Những người bốc gỡ “tử thần”

Nhân ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4-4), chúng tôi đến Trung tâm Xử lý bom, mìn và môi trường (Quân khu V) ở TP Đà Nẵng. Nhìn những quả bom tấn, bom từ trường… đen sì do các chiến sĩ tháo gỡ từ các nơi mang về trưng bày dựng thành hàng dài ở đây, người xem không khỏi ớn lạnh.

Hy sinh giữa thời bình

Thiếu tá Mai Văn Lập, nguyên Trưởng ban Kỹ thuật - an toàn của trung tâm, kể gần sáu năm trước, đồng đội anh đã ngã xuống trên bãi bom, mìn ở huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Lần ấy, Trung úy Nguyễn Hoàng Công (quê ở Quế Thuận, Quế Sơn, Quảng Nam) cùng đồng đội nhận nhiệm vụ rà phá bom, mìn tại công trình tái định cư thủy điện A Lưới, khu vực tập trung nhiều loại đạn pháo của địch trong chiến tranh. “Khi xử lý, bất ngờ quả đạn pháo 105 mm phát nổ. Nghe tiếng nổ lớn, chúng tôi chạy đến. Công hy sinh ngay tại chỗ, anh Nguyễn Tạo đứng cách đó 2 m cũng bị mảnh pháo găm vào, phải đưa đi cấp cứu. Đưa thi thể không toàn vẹn của anh Công trở về, chúng tôi không kìm được nước mắt” - ông Lập nghẹn ngào kể.

Trong ký ức ông Lập, nỗi đau đó hiện giờ vẫn chưa phai. “Nhưng không vì vậy mà chúng tôi chùn bước. Nếu không, bom đạn chiến tranh còn dội xuống gây bao tang thương, chết chóc cho người dân lương thiện biết dường nào”. Ông Lập kể lần đó cũng tại A Lưới, ông cùng đồng đội đã tháo gỡ quả bom nặng hơn 3.000 BLA (hơn hai tấn) để lấy hơn 900 kg thuốc nổ. “Quả bom do quân Mỹ ném xuống để hủy diệt một làng kháng chiến nhưng chưa phát nổ. Nó nằm chìm dưới đất 2/3, chỉ nhô một ít lên mặt đất. Chỉ cần quả bom bị nổ thì làng mạc xung quanh ra sao?” - ông Lập rùng mình.

Xử lý những vùng đất chết

Năm 2009, người dân gần sân bay Phù Cát (Bình Định) thường xuyên bị mắc các chứng bệnh lạ như mắt cay, cổ rát, buồn ngủ… Cơ quan y tế xác định vùng đất này bị nhiễm độc nhưng không tìm ra nơi phát tán để ngăn chặn. “Chúng tôi lại khăn gói vào Bình Định. Gần một tháng tìm kiếm, chúng tôi tìm ra nguyên nhân gây nên căn bệnh lạ ở đây. Đó là thùng chất độc quân sự OB do quân đội Mỹ chôn lấp còn lại. Chất này cực kỳ độc hại, nó bao gồm nhiều loại chất độc khác nhau như chất CS (gây mê), dioxin… Chúng tôi phải sử dụng trang thiết bị chuyên dùng để vô hiệu hóa và di chuyển chúng đi tiêu hủy” - ông Lập kể.

Những người bốc gỡ “tử thần” ảnh 1

Bốc gỡ các "tử thần" ở cảng Kê Gà (Bình Thuận). Ảnh: TƯ LIỆU

Sau chuyến đi ấy, ông Lập lại cùng đồng đội vượt rừng tháo gỡ bom, mìn và tẩy rửa chất độc hóa học ở khu vực lòng hồ thủy điện sông Bung (Quảng Nam), thủy điện thượng Kon Tum… “Hầu hết các công trình thủy điện miền Trung-Tây Nguyên đều bị ô nhiễm nặng bởi bom, mìn và một lượng lớn chất độc hóa học còn sót lại. Đó là những nơi có hệ động thực vật bị tàn phá, biến dạng” - ông Đinh Văn Hùng, đồng đội ông Lập, nói. Để làm sạch lòng hồ thủy điện Sêrêpốk (Đắk Lắk), ông Hùng cùng đồng đội phải trầm mình trong cái nắng như thiêu đốt, mang những bộ đồ phòng độc dày cộm phủ kín từ đầu đến chân và phải nhích từng bước để kéo ống phun hóa chất khử độc. “Chỉ cần một chút sơ sẩy là bị phơi nhiễm chất độc ngay. Có những trường hợp chất độc nằm lẫn lộn với bom, mìn và các vật liệu nổ khác, chúng tôi phải cẩn thận tháo, gỡ từng phần” - ông Hùng nói.

“Cuộc chiến” chưa kết thúc

Thiếu tá Lập kể: “Hồi đó, đơn vị nhận lệnh dọn sạch bãi bom, mìn, ngư lôi nằm chìm sâu trong nước biển ở khu vực cảng biển Vân Phong để phục vụ xây dựng hạ tầng. Các loại đạn, bom, mìn nằm lẫn lộn với nhau thành một đóng hỗn độn. Rà phá bom, mìn trên mặt đất khó khăn, nguy hiểm một thì thực hiện dưới mặt biển sâu còn khó gấp 10 lần. Ở độ sâu dưới 10 m, chúng tôi phải dùng dây định vị vật liệu nổ rồi lặn xuống tháo gỡ. Nguy hiểm nhất là những đoạn nằm trong vùng nước chảy xiết, chúng tôi phải dùng tay dò dẫm từng bước để tháo mìn, đạn pháo hoặc ngư lôi. Qua thời gian, các vật liệu nổ hầu như không còn nguyên vẹn, kíp nổ bị mục nát, khó phân biệt được chủng loại nên việc tháo gỡ rất nguy hiểm. Lần ấy, đơn vị phá dỡ hơn ba tấn vật liệu nổ, trong đó chủ yếu là các loại đạn cối, pháo…”.

Gần 10 năm lăn lộn khắp các bãi bom, mìn, đối mặt với nhiều loại “tử thần” khác nhau như bom tấn, bom từ trường, thủy lôi, chất độc hóa học… nhưng lần phá kho đạn khổng lồ ở K55 (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) lại khiến ông Lập toát mồ hôi. “Đây là kho bom, đạn lớn nhất của quân đội Mỹ còn sót lại, nhẩm tính sơ sơ cũng có gần 70 tấn đạn pháo và bom các loại. Chúng nằm chìm sâu trong lòng đất, phần lớn đã rỉ sét nhưng ngòi nổ thì… vẫn còn nguyên. Nếu chẳng may kho đạn phát nổ thì người dân xung quanh sẽ nguy hiểm biết dường nào!”.

Với những người lính công binh, cuộc chiến của 37 năm về trước dường như vẫn chưa kết thúc.

Phải mất 300 năm mới phá hết bom, mìn!

Theo Ban Chỉ đạo Nhà nước về khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, hiện còn khoảng 800.000 tấn bom, mìn rải rác khắp cả nước; 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm do chất độc quân sự từ chiến tranh còn lại; mỗi năm có khoảng 4.000 người chết và bị thương vì bom, mìn phát nổ. Thiếu tướng Phạm Quang Xuân - Bộ Tư lệnh Công binh, cho biết: “Với tiến độ rà phá bom, mìn như hiện nay thì phải mất 300 năm nữa mới giải quyết được hết bom, mìn để lại sau chiến tranh. Nếu đẩy mạnh tiến độ và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì thời gian được rút lại còn khoảng 100 năm và nhanh là 70 năm nữa”.

(Theo Dân Trí)

Vùng đất chết ở Gio Linh (Quảng Trị)

Đến thôn 6, xã Hải Thái (huyện Gio Linh, Quảng Trị) mới thấy dư âm của chiến tranh tàn khốc đến cỡ nào. Thời chiến tranh, những quả đồi xung quanh thôn 6 là các căn cứ quân sự nổi tiếng của Mỹ như Cồn Tiên, đồi C2, đồi Máu, đồi Cù Đinh...

Ông Lê Quang Thạnh, cán bộ xã Hải Thái, cho biết: “Thôn này hầu như năm nào cũng có người chết. Có nhiều nhà chết đến ba, bốn anh em; số người chết rải rác, bị cụt tay, đứt chân thống kê không xuể. Gần đây số người chết có giảm nhưng vẫn rất khủng khiếp. Hai đứa trẻ chăn bò ngoài đồng, nhặt được bom bi đem ném chơi, bom nổ, chết cả. Người tát cá trong hồ, mò trúng bom, bom nổ, chết. Người đi cắt tranh lợp nhà dẫm phải bom, bom nổ, chết…”.

Những người bốc gỡ “tử thần” ảnh 2

Ông Nguyễn Diễn bị cụt chân vì dẫm mìn M14. Ảnh: THANH TUẤN

Ông Trần Nậy, người có ba người con chết vì bom đạn, kể: “Do khó khăn nên tôi cùng các con đi đào bom đạn bán. Thằng con đầu tiên của tui chết năm 1988, mới được 15 tuổi. Hôm đó nó vác cuốc xẻng cùng thằng anh cả lên Cồn Tiên đào bom. Nó đào được quả DKZ, loại này có gắn một đoạn bạc ở chóp đầu. Nó dùng cuốc gõ vào bom để gỡ ra. Bom nổ làm thằng em banh xác. Năm 1990, thằng anh cả lại chết trong lúc cố tháo ngòi nổ một quả đạn pháo. Cách đó năm ngày, ba vợ nó từ dưới Vĩnh Linh lên Cồn Tiên cắt tranh cũng dẫm phải mìn nổ banh xác. Năm 1991, đứa con thứ ba của tôi cũng lìa đời sau tiếng nổ long trời từ quả đạn cối. Năm ấy nó mới 17 tuổi…”.

Đến thôn 6 hỏi nhà cựu binh Nguyễn Diễn (53 tuổi) ai cũng biết. Đơn giản vì ông là người chỉ còn một chân, hai lần bị bom nổ nhưng may mắn thoát chết. Ông Diễn nói: “Cách đây 10 năm thì bom đạn ở đây còn nhiều hơn khoai nữa. Trong chiến tranh tôi từng chiến đấu ở Quảng Trị nhưng không bị thương. Vậy mà năm 1977, tôi bị mìn M14 nổ tung làm mù một mắt. Đến năm 1982, tôi lên Cồn Tiên đốn củi lại dẫm phải mìn M14 và bị tiện đứt hẳn một chân…”.

Ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng thôn 6, nói: “Thôn này ước tính đến 70% người dân trước đây từng đào bom, gỡ đạn. Một khi bom nổ thì khả năng chết nhiều hơn bị thương. Nhà ông Tần chết mất ba người, ông Bình chết ba anh em cùng lúc, nhà ông Nguyễn Xảo chết ba đứa con ruột, nhà bà Tạ Thị Thảnh chết ba người…” - ông Tùng kể.

NGUYỄN THANH TUẤN

LỆ THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm