Những chiếc bóng

Những chiếc bóng ảnh 1
Ai cũng có bóng. Bóng chỉ là ánh phản chiếu của hình nhưng đôi khi bóng lại là hình... Bóng đổ liêu xiêu

"Thảo thuận lại sanh con thảo thuận, ngang trái lại sanh con ngang trái; chẳng tin hãy xem nước đầu thềm, nhỏ nhỏ giọt giọt không sai dời..." (Sách Minh Tâm Bửu Giám)

Mới hơn 7 giờ, nắng đã ngập sân tòa. Người vợ ngồi một mình trên băng ghế. Hai hốc mắt chị sâu hoắm, thâm quầng. Bóng đổ chỏng chơ dưới chân. Toàn thể cái bóng ấy toát lên vẻ ảm đạm, buồn bã. Trên băng ghế khác, người chồng tươi tắn, quần áo chỉn chu nên bóng căng đầy sự mạnh mẽ, sảng khoái. Họ chính là hai đương sự trong phiên sơ thẩm vụ án ly hôn vào một ngày cuối tháng 12-2011 tại TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Phiên tòa bắt đầu. Qua diễn tiến nội dung vụ án dần hiện ra. Khi cưới nhau, anh là thợ sửa điện tử, chị bán bún riêu. Một hôm, anh bàn với vợ rằng anh có bằng tốt nghiệp lớp 12, vô học lớp tại chức công nghệ thông tin, đi làm công ty tư nhân mới có nhiều tiền. Chứ mãi như vầy sao khá được. Mọi sự diễn tiến đúng như họ tính. Anh đi làm cho công ty tư nhân. Làm được hơn một năm, anh đòi ly hôn. Vợ đưa ra nhiều lý do cố níu kéo cuộc hôn nhân rằng mình rất thương yêu chồng, mỗi ngày sau khi buôn bán xong đều làm tốt chuyện cơm nước. Và chị nói thêm nhờ nồi bún mà chị nuôi anh ăn học. Từ khi đi làm anh thay đổi hẳn, thường quạu quọ, cau có với chị, rồi nghe chồng đang quen với một cô gái trẻ đẹp khác nên chị mới ghen... Chồng nhất quyết ly hôn với hàng loạt lý do: trình độ chênh lệch nên không hợp nhau, sở thích cũng không giống nhau, vợ hay ghen... Nghĩa là mục đích hôn nhân không đạt được. Nếu tòa không cho ly hôn thì anh cũng nhất quyết bỏ nhà đi, chứ cố sống sẽ khổ sở cho cả hai... Tòa tuyên ly hôn.Phiên tòa xử ly hôn phòng kế bên cũng vừa chấm dứt trước đó vài phút. Người vợ không đến nên tòa xử vắng mặt, bởi vậy chỉ có một cái bóng gầy nhom như tàu lá úa của người chồng bước ra khỏi phòng. Khuôn mặt người đàn ông mệt mỏi, phờ phạc. Đôi mắt buồn rũ, đau đáu ấy như hối tiếc một điều gì quý báu mà mình đã vung tay hắt bỏ... Ba năm trước, anh ly hôn người vợ chịu thương chịu khó đã cùng mình trên ghe rong ruổi sông nước buôn bán, và giao luôn đứa con 4 tuổi cho vợ nuôi để đến với một phụ nữ giàu có vốn là chủ một vựa trái cây lớn. Chuyện đời biến hóa khôn lường. Tiếng là chồng bà chủ nhưng thật ra anh cũng như người làm công. Mọi giao dịch mua bán, tiền bạc tất nhiên vợ nắm giữ, anh chỉ lo phần vận chuyển trái cây. Trong khoảng thời gian chung sống, cũng có sắm sửa đồ đạc nhưng mẹ vợ đứng tên. Rồi vợ xem thường nặng nhẹ trước mặt mọi người. Không chịu được, người đàn ông đâm đơn ly hôn... Nắng trưa chang chang chiếu xuống sân tòa khiến ba cái bóng đen kịt như muốn ăn lan vào hình. Người vợ thất thểu bước nên bóng đổ liêu xiêu, ủ ê. Người chồng hớn hở nên bóng dưới chân cứ nhảy nhót, vui tươi. Phía trước, hình người đàn ông gầy nhom nên bóng cũng tong teo theo, bóng của trái cổ anh hiện lên rất rõ và cứ nhót lên nhót xuống như muốn nói điều hối tiếc gì nhưng không phát ra thành tiếng...Bóng hai người đàn ông cách nhau khoảng chục bước chân. Cái bóng sau đầy vun bước tiếp nối theo cái bóng trước dài ngoằng... Giọt nước đầu thềmBà T.T.B. nói rằng 1,6 mẫu đất của vợ chồng bà được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất do chồng bà đứng tên. Khi con trai ra riêng, vợ chồng bà cho con 6 công và cho mượn thêm 3 công canh tác. Bà giao giấy tờ cho con trai giữ. Chín năm sau, chồng mất, bà lấy lại 3 công nhưng vợ chồng con trai không chịu trả. Người con nói toàn bộ đất cha mẹ đã bán cho vợ chồng mình. Người mẹ thưa ra tòa. Có người anh chồng làm chứng đất đó là của bà. Phiên sơ thẩm bà thắng kiện. Vợ chồng con trai kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm một ngày cuối tháng 2-2012 tại TAND TP Cần Thơ. Người mẹ trình bày: “Tôi trên 60 tuổi rồi, đâu còn làm gì nổi, định lấy lại 3 công đất cho người ta thuê lấy tiền sống. Còn tụi nó cũng có riêng trên cả mẫu rồi. Vậy mà cố giành lấy 3 công đất. Chúng tôi chỉ có hai đứa con, đứa con gái có chồng ở xa. Tụi tôi cũng có thể bán đất lấy tiền gửi ngân hàng sống nhưng chúng tôi muốn giữ đất đai cho con cháu, sau này có trăm tuổi chia đều cho hai đứa chúng nó chứ ai”. Con dâu khẳng định: “Đất đó chúng tôi mua chứ không lấy của cha mẹ”. Chỉ có mẹ chồng và con dâu tranh luận, còn người con trai chỉ ngồi im lặng. Đứa cháu khoảng 9 tuổi ngồi nhỏ bé gần cha trong băng ghế. Tòa y án sơ thẩm vì con dâu không chứng minh được chuyện mua đất. Phiên tòa bế mạc. Bên ngoài trời mưa nên họ không về được. Đứa cháu chạy đến sà vào lòng bà. Ánh đèn hắt xuống kết bóng hai bà cháu thành một khối vững chãi, ấm cúng. Chợt cô con dâu kêu con về giọng gắt gỏng. Bóng đứa bé xé rách tách rời ra khỏi bóng bà thành hai mảnh: mảnh đứa bé bịn rịn, xáo xác, mảnh người bà chới với như muốn níu đứa cháu lại. Bà chép miệng: “Đứa nhỏ còn biết chuyện hơn người lớn. Ai đời con dâu gì mà không biết đạo lý, còn thằng chồng nghe lời vợ cạn tàu ráo máng với người dứt ruột đẻ ra mình. Chắc tại tấc đất giờ là tấc vàng, vàng đã khiến cho tụi nó mờ mắt, coi rẻ tình máu mủ”. Giọng người anh chồng chợt vang lên nghe xa lắc, u buồn: “Thím đừng buồn khi tôi nói điều này. Tất thảy đều là quả báo.  Ngày xưa, ba má chỉ có hai anh em tôi. Phận dâu con, mẹ có sai quấy gì thím cũng nên nín nhịn. Đằng này ăn miếng trả miếng, cạnh khóe mẹ chồng, rồi cứ nhất mực không chịu làm dâu. Chú út lúc đó chẳng những chiều lòng vợ, còn nói mẹ khó khăn nên ra riêng. Còn tôi cũng bất hiếu cứ mải lo lên thành thị lập nghiệp, bỏ mẹ sống vò võ một mình. Người già mà, chỉ cần vài cơn phiền muộn là dễ rụng hơn cả buồng chuối chín khô. Giờ thằng con thím, cháu tôi nó cư xử giống y anh em tôi ngày xưa, còn đứa con dâu nó cũng cư xử giống y như thím. Rồi đây tuổi già bóng xế, nó cũng ăn năn y như chúng ta. Thím thấy những giọt nước cứ rơi y chang nhau đầu thềm không?”. Nói đến đây, bỗng một cơn ho kéo đến khiến người ông run lên, bóng cũng run theo...Tôi nhìn theo ánh mắt ông. Ngoài trời bắt đầu tạnh mưa nhưng chưa có nắng nên không có cái bóng nào tồn tại, những giọt nước mưa trong suốt không bóng trên mái tòa án theo rãnh chảy nhỏ xuống từng giọt, từng giọt, giọt này cứ rơi liền sau giọt kia xuống bậc thềm, không hề xê dịch. Chợt nhớ sách Minh Tâm Bửu Giám do cụ Trương Vĩnh Ký phiên dịch, có câu: thảo thuận lại sanh con thảo thuận, ngang trái lại sanh con ngang trái; chẳng tin hãy xem nước đầu thềm, nhỏ nhỏ giọt giọt không sai dời... Mọi người lục tục kéo về. Có nắng nên bóng sống lại. Năm cái bóng cùng hướng đến bãi giữ xe như đang cùng quây quần bên nhau ở nhà chứ không phải theo hình đối mặt nhau chốn pháp đình. Các cái bóng đang cố rướn vươn dài ra như muốn biến thành hình, nhưng khi bóng sắp chạm vào nhau thì mặt trời bị đám mây đen che khuất khiến bóng lại tan mất, bỏ hình lạnh tanh lại với nhau... Theo MINH TÂM (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm