Nhìn vào Kim Ki-Duc

Những bộ phim của ông như The Isle (tên Việt: Cô lái đò, 1999), Spring, Summer, Fall, Winter... And Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông, rồi lại Xuân, 2003), Samaritan Girl (Làm điếm, 2004)... đã được biết đến ở nước ta. Nhiều đạo diễn phim Việt Nam, nhất là các đạo diễn của thế hệ mới, đã xem các phim đó, xem xong có thán phục, có nhiều nghĩ ngợi nhưng chỉ là vậy thôi. Họ không dám liều mình để được là mình trong nghệ thuật như Kim Ki-Duc.

Sinh năm 1960 tại ngôi làng miền núi Bonghwa (Hàn Quốc), theo cha mẹ lên thủ đô Seoul năm chín tuổi, đến năm 17 tuổi bỏ học, vào làm công nhân trong các xí nghiệp, rồi đi lính, giải ngũ, lại muốn thành linh mục, rốt cuộc vào tuổi 30 (1990) Kim dốc hết số tiền mình có được mua một vé máy bay sang Paris. Ba năm lang thang ở thủ đô nước Pháp “kinh thành ánh sáng”, chợt một ngày lạc vào rạp chiếu bóng xem bộ phim Sự im lặng của bầy cừu đã khiến Kim bẻ lái cuộc đời mình theo điện ảnh. Năm 1993, Kim về nước, từ đó bắt đầu một tên tuổi mới của điện ảnh Hàn Quốc và thế giới.

Kim Ki-Duc làm phim theo cách của mình, nhất quán và triệt để theo cái hướng mình chọn cho mình trong điện ảnh. Mặc cho ai phê phán, chửi bới, đến mức như báo chí Hàn Quốc gọi ông là “gã đạo diễn tâm thần” hay “kẻ quái thai thời đại”. Phim ông dữ dội, bạo lực nhưng ẩn sau đó là sự trắc ẩn và nhân văn. Bốn bộ phim của ông đã được mời dự Liên hoan phim Venise. Năm nay (2012) bộ phim Pietà dự liên hoan này đã mang về cho ông giải Sư tử vàng danh giá. Phát biểu về bộ phim, ông nói: “Khi tôi làm Pietà, tôi nghĩ rằng tất cả những ai sống trong thế giới hiện đại này đều là những người cần phải chờ đợi lòng khoan dung của Chúa. Thế giới hiện đại hoàn toàn hỗn loạn vì các mối quan hệ của con người đã trở nên rối tung vì tiền bạc. Chúng ta đang trở nên tàn ác hơn và niềm tin giữa mọi người với nhau đang biến mất nhanh chóng. Điều này khiến Pietà nghe có vẻ là một câu chuyện rất phức tạp nhưng tôi chỉ muốn đặt vào bộ phim này ý tưởng “Lạy Chúa, xin người hãy khoan dung cho chúng con”.

Hôm nhận giải Sư tử vàng ở Venise, Kim Ki-Duc đã bước chân trong một đôi giày cũ trên thảm đỏ sang trọng. Vẻ như ông không coi trọng cái hình thức bề ngoài. Tất cả những gì của mình, tất cả những gì ông muốn đem lại cho cuộc sống và con người là ở trong các bộ phim ông đã làm, vậy thì có cần chi cái hình dạng của kẻ làm phim trước công chúng. Cách xử sự này của ông khiến tôi nhớ đến nhà bác học lừng danh thế kỷ XX A. Einstein. Khi bị bạn bè trách cứ về sự không chăm chút cái vẻ bề ngoài của mình trước đám đông, cha đẻ của thuyết tương đối nói: Lúc tôi chưa nổi tiếng thì dù có ăn mặc đẹp đẽ thế nào mọi người cũng không biết tôi là ai, còn khi tôi đã nổi tiếng thì dù ăn mặc thế nào mọi người cũng nhận ra tôi.

Tại lễ trao giải, thay vì lời phát biểu cảm xúc và cảm tạ, Kim đã hát bài Ariang - một bản dân ca Hàn Quốc. Điều này khiến tôi vô cùng thích thú cho người và buồn bã cho mình. Thích vì thấy một con người, một đạo diễn biết tự tôn dân tộc, biết giới thiệu đất nước mình cho thế giới trên một sân khấu lớn là lễ trao giải của một liên hoan phim nổi tiếng, ngay cả dù cho phim ông làm ra đất nước ông vẫn chưa phải đã hiểu hết, đã chấp nhận hết. Ông là người con của dân tộc mình, là công dân của đất nước mình, đó là điều trên hết.

Còn buồn vì nhìn vào Kim Ki-Duc hát dân ca Hàn Quốc tại Venise, lại ngó sang một cuộc thi như The Voice phiên bản Việt thấy các thí sinh chỉ toàn hát tiếng Anh mà từ huấn luyện viên đến ban tổ chức và nhà đài còn cho là phải, là đúng thì mới hay vì sao văn nghệ nước mình, văn hóa nước mình nó thấp kém đến vậy.

Mong Việt Nam có một Kim Ki-Duc như thế hình như là viển vông cay đắng.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm