Ông cho biết Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu các biện pháp điều hành hiệu quả hơn hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không của không quân và sẽ đưa vào sử dụng thường xuyên máy bay cảnh báo sớm E-C2 tại căn cứ hải quân Naha (tỉnh Okinawa).
Báo Japan Times (Nhật) cùng ngày đưa tin phát biểu tại câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Tokyo, Tư lệnh cơ quan tuần duyên Takashi Kitamura tuyên bố Trung Quốc đã công khai thông báo điều động tàu tuần tra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vì thế Nhật cần nhiều nhân lực hơn và thiết bị tốt hơn để đối phó dài hạn.
Ông ghi nhận trên thực tế Nhật chỉ điều động số lượng tàu hạn chế tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và lực lượng cảnh sát tuần duyên không đủ tàu để xử lý tình huống.
Ông cho biết phải mất hơn ba năm để xây dựng tàu có lượng rẽ nước 1.000 tấn vốn là loại tàu cần thiết tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông hy vọng 10 tàu đang ngừng hoạt động trong năm tài khóa 2013-2014 sẽ sớm được tân trang. Tính đến tháng 4, Nhật có 357 tàu tuần tra, trong đó chỉ có 51 tàu có lượng rẽ nước hơn 1.000 tấn.
Máy bay tuần tra hàng hải B-3837 của Cục Hải giám Trung Quốc chụp ảnh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 13-12. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Cùng ngày, ông Shinzo Abe, Chủ tịch đảng Tự do dân chủ Nhật (đối lập), nhấn mạnh ông sẽ tăng chi tiêu cho lực lượng phòng vệ và cảnh sát biển để ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập, đồng thời xem xét bố trí bộ máy nhà nước trên các đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 14-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tố ngược rằng từ tháng 9 đến nay, Nhật nhiều lần huy động tàu và máy bay hoạt động phi pháp tại vùng biển và vùng trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần đưa ra phản đối, yêu cầu Nhật chấm dứt hoạt động phi pháp nhưng Nhật không phúc đáp.
Phản ứng trước thông tin máy bay tuần tra hàng hải Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố sự việc này một lần nữa cho thấy Nhật và Trung Quốc cần đàm phán và giải quyết các vấn đề thông qua đồng thuận. Bà nhấn mạnh hai bên cần phải đối thoại để bảo đảm các sự việc tương tự sẽ không tái diễn và leo thang.
Báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 14-12 dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật nhận định với vụ máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 13-12, Trung Quốc có thể đang thúc đẩy các vụ xâm phạm lãnh hải và không phận của Nhật diễn ra thường xuyên trước khi Nhật thành lập chính phủ mới.
Báo ghi nhận qua vụ này đã bộc lộ nhiều vấn đề trong hệ thống phòng không của Nhật. Hệ thống radar mặt đất gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhất trên đảo Miyakojima (cách đó 200 km) đã không phát hiện máy bay Trung Quốc, do đó máy bay Nhật không đến kịp thời để ngăn chặn.
Ngày 14-12, Trung Quốc đã nộp lên Ban Thư ký LHQ báo cáo một phần ranh giới ngoài thềm lục địa của Trung Quốc vượt quá 200 hải lý trên biển Hoa Đông. Theo Tân Hoa xã, báo cáo nêu các đặc điểm địa chất và bề mặt cho thấy thềm lục địa ở biển Hoa Đông là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ Trung Quốc (kéo dài đến tận bồn trũng Okinawa). |
LÊ LINH - DUY KHANG