Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống lực lượng công an nhân dân (19-8-1945 – 19-8-2022)

Những ngọn đuốc đỏ rực của dân trong Kế hoạch phản gián CM12

(PLO)- Theo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Việt Lắm, đã 41 năm nhưng hình ảnh hàng trăm ngọn đuốc của bà con vây bắt nhóm phản động trong đêm đã khắc ghi trong ông...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Công an tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 38 năm thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 (9-9-1984 _ 9-9-2022). Tại buổi gặp mặt, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương trong chiến thắng vẻ vang Kế hoạch CM12.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Chiến thắng Kế hoạch CM12 là sự khẳng định “sức mạnh đoàn kết thống nhất, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương và quần chúng nhân dân”.

Hàng trăm ngọn đuốc vây bắt nhóm phản động

Sau buổi lễ trên, PV đã gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nhân chứng của Kế hoạch CM12. Ông Mười Lắm (72 tuổi, tên gọi khác của Thiếu tướng) nói ngay: “Nói đến chiến thắng Kế hoạch CM12 là phải nói đến vai trò của nhân dân. Thời điểm ấy, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc rất mạnh mẽ. Tôi nhớ mãi cái đêm 15-5-1981 ấy” - ông mở đầu câu chuyện.

Đại tướng Tô Lâm (thứ tư, hàng đầu từ phải sang) tại buổi gặp mặt kỷ niệm 38 năm thắng lợi Kế hoạch CM12 vào ngày 11-8-2022. Ảnh: T.VŨ

Đại tướng Tô Lâm (thứ tư, hàng đầu từ phải sang) tại buổi gặp mặt kỷ niệm 38 năm thắng lợi Kế hoạch CM12 vào ngày 11-8-2022. Ảnh: T.VŨ

Theo ông Mười Lắm, chiều tối 15-5-1981, ngư dân ở cửa biển Bãi Ghe thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) phát hiện một nhóm người có hành động lạ: Họ đang chôn vùi cái gì đó dưới bãi bùn ven biển Tây. Ngư dân đã lén tiếp cận và phát hiện những vật mà nhóm người đang chôn lấp là vũ khí. Một mặt, ngư dân cử người đi lên xã báo cáo, mặt khác rủ nhau chuẩn bị để cùng vây bắt nhóm người có hành động bất minh này.

Ông Mười Lắm kể tiếp: “Cùng lúc với tin báo của bà con ngư dân, một trong những người có hành động lạ đó là K64 đến Công an xã Khánh Hải đầu thú. Phó Công an xã Khánh Hải lập tức báo ngay về huyện và tôi liền xuống để xử lý. Khi đó, ngư dân đã đốt đuốc sáng rực một góc rừng, có cả trăm ngọn đuốc. Bà con chuẩn bị vây bắt nhóm người này, may mà tôi đến kịp”.

Ông trực tiếp chỉ đạo mọi người cách vây bắt và yêu cầu phải bắt sống. “Tôi nói rõ với bà con ngư dân và dân quân xã, tên nào càng chống cự quyết liệt thì càng phải cố gắng bắt sống. Bởi đó là tên đầu toán. Ngư dân làm theo chỉ đạo của tôi và bắt toàn bộ nhóm đó” - ông kể.

Hàng trăm người dân cùng bảo mật vì an ninh quốc gia

Khi đã bắt trọn nhóm này, ông Mười Lắm hướng dẫn mọi người cùng nhau xóa dấu vết hiện trường.

Sau khi đã xóa dấu vết, ông nói rõ với ngư dân đây là nhóm phản động, nhập biên để chống phá Nhà nước, lật đổ chính quyền và yêu cầu bà con phải giữ kín bí mật này. Ông căn dặn các ngư dân: Nếu có ai hỏi thì bảo rằng đây là vụ bắt vượt biên có vũ trang.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm (thứ hai, từ trái sang). Ảnh: T.VŨ

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm (thứ hai, từ trái sang). Ảnh: T.VŨ

Khi biết được tính chất nguy hiểm của nhóm người vừa bị bắt, với tinh thần yêu nước, bảo vệ an ninh Tổ quốc mạnh mẽ, hàng trăm ngư dân giữ kín sự việc đến cùng.

“Đó là chuyến nhập biên đầu tiên của toán biệt kích Minh Vương II. Chúng bị bắt toàn bộ, hàng trăm ngư dân cùng vây bắt và biết rất rõ nhưng bí mật này không hề rò rỉ. Đó là yếu tố hết sức quan trọng để có chiến thắng Kế hoạch CM12 lịch sử” - ông Mười Lắm nói.

Ngày 9-9-1984, ban chuyên án được thành lập có tên là chuyên án CM12. Do mức độ, phạm vi và tầm ảnh hưởng của vụ án quá lớn nên sau đó Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quyết định nâng lên thành Kế hoạch chống phản gián có tên gọi tắt là Kế hoạch CM12, do Bộ Nội vụ trực tiếp chỉ đạo.

Kế hoạch này đã khiến cho Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, hai đồng chủ tịch của tổ chức tự xưng “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”, lún vào bẫy của công an Việt Nam nhiều năm mà không hay biết.

Túy và Hạnh đinh ninh rằng đã bố trí được hệ thống cơ sở phản động vững chắc ở Việt Nam, cho nhập biên lần lượt toàn bộ người, vũ khí, tiền giả về nước để thực hiện kế hoạch lật đổ chính quyền.

Có tất cả 18 chuyến hàng chở hàng trăm tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, hàng trăm biệt kích, gián điệp... cập vào biển Cà Mau và đều được lực lượng chuyên án của Kế hoạch CM12 tiếp quản mà Túy và Hạnh không hề hay biết.

Chuyến cuối cùng vào ngày 9-9-1984, khi xác định nhóm phản động đã chuyển hết tài lực, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn khủng bố, ám sát để thực hiện mục đích lật đổ chính quyền nhân dân, Kế hoạch CM12 quyết định kết thúc.

Đến lúc tra tay vào còng, Mai Văn Hạnh mới biết là trúng kế của công an Việt Nam ngay từ đầu.

Theo Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, hơn ba năm thực hiện Kế hoạch CM12, nhờ vào sự hỗ trợ của nhân dân, có hàng trăm người dân biết trước câu chuyện nhưng đã giữ kín bí mật, không rò rỉ một thông tin nào gây bất lợi cho Kế hoạch CM12. Từ đó dẫn đến một chiến thắng trọn vẹn, hiếm có trong lịch sử.

Khắc ghi sự giúp đỡ của nhân dân

Trong buổi gặp mặt hôm nay, chúng ta vui mừng, phấn khởi ôn lại những kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, thử thách nhưng rất oanh liệt, hào hùng.

Chúng ta vinh dự, tự hào về những thành tích, chiến công đã lập được, chúng ta lại càng biết ơn và mãi mãi khắc ghi tấm lòng, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, sự phối hợp hiệp đồng của lực lượng quân đội, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn Tây Nam bộ…

Bộ trưởng TÔ LÂM phát biểu tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 38 năm chiến thắng Kế hoạch CM12 tại Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm