HÀNG LẬU - LẮT LÉO NHỮNG CHUYẾN HÀNG DỌC BIÊN GIỚI

Những mánh "ăn hàng" qua các lối mở dọc biên giới

Những mánh "ăn hàng" qua các lối mở dọc biên giới ảnh 1
Vác hàng băng qua đường mòn lối tắt. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Để làm rõ những mánh "găm hàng", vận chuyển hàng và "hợp pháp hóa" hàng lậu của dân buôn, phóng viên đã thâm nhập đi theo những chuyến hàng được chuyển từ bên kia biên giới về Việt Nam theo tuyến Lạng Sơn những ngày giáp Tết và cùng với các lực lượng liên ngành giăng lưới, tóm gọn các vụ vận chuyển hàng lậu. Chiều biên giới cuối năm lạnh cóng, đồng hồ đã chỉ sang 9 giờ mà trời vẫn tối sập, nhưng giữa những con đường mòn lắt léo cách cột mốc biên giới 1090 Việt-Trung chừng 100 mét, dân buôn lậu vẫn đang “chạy nước rút” với những mẻ hàng cuối năm. Qua sự "giới thiệu" của một người quen, tôi được Vỵ quê gốc Đồng Bành, Lạng Sơn đưa đi "thực tế". Với dáng người gầy quắt nhưng Vỵ đã có gần 10 năm đánh bóng khắp các chợ bên Trung Quốc, cùng với khẩu khí mạnh mẽ nên mọi ngóc ngách ở vùng biên hắn đều hiểu rất tường tận. Trên chuyến xe còn có hai vị khách từ Hà Nội, tất cả đều là những mối hàng quen biết từ lâu nên trong câu chuyện đều tỏ ra rất "cởi mở". Lô hàng hôm nay không thuộc loại quốc cấm nên Vỵ cũng không phải úp mở chuyện làm ăn của mình. Phía đầu bên kia biên giới (phía Trung Quốc), vợ hắn cũng đã có mặt trước 2 ngày và đóng sẵn hàng để chờ đưa vào nội địa. “Đây là hàng trốn thuế nên phải đi lối tắt," vừa nói Vỵ vừa đưa tay chỉ về con đường lầy lội trước mặt. Con đường mòn nằm vắt ngang những mỏm núi, cách trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Cốc Nam chừng 30 phút đi bộ in nhằng nhịt những dấu chân của các đối tượng vác hàng lậu. Một dãy nhà khá lụp xụp nằm sát nhau gần đường mòn 06, trong nhà chỉ thấy đa phần là dân “cửu vạn” và từng tốp “chim lợn” cầm bộ đàm liên tục đi lại làm nhiệm vụ cảnh giới. Âm thầm quan sát, tôi thấy việc giao dịch cũng rất chặt chẽ, các đầu nậu không bao giờ lộ mặt mà thường đừng từ xa dùng bộ đàm để liên lạc với đầu bên kia để nhận và chuyển hàng. Sau khi đường "thông" thì chỉ cần băng qua đoạn dốc chừng 400 mét là hàng đã được chuyển vào nhà dân, xung quanh các ngôi nhà này luôn đóng kín này không có nhiều đường đi lại nên chỉ cần có động là hàng lậu sẽ được vứt lại, còn người cũng dễ dàng tẩu thoát qua bên kia biên giới. Quẳng ánh mắt đục ngầu về hướng hai người khách đi cùng tôi Vỵ nói, chỉ khi nào ở đây bị làm chặt thì cánh cửu  vạn mới đưa hàng chạy xuống đường mòn 05 và địa phận Hang Dơi cũ " vì ở đó địa hình khá hiểm trở và không thể đi hàng dễ vỡ," Vỵ kể. Ngồi gần 2 tiếng đống hồ dưới trời mưa tầm tã để đợi hàng về, tiếng điện thoại của Vỵ không lúc nào ngừng réo, hai tay hai máy cứ xoay qua chuyển lại đến chóng cả mặt. Tuy nhiên, qua câu chuyện của Vỵ có thể hiểu được rằng hôm nay "lính xanh" (ám chỉ các chiến sĩ hải quan) làm gắt quá nên chưa thể chuyển hàng xuống được. Tiếp cận một dãy nhà bên trong, rất nhiều thùng carton gồm đủ thứ hàng hóa như đồ điện tử, đầu DVD, loa vi tính, linh kiện máy móc… đang được đóng gói rất khẩn trương. Hỏi dò thì tôi được biết, đây là những mặt hàng đang “nóng” trong dịp cuối năm, linh kiện đã được tháo dời rồi chuyển vào nội địa lắp giáp, giá thành mặt hàng này cũng rẻ hơn từ 30-50% hàng nguyên chiếc. "Nhưng đánh hàng này cũng phải chấp nhận rủi ro (50/50) vì không phải cái nào cũng chạy được, chủ yếu là hàng chợ," một chủ hàng nói. Lúc này đồng hồ đã chỉ 11 giờ 30 phút, "ám hiệu" chuyển hàng cũng được bắn đi từ các bộ đàm và chỉ chờ có thế, Vỵ biến mất dạng sau những lán nhà dân và chỉ chưa đầy 30 phút sau những gùi hàng đã rầm rập được đưa lên các xe chuyên dụng đứng chờ từ trước và lao như bay vào trong nội địa. Tại các điểm tập kết bí mật trong thành phố Lạng Sơn, hàng được xé lẻ rồi đưa lên các xe khách và tiếp tục cuộc hành trình đi vào các điểm giao hàng. Theo Vỵ thì mỗi chuyến hàng lớn cũng phải cài một ít hàng có hóa đơn nhằm “phù phép” và dọc đường có bị “hỏi” thì cũng có cái để xuất trình! Hơn nữa, hắn quả quyết rằng, đây chỉ là hàng trốn thuế nên cứ nộp thuế đầy đủ là nhận được hàng nên không có gì phải sợ (?) Chỉ với mánh làm ăn của Vỵ thôi, nhưng một tháng cũng có trên dưới 20 chuyến hàng, trị giá cả tỷ đồng ,trốn thuế đổ vào túi một cách hợp pháp của những kẻ buôn lậu như hắn và lợi nhuận càng làm nóng lên tình hình buôn lậu ở nơi đây. Xe chạy dọc đường quốc lộ 1, đến gần trạm kiểm soát liên ngành Cốc Nam, phóng viên tiếp tục cuộc hành trình theo chân các chiến sĩ liên ngành thâm nhập vào thế giới của dân buôn lậu.
Theo Đức Duy (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm