Một bác sĩ BV Chợ Rẫy nhờ tôi giới thiệu giúp cho bạn anh (từ Canada về) nơi diễn cải lương vào cuối tuần trước khi anh ấy quay lại Canada. Một chuyên viên NGO nhờ tôi hướng dẫn đoàn khách nước ngoài xem loại hình nghệ thuật hát bội của Việt Nam mà họ từng biết qua sách báo. Một đồng nghiệp có gia đình từ Cà Mau lên chơi nhờ chỉ giùm nơi diễn xiếc cho đám trẻ quê xem cho biết. Tất cả đều bất ngờ là ngay tại TP hiện giờ nơi diễn các loại hình nghệ thuật này đã trở thành bí hiểm. Thực trạng đó không phải mới mà đã diễn ra từ nhiều năm.
Có đoàn nhưng không có rạp
Năm năm nay, rạp Long Phụng của Đoàn nghệ thuật Hát bội TP.HCM bị dột nát, dây leo mọc trong khán phòng. Ngay cơ sở ọp ẹp này cũng chỉ là ở tạm. Theo Giám đốc Nguyễn Anh Kiệt, từ năm 2010, UBND TP đã có quyết định thu hồi rạp giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ nhà đất TP.HCM bán đấu giá. Đoàn đã vài lần nhận công văn yêu cầu dọn khỏi rạp nhưng chưa thể thực hiện vì không biết sẽ dọn đi đâu.
Từ khi thành lập (1986) đến nay, Đoàn nghệ thuật Xiếc TP.HCM đã năm lượt phải dời nhà. Đầu năm 2002, đoàn được cho về Công viên 23-9 nhưng đã ba, bốn lượt nhận công văn yêu cầu di dời. Giám đốc Hồ Văn Thành cho biết 10 năm trước, TP có quy hoạch xây dựng khu rạp biểu diễn liên hợp theo chuẩn quốc tế ở Phú Thọ cho hai đoàn xiếc và rối. Thiết kế đã trình duyệt. Vương quốc Bỉ hứa tài trợ 100.000 euro. Nhưng công trình không được khởi động, đến nay lời hứa tài trợ không còn hiệu lực.
Với cải lương, năm 2010, rạp Hưng Đạo được đập bỏ khởi công xây mới thành Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo. Nhưng hơn hai năm qua công trình vẫn cứ là bãi đất trống. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được di dời từ nơi đã xuống cấp về một nơi còn xuống cấp hơn là rạp Thủ Đô ở quận 5.
Rạp Long Phụng trong tình trạng đổ nát.
Muốn phục vụ nhưng thiếu chỗ diễn
Khi bị chỉ trích tại sao không diễn nghệ thuật dân tộc phục vụ khán giả và du khách. Giám đốc các đoàn nghệ thuật đều khẳng định nếu có nhà hát đạt yêu cầu về kỹ thuật thì họ sẽ làm tốt nhiệm vụ này.
Ông Nguyễn Anh Kiệt cho biết: “Chúng tôi đã từng đưa vở hát bội Sinh vi tướng tử vi thần ra Nhà hát TP.HCM và bán được vé cho du khách nhưng tiền thuê rạp cao quá, đoàn không chịu nổi”.
Nghệ sĩ Đặng Hùng - Giám đốc Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen cũng cho rằng: “Không thể diễn cho khách quốc tế xem ở một cái rạp xuống cấp, chuột chạy ngang như rạp Kim Châu. Đưa ra Nhà hát TP.HCM diễn thì chúng tôi không gánh nổi tiền rạp”.
Ông Hồ Văn Thành khẳng định nếu có rạp xiếc hiện đại, chỗ diễn đầy đủ kỹ thuật, xiếc Việt Nam sẽ phát triển không thua kém xiếc Trung Quốc. Còn hiện tại, đoàn xiếc không có chỗ tập luyện, việc phát triển rất khó khăn, việc tồn tại cũng tạm bợ với cái nhà bạt nylon dễ bị hư hỏng, mỗi lần mưa, tiếng mưa át cả dàn âm thanh biểu diễn...
Không biết đưa khách nước ngoài đi xem cái gì Có nhiều du khách yêu cầu xem những loại hình nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam nhưng chúng tôi không thể đáp ứng. Hiện nay, chúng tôi không thể tìm ra một điểm diễn nào có diễn cải lương, hát bội, ca múa nhạc dân tộc đàn bầu, đàn đá, đàn tranh… Chúng tôi mong muốn TP có những điểm diễn lịch sự, khang trang để sắp tour cho du khách. Chị NGUYỄN MỸ HƯƠNG,chuyên viên thiết kế tour du lịch cho khách nước ngoài Rạp bây giờ tệ quá Về Việt Nam lần nào tôi cùng bạn bè, người thân cũng muốn đi xem cải lương cho thỏa mãn. Rạp cải lương bây giờ tệ quá, chuột chạy ngang khán giả, ghế ngồi cũ kỹ, micro khi nghe khi không, nhà vệ sinh cũ, tróc cả gạch. Bà NGUYỄN THỊ THANH, 52 tuổi, Việt kiều Mỹ Đi xem cải lương vừa cực vừa bực Trước đây tôi thường đi xem cải lương ở rạp Hưng Đạo, còn bây giờ thỉnh thoảng lắm tôi mới vào rạp Thủ Đô xem vì đi xem cải lương vừa cực vừa bực. Cực nhất là chuyện gửi xe. Rạp Hưng Đạo bữa nào mà tuồng hay, đông khán giả, việc gửi xe rất khó, giá bị đẩy lên cao. Rạp Thủ Đô thì tệ hơn nữa, chỗ giữ xe không có, phải vào chợ, chung cư gần đó gửi bị chém 10.000 đồng/lần. Đã vậy rạp Thủ Đô xa trung tâm thành phố quá, đi về rất cực. Khán giả trẻTRẦN NGỌC QUỐC ANH Đang xúc tiến nhiều dự án UBND TP.HCM đã có chỉ đạo trực tiếp về Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo rồi, mọi việc sẽ xúc tiến sớm. Thành ủy và UBND TP cũng đã đồng ý về dự án xây Nhà hát Phương Nam tại khu Phú Thọ, quận 11 để sáp nhập đoàn rối và đoàn xiếc, đưa về đấy. Ngoài ra, UBND TP cũng đã xem xét dự án xây Nhà hát Sen Hồng dành cho thiếu nhi tại Công viên 23-9, ngay quận 1. Nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật dành cho thiếu nhi sẽ có tại đây. Việc giải quyết nơi chốn cho Đoàn nghệ thuật Hát bội TP.HCM thuộc tầm giải quyết của UBND TP.HCM rồi, tôi không thể trả lời. Riêng về quan điểm cá nhân, tôi nghĩ nên giữ lại rạp Long Phụng cho đoàn hát, các rạp hát cũ cũng nên giữ lại vì khi bán hết thì sẽ không còn nữa, mà việc kiếm ra đất ở trung tâm TP.HCM không dễ dàng chút nào. Ông VŨ TRỌNG NAM, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM |
HÒA BÌNH