‘Nhận tội để sống đặng kêu oan’!

Giải thích với báo chí vì sao không phải là hung thủ mà vẫn nhận tội trong giai đoạn điều tra, ông Long trả lời: “Nhận tội để sống đặng còn có cơ hội mà kêu oan”. Câu nói của ông Hàn Đức Long giống câu trả lời của ông Nguyễn Thanh Chấn (cũng ở Bắc Giang) và ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận đến lạ. Ba người bị tù oan không cùng nhốt chung phòng, không ai “mớm cung” nhưng họ lại cùng có câu trả lời giống nhau nghe nhói óc xót lòng.

Vậy họ nhận tội như thế nào? Làm thế nào để một người không phải là hung thủ, không gây án nhưng lại khai tường tận, chi tiết diễn biến theo trình tự không gian và thời gian diễn ra vụ án? Ở đây có vai trò của điều tra viên. Họ căn cứ trên “chất liệu” có sẵn ở hiện trường vụ án, cộng thêm đặc điểm nhân dạng của nghi can/bị can/bị cáo và khả năng tưởng tượng của họ để cho ra đời một kịch bản phạm tội hoàn hảo mà ta thường thấy trong các kết luận điều tra và nội dung cáo trạng. Trong kịch bản ấy, bị can/bị cáo được giao thủ vai chính. Muốn trình diễn tốt thì người diễn vai ấy phải cật lực tập luyện, như ông Chấn từng kể rằng ông bị bắt phải cầm dao, bê xác một cách nhuần nhuyễn.

Nhiều hồ sơ vụ án “đẹp” đến nỗi các thẩm phán tin ngay bị can/bị cáo chính là hung thủ. Khi đó, họ coi những mâu thuẫn trong các lời khai, chứng cứ chỉ là thứ râu ria, không phải là bản chất, bản chất là bị cáo có tội. Đến như nguyên Thẩm phán cao cấp Nguyễn Tuấn Chiêm, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử ông Chấn, cũng bị thuyết phục rằng ông Chấn có tội nên mới xử y án, để rồi sau này bị khởi tố một cách đắng cay...

Giờ thì có lẽ người ta mới nhận ra bài học cẩn trọng của những người cầm cân nảy mực không bao giờ thừa.

Suy cho cùng, động cơ làm oan của các cơ quan tố tụng chỉ là nóng lòng phá án. Phải căm thù cái ác, phải đau cùng nỗi đau với gia đình nạn nhân thì các điều tra viên mới nóng lòng tìm ra hung thủ để buộc họ quy tội. Nhưng tâm trong sáng mà óc thiếu minh mẫn thì cũng chưa đủ phục tòng thần công lý.

Nghi ngờ là thuộc tính hàng đầu của điều tra viên. Nhưng anh phải sử dụng khả năng nghi ngờ ấy để điều tra, để thu thập các chứng cứ rồi dùng phương pháp loại suy mà sàng lọc đối tượng, mà linh động chuyển hướng điều tra để lần theo dấu vết hung thủ. Anh không nên sử dụng khả năng nghi ngờ ấy chụp lên chỉ một đối tượng rồi đinh ninh người ta chính là thủ phạm, từ đó vẽ nên một kịch bản, buộc họ nhận tội với những bản cung được mớm sẵn.

Thiết nghĩ bài học từ các vụ án oan phải được các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng soi rọi lại mình, không nên lấy đó làm cay cú, thắng thua trong điều tra, buộc tội. Ngoài ra, cán bộ tố tụng dù có đủ tâm, đủ tầm đến mấy thì vẫn khó tránh khỏi khả năng sơ suất. Kiện toàn các thiết chế kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự là phương cách tốt nhất để hạn chế sai sót. Phải cho luật sư tham gia tố tụng ngay từ đầu, phải lắp đặt camera trong phòng hỏi cung… dù khó khăn, tốn kém. Như thế, chúng ta mới không còn nghe người bị oan nào thốt lên câu “phải nhận tội để sống đặng có cơ hội minh oan”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm