Những chiêu kéo rê án của bị đơn

Đây là chuyện mà các thẩm phán thường phải đối mặt khi giải quyết án dân sự. Những người bị kiện tìm đủ cách để kéo rê việc giải quyết án. Người đi kiện khổ sở, tòa mệt mỏi, thậm chí nhiều trường hợp phải đình chỉ vụ án.

“Biến mất” để né kiện tụng

Ông NCK có hộ khẩu thường trú tại nhà cha mẹ ở quận Tân Bình (TP.HCM). Tháng 5-2007, ông vay 160 triệu đồng của một ngân hàng. Quá hạn không trả, nhân viên ngân hàng tới tận nơi ông ở, dọa nếu ông chây ỳ sẽ khởi kiện ra tòa. Vài ngày sau quay lại, nhân viên ngân hàng thấy ông NCK đã… biến mất. Hỏi thăm, cha mẹ ông bảo ông giận gia đình nên dọn ra ngoài nhưng… không biết đi đâu.

Liên lạc không được, phía ngân hàng đành khởi kiện ông NCK, cung cấp cho tòa địa chỉ thường trú của ông. Tòa thụ lý nhưng sau đó phải đình chỉ vụ kiện vì không biết ông NCK ở đâu để triệu tập đến làm việc, phía ngân hàng cũng không cung cấp được địa chỉ cụ thể của ông NCK.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho biết những vụ kiện phải đình chỉ vì lý do tương tự xảy ra khá nhiều. Quan điểm của ngành tòa án hiện nay là nếu khi thụ lý vụ án, tòa đã thông báo cho bên bị đơn biết việc khởi kiện của nguyên đơn mà sau đó bị đơn bỏ trốn thì tòa mới được quyền giải quyết. Còn nếu bị đơn đã bỏ đi trước khi tòa thụ lý như trường hợp của ông NCK thì tòa trả lại đơn vì thuộc trường hợp nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của bị đơn.

Liên tục thay đổi người đại diện

Tháng 3-2010, anh CQQ nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND một quận tại TP.HCM buộc ông TQT phải trả 200 triệu đồng nợ gốc và lãi suất theo quy định. Với các giấy vay mượn nợ rất rõ ràng giữa hai bên, phía ông TQT cũng có địa chỉ cụ thể nên tòa ra thông báo đóng tạm ứng án phí và thụ lý.

Đến nay vụ án đơn giản này vẫn chưa được xét xử bởi ông TQT viện lý do sức khỏe yếu, bận rộn, không tham gia tố tụng được mà phải nhờ đại diện theo ủy quyền. Cán bộ tòa nhiều lần liên lạc trực tiếp với ông thì ông từ chối gặp, yêu cầu làm việc với người đại diện. Khổ một nỗi, ông TQT lại liên tục thay đổi người đại diện, tới bốn người, làm tòa rất vất vả trong việc tống đạt văn bản, triệu tập lấy lời khai, tổ chức hòa giải...

Những chiêu kéo rê án của bị đơn ảnh 1

“Lôi” người nước ngoài vào cuộc

Một chiêu khác cũng hay được đương sự áp dụng là dựng lên hoặc lôi người có quốc tịch nước ngoài vào vụ án.

Theo đơn khởi kiện của bà LTNP, năm 2004, bà chuyển tiền cho người bà con là ông NVK đứng tên mua giùm căn nhà. Hai bên có lập biên bản về việc đứng tên giùm này, theo đó ông NVK tạm thời được sử dụng căn nhà, đến khi nào bà LTNP có nhu cầu thì ông phải trả lại. Sau đó ông NVK không sử dụng căn nhà trên mà cho người khác thuê lấy tiền bỏ túi. Biết chuyện, bà LTNP khởi kiện yêu cầu ông NVK trả nhà và trả tiền thu được từ việc cho thuê nhà.

Ra tòa, ông NVK phủ nhận hoàn toàn việc đứng tên giùm, khai rằng căn nhà do ông và người thân đang sống ở Mỹ hùn tiền mua. Ông đưa ra một văn bản nói do ông và người thân lập với nội dung trên... Với tình tiết mới này, TAND quận phải chuyển hồ sơ lên cho TAND TP giải quyết vì có yếu tố nước ngoài. Một điều chắc chắn là vụ án sẽ phải kéo dài vì còn trải qua khâu ủy thác tư pháp.

Tỏ vẻ ngu ngơ, liên tục khiếu nại…

Thụ lý một vụ tranh chấp thừa kế, TAND một huyện ở TP.HCM mời ông V. - bị đơn đến làm việc. Thấy ông V. có vẻ ngớ ngẩn, tòa tìm hiểu thì vợ ông bảo chồng gần đây nhiều lúc có dấu hiệu “tưng tửng”. Thận trọng, tòa yêu cầu gia đình ông V. đưa ông đi giám định pháp y về tâm thần để tòa có căn cứ tuyên ông mất năng lực hành vi dân sự rồi cử người giám hộ. Tòa yêu cầu, gia đình ông Y. cứ đủng đà đủng đỉnh không đáp ứng, viện đủ thứ lý do, nào là bận quá, nào là không có tiền…

Một vấn đề khó khăn khác của các tòa là bị đơn bất hợp tác khi xác minh, định giá tài sản tranh chấp, nhất là đối với tài sản mà bị đơn đang quản lý, sử dụng. Hội đồng giám định đến làm việc, đương sự đóng cửa không tiếp, không ký biên bản… Đặc biệt, nhiều bị đơn liên tục khiếu nại dù không hề đưa ra được căn cứ xác đáng. Khiếu nại yêu cầu thay đổi thẩm phán, khiếu nại về thái độ của cán bộ tòa, khiếu nại về việc tống đạt… Vụ án bị kéo dài vì tòa còn phải lo giải quyết khiếu nại của họ theo đúng quy định.

Cần các hướng dẫn

Việc đương sự đối phó với tòa diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi, là một trong những nguyên nhân dẫn đến án quá hạn hằng năm. Có vụ tôi thụ lý, giải quyết hơn ba năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa xong vì bị đơn liên tục tố cáo, khiếu nại trong quá trình tố tụng. Vì vậy, không chỉ riêng tôi mà các thẩm phán cũng đều mong có các hướng dẫn để hạn chế được thực trạng này.

Chẳng hạn, một trong các tiểu xảo của bị đơn là liên tục thay đổi chỗ ở nhằm gây khó khăn trong việc xác định tòa nào thụ lý, giải quyết đơn kiện. Cách đây hơn một tháng, TAND TP.HCM đã có công văn hướng dẫn các tòa quận, huyện. Theo đó, tòa án nơi bị đơn có địa chỉ cư trú ban đầu sẽ thụ lý, giải quyết vụ án thay vì cứ chuyển lòng vòng từ tòa này sang tòa khác theo địa chỉ do nguyên đơn cung cấp. Theo tôi, đây là một biện pháp tốt để hạn chế chuyện đương sự đổi chỗ ở nhằm tránh né kiện tụng.

Thẩm phán NGUYỄN HUY HOÀNG,
TAND quận Gò Vấp, TP.HCM

Không cho ủy quyền nhiều?

Tôi nghĩ trước việc lợi dụng ủy quyền để kéo rê vụ án nên áp dụng nguyên tắc không cho đương sự ủy quyền quá hai lần nếu không có lý do chính đáng. Bởi lẽ trước khi chọn người để ủy quyền, đương sự đã có thời gian nghiên cứu kỹ, nắm chắc khả năng kiến thức, biết rõ nhân thân của họ, không lý gì lại lấy cớ “không tin tưởng”, “không thích” để chọn người khác.

Nói chung, nếu sự ủy quyền từ lần thứ hai trở đi không có lý do chính đáng thì tòa không chấp nhận. Khi đó tòa vẫn triệu tập người được ủy quyền ban đầu, nếu người này cố tình không hợp tác thì tòa có quyền xét xử vắng mặt. Phải quyết liệt như vậy mới đủ sức răn đe với đương sự cố tình làm khó cho tòa.

Thẩm phán NGUYỄN VĂN TRÍ,
Phó Chánh án TAND quận Tân Bình, TP.HCM

Để một cấp giải quyết khiếu nại?

Bất cứ hành vi gì của người tiến hành tố tụng hay việc định giá, giám định… đều có thể bị khiếu nại. Thậm chí có vụ trong lúc hòa giải, đương sự cố tình chọc giận để thẩm phán “nổi đóa” rồi ghi âm tố cáo về thái độ làm việc. Dù chánh án TAND quận, huyện giải quyết rồi nhưng đương sự vẫn có quyền tố cáo lên tòa cấp trên. Khi chánh án tòa cấp trên có công văn trả lời thì thời gian đã kéo dài cả nửa năm, vụ án chắc chắn sẽ quá hạn.

Vì vậy, theo tôi, phải sửa đổi các quy định hiện hành trong BLTTDS để rút ngắn quy trình giải quyết khiếu nại bằng cách giao việc xử lý tất cả khiếu tố, khiếu nại cho tòa án trực tiếp giải quyết vụ án.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

H.TÚ - T.TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm