Nhìn từ nước Đức: Brexit, quả bóng Euro và khát vọng EU

Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chức, nhưng có lẽ chính ông cũng không ngờ mình lại thất bại trong canh bạc mà ông cứ ngỡ rằng “nhất tiễn hạ tam điêu” – vừa lấy phiếu tín nhiệm của người dân vào cuộc bầu cử hồi năm ngoái, vừa có thể mặc cả với Brussel và hạ bệ nhiều đối thủ chính trị của ông.

Brexit trở thành đề tài khắp nơi, nóng nhất trên mọi diễn đàn. Ở Đức cũng không ngoại lệ, người ta bàn rất nhiều về Brexit với nhiều thái độ và cảm xúc khác nhau. Ngoài quán cà phê ngay thị trấn trung tâm nhà ga Mannheim, một người bạn của tôi trả lời dửng dưng nhưng đầy quan tâm và nghiêm túc rằng “tôi nghĩ điều ấy không hề tồi tệ chút nào”.

Anh bạn này cũng từng là người viết trên Facebook cá nhân mình rằng “điều đó thật tồi tệ” khi Anh vừa có kết quả Brexit. Nhưng cũng như rất nhiều trí thức Đức khác, cảm xúc ấy – sự luyến tiếc cho một bản sắc lâu đời của EU, sự hoảng loạn của những chỉ số chứng khoán, giá bảng Anh tuột dốc không phanh, những doanh nghiệp Đức tại Anh bắt đầu hoang man khi không biết trụ sở của họ sẽ về đâu,... – nhanh chóng được trấn an bằng những phân tích đầy xác đánh, công tâm, điềm tĩnh và duy lý của người Đức.

Báo chí Đức thậm chí còn chỉ trích “những người yếu đuối mãi theo đuổi khẩu hiệu Please don’t leave EU (Xin hãy đừng rời khỏi EU)”. Khác với nhiều bài xã luận của các hãng truyền thông Mỹ, Pháp, Anh,... báo chí Đức không ca ngợi, ăn mừng nhưng cũng khẳng định “hãy cứ để họ đi, vậy thôi”. Về lý trí, Brexit tốt cho châu Âu lục địa.

Những cầu thủ Đức vẫn cống hiến để chinh phục sân cỏ

Những cầu thủ Đức vẫn cống hiến để chinh phục sân cỏ, ngoài kia lãnh đạo nước Đức cố gắng chinh phục và xây dựng giấc mơ EU. Ảnh minh họa: Spiegel

Người Đức vốn có biệt danh “xe tăng”, không chỉ vì sự cứng cỏi của họ, mà còn ở mức độ quyết đoán, dám vứt bỏ quá khứ một cách lý trí, đồng thời rạch ròi giữa nỗ lực và thành quả.

Thất bại thế chiến thứ II, bị chia cắt, thậm chí nền kinh tế trở về con số âm không ngăn được người Đức trở thành lãnh đạo, thành linh hồn của EU – quốc gia gánh vác các gói cứu trợ cho nhiều thành viên của tổ chức; dàn xếp các làn sóng di dân; giải quyết khủng bố và hơn thế nữa.

Bà Angela Merkel là một nhà lãnh đạo như vậy. Nữ thủ tướng Đức từng tìm cách để Anh tiếp tục ở lại, xây dựng một hình ảnh EU với vòng tròn những ngôi sao trọn vẹn, nhưng tuyệt nhiên không nhượng bộ trước những giá trị chung của EU, bao gồm cả bốn quyền tự do của công dân EU.

Nước Đức nỗ lực thuyết phục Anh, nhưng không vì kết quả trưng cầu dân ý mà đánh đổi giá trị cốt lõi, tinh thần của EU trong suốt ngần ấy thập kỷ.

Thế nên khi có kết quả trưng cầu dân ý, tức khả năng cứu vãng về lý thuyết là gần như không còn, chính quyền Đức nhanh chóng kêu gọi Anh hoàn thành thủ tục Brexit càng nhanh càng tốt.

Thúc giục như vậy không phải Đức chia tay Anh, mà là để Anh và EU bước sang một giai đoạn quan hệ mới – đối tác thân cậy – để cả hai không phải chịu tình trạng tiến thoái lưỡng nan còn dân tình lãnh đủ.

Thúc giục như vậy để ổn định một EU với quá nhiều bộn bề, xây dựng một EU mới đúng với tinh thần và triết lý của những nhà sáng lập EU.

Thúc giục để người Anh thấy rằng trong quan hệ quốc tế, không thể có sự nhân nhượng giữa ý tưởng một ngôi nhà chung và chủ nghĩa dân tộc bảo thủ, quyết không cúi đầu trước Brussels nhưng lại mưu cầu lợi ích từ thị trường EU vốn lớn nhất nhì địa cầu này.

Và thúc giục như vậy để người dân Anh, vốn sống theo phong cách quý tộc từ hàng trăm năm qua, phải chấp nhận trách nhiệm với lá phiếu của họ, hay đúng hơn là đa số người dân của quốc gia này.

Từ nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đến anh bạn của tôi, đến cả những bài xã luận với tiêu đề “Brexit không tổn hại EU”, “Vâng! Hãy cứ để nước Anh ra đi”, “Brexit bắt đầu một EU mới”,... cho thấy rằng người Đức đang rất tỉnh táo để kiến thiết lại một EU thiếu vắng Anh.

Đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là khi những cánh chim đầu đàn EU đang có dấu hiệu mệt mỏi và mâu thuẫn. Nhưng vẫn như vậy, người Đức vẫn rất rạch ròi giữa nỗ lực và kết quả. Họ vẫn sẽ cố gắng xây dựng một EU 2.0 bất kể tương lai ra sao.

Kết quả Brexit diễn ra vào mùa bóng đá Euro, đó có lẽ là nỗi buồn của hàng triệu người Anh. Tuy nhiên trên các sân cỏ, ngoài thị trấn, tại các quảng trường hay ngay trong khu ký túc của trường đại học tại Đức, tiếng hò reo cho màu cờ sắc áo của Đức vẫn vang dậy.

Mỗi lần cầu thủ Đức đá vào lưới Slovakia là mỗi lần tiếng kèn, tiếng (pháo) nổ khiến người ta hừng hực. Quả bóng Euro vẫn cứ lăn trong niềm hạnh phúc của hàng triệu người Đức, dẫu bên kia đảo quốc sư tử có buồn phiền hay luyến tiếc.

Brexit phía sau, quả bóng trước mặt và người Đức vẫn theo đuổi giấc mơ chinh phục châu Âu, tất nhiên không chỉ trên sân cỏ!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm