Nhân lực ngành du lịch vùng ĐBSCL thiếu và yếu

Hội thảo do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức, quy tụ hơn 180 đại biểu ở các ngành của 13 tỉnh thuộc vùng ĐBSCL và TP.HCM tham dự.

Ông Lê Văn Hùng, Quyền Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VH-TT&DL, cho biết mức đầu tư của các doanh nghiệp cho việc đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch chưa cao; việc liên kết giữa các trường đào tạo nghề với các sở chủ quản ngành du lịch rời rạc, chưa có kế hoạch cụ thể…

Còn ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đánh giá: “An Giang có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, có nét riêng như danh thắng Thất Sơn, chùa Bà chúa Xứ núi Sam, di tích lịch sử văn hóa Óc Eo… nhưng đến giờ quy hoạch phát triển du lịch cũng chưa có. Ngay cả người phụ trách du lịch tại Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang cũng không chuyên nghiệp, từ ngành thể thao sang làm”.

Từ những thực trạng trên, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng cần phải có một quy hoạch, kế hoạch về đào tạo, trên cơ sở khảo sát nhu cầu của ngành du lịch. Trước mắt là đào tạo cho lực lượng trực tiếp làm du lịch. Ở đây vì mang tính đào tạo nghề nên cần có cơ chế liên kết đào tạo giữa các bộ như NN&PTNT, VH-TT&DL, LĐ-TB&XH… Khai thác du lịch cũng phải đa dạng, không riêng ở đô thị mà hướng về nông thôn nên cần lồng ghép đào tạo gắn với các chương trình như xây dựng nông thôn mới, đào tạo việc làm cho vùng nông thôn…

Ông Lê Văn Hùng cho biết sau hội thảo này ông sẽ kiến nghị với Bộ VH-TT&DL có một quy hoạch và tạo cơ chế về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ cho xây dựng thêm một số trường CĐ du lịch cho vùng ĐBSCL

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm