Nhiều thách thức cho gạo, cà phê...sang thị trường EU

Cuối tuần qua, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu-EVFTA.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiệp định EVFTA được thực thi kết quả bước đầu tích cực.

Tổng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Anh trong tháng 8 đạt 3,77 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 9, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Anh đạt 3,54 tỷ USD, tăng 7,9

Qua số liệu cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp (DN) cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Tính đến 12-10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra các DN xuất khẩu hàng hóa sang EU thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị 

Sau hai tháng EVFTA được thực thi, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Thủy sản là mặt hàng tận dụng được ưu đãi ngay từ những ngày đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. 

Từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và Anh đạt khoảng 263 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ hai tháng năm trước.

Từ tháng 9, một số mặt hàng có kim ngạch bắt đầu tăng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo đạt 1,74 triệu USD, tăng 168% so với tháng trước; xuất khẩu giày dép đạt 307,07 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước…

Theo thứ trưởng Khánh, với kết quả xuất khẩu tháng 8, tháng 9, hy vọng các tháng còn lại tiếp tục tận dụng tốt EVFTA xuất khẩu sang EU có khả năng giữ được mức tăng trưởng dương. Nếu giữ được, đây là thành tích rất đáng ghi nhận trong bối cảnh sức mua của thị trường EU đang bị ảnh hưởng nặng COVID-19.

Thủy sản là mặt hàng tận dụng được ưu đãi ngay từ những ngày đầu tiên hiệp định có hiệu lực

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương lưu ý, EVFTA mở ra những cơ hội lớn nhưng ngay cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam kể trên, có cơ hội cắt giảm thuế quan nhiều cũng gặp thách thức lớn vì EU là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng.

Ví dụ với mặt hàng gạo, nếu không đảm bảo yêu cầu chất lượng không thể thâm nhập được vào EU. Bên cạnh đó, thị trường EU cũng ưa chuộng một số mặt hàng gạo thơm từ Thái Lan, Campuchia, Myanmar nên DN Việt cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường này.

Ngoài ra, trong 30.000 tấn gạo thơm trong hạn ngạch Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, trên thực tế sản lượng và vùng trồng của Việt Nam chưa lớn. Do đó, cần có tái cơ cấu về sản xuất để tận dụng ưu đãi thuế đối với mặt hàng này.

Tương tự với cà phê, thị trường EU quan tâm đến chất lượng sản phẩm, các sản phẩm có thương hiệu. DN chú ý đến xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường này. 

“Đó là những thách thức DN phải quan tâm, nếu không khắc phục được, các cơ hội giảm thuế hay xin các C/O không phát huy tác dụng”, bà Trang nói.

Theo bà Trang, thời gian tới DN chủ động đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm; mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như mở rộng thị trường tới những nước EU mà trước đây chưa hoặc ít khai thác.

Đảm bảo trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất. Đây là những yếu tố mà thị trường EU rất quan tâm.

Đặc biệt DN muốn tận dụng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU phải đảm bảo quy tắc xuất xứ.

Do quy tắc xuất xứ trong EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, các DN Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước.

DN cần chủ động tìm hiểu để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm