗ lực phát mối quan hệ với giới lãnh đạo mới ở Washington, nhấn mạnh rằng EU và Mỹ “là đồng minh mạnh nhất” và “phải tiếp tục gắn bó với nhau”.
- Chính sách quốc phòng của châu Âu
Bà Kallas kêu gọi EU đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và đảm nhận phần trách nhiệm lớn hơn trong cấu trúc an ninh châu Âu-Đại Tây Dương, nhất là khi xung đột vũ trang đang diễn ra gay gắt ngay sát biên giới EU ở Ukraine và Trung Đông.
Bà Kallas nhấn mạnh EU đang “đầu tư chưa đúng mức” cho quốc phòng trong bối cảnh việc tăng cường năng lực quốc phòng của châu Âu sẽ đóng vai trò răn đe mạnh mẽ.
Bà Kallas cho rằng EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần phối hợp trong chính sách quốc phòng ở châu Âu: EU thúc đẩy công nghiệp quốc phòng ở các nước thành viên, trong khi NATO dẫn dắt về mặt quân sự.
- Vấn đề Israel-Palestine
Bà Kallas cam kết sẽ duy trì chính sách của EU trong việc tìm kiếm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, buộc lực lượng Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza thả tự do các con tin còn bị giam giữ, đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine và ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện “giải pháp hai nhà nước”.