Nhận tiền tỉ "bôi trơn", cựu sếp phó BIDV lãnh 15 năm tù

Chiều 29-5, sau 1 ngày nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Tiến Dũng (SN 1956, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) 15 năm tù và Trần Thị Thanh Bình (SN 1973, nguyên phó giám đốc BIDV - Chi nhánh Hải Phòng) 6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Nhận tiền tỉ "bôi trơn", cựu sếp phó BIDV lãnh 15 năm tù ảnh 1

Ông Đoàn Tiến Dũng bị còng tay dẫn về nơi giam giữ ngay sau khi toà tuyên án

Theo cáo trạng, từ tháng 3 đến tháng 10-2010, ông Đoàn Tiến Dũng được lãnh đạo phân công trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hoạt động của BIDV Hải Phòng. Với cương vị được giao, ông Dũng đã giải quyết cho Công ty CP Dệt may xuất khẩu Hải Phòng và Công ty TNHH V.K Hải Phòng vay hơn 45 tỉ đồng thông qua 2 hợp đồng tín dụng bằng hình thức thế chấp tài sản (trong đó có kho bãi container và tài sản trên đất tại khu vực quận Hải An - Hải Phòng).

Đầu năm 2009, để có tiền chi trả các khoản vay ngân hàng và ổn định sản xuất, ông Hoàng Văn Khánh (tổng giám đốc hai doanh nghiệp trên) đã làm việc với BIDV Hải Phòng xin được chuyển nhượng dự án kho bãi container hiện đang thế chấp tại ngân hàng.

Ông Dũng đã gây ảnh hưởng, sức ép của mình buộc BIDV theo chỉ đạo của mình, đồng thời vòi vĩnh ông Khánh phải chi tiền bôi trơn. Khi đang nhận 1 tỉ đồng cuối cùng tại Hà Nội thì bị bắt quả tang.

Tại phiên tòa các bị cáo đều cho rằng các bị cáo bị truy tố không đúng. Số tiền 4 tỉ là thưởng do có công giới thiệu người bán, Dũng cũng không thừa nhận có ép buộc khiến anh Khánh ép bán tài sản thuế chấp.

Nhận tiền tỉ "bôi trơn", cựu sếp phó BIDV lãnh 15 năm tù ảnh 2

Hai bị cáo Đoàn Tiến Dũng và Trần Thị Thanh Bình đứng trước vành móng ngựa

Bào chữa cho 2 bị cáo, các Luật sư đều cho rằng, cơ quan điều tra có nhiều vi phạm trong tố tụng, không có căn cứ để cáo buộc bị cáo Dũng gây sức ép, gây khó khăn để 2 công ty không mua được tài sản thuế chấp bởi bị cáo Dũng không có khả năng gây ảnh hưởng tới BIDV Hải Phòng.

Tuy nhiên, căn cứ trên các tài liệu hiện có, từ thẩm vấn tại cơ quan điều tra và lời khai tại tòa, HĐXX thấy rằng, đã đủ cơ sở khẳng định bị cáo Dũng có tham gia giới thiệu mua bán tài sản thuế chấp, tham gia các cuộc họp BIDV Hải phòng, có tác động tới BIDV Hải Phòng. Từ định hướng của Dũng, việc giải ngân cũng được rút tiền cho công ty của ông Khánh được dễ dàng hơn. Việc ép buộc phải đưa tiền hay không đưa tiền không phải là ép buộc.

Theo HĐXX, cáo trạng của VKS là có căn cứ, các hành vi của Dũng có tham gia, có ý kiến chỉ đạo việc mua bán tài sản thuế chấp, đề nghị giải ngân. Sau khi vụ việc xảy ra, bị cáo đã khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho người bị hại.

Còn bị cáo Bình có nhận tiền song không biết nội dung bàn bạc, thoả thuận thế nào, không rõ khoản tiền nào vì chỉ có Dũng và Khánh biết. Mặt khác, ở lần giải ngân cuối cùng, Bình là người phản đối nhiều lần cho đến khi Dũng là cấp trên trực tiếp ép buộc nhiều lần.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cho rằng, 1 tỉ đồng bị bắt quả tang nhận tại Hà Nội, là đang ở giai đoạn sau anh Khánh đã chủ động báo cơ quan pháp luật nên đã trả lại cho Khánh là đúng. Tuy nhiên, 4 tỉ đồng đã đưa trước đó là tiền bất hợp pháp, việc trả lại cho anh Khánh là không có căn cứ nên buộc anh Khánh phải nộp số tiền trên để xung quỹ Nhà nước.

Theo Nguyễn Quyết (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm