Những người cảm hóa tử tù

Từ ngày đề án tăng thẩm quyền giao nhiệm vụ công an cấp huyện thụ lý điều tra các vụ án có khung hình phạt tù từ 15 năm trở xuống, số đối tượng bị tạm giam, tạm giữ tại đây giảm đáng kể, không còn tình trạng quá tải trong các buồng giam giữ. Tuy nhiên, gánh nặng trên vai những cán bộ quản giáo nơi đây không vì thế giảm đi mà thêm phần nặng nề hơn, bởi đối tượng bị tạm giam, tạm giữ đều là thành phần phạm tội đặc biệt nghiêm trọng...

Trại tạm giam B5 đã và đang quản lý các đối tượng tạm giam, tạm giữ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử với nhiều khó khăn phức tạp khác nhau. Các đối tượng thường tìm cách thông cung và luôn bao che, bảo vệ nhau. Cán bộ quản giáo nơi đây còn có thể đối mặt với các bệnh lây nhiễm từ phạm nhân, can phạm truyền qua như lao, viêm gan, HIV...  

Những người cảm hóa tử tù ảnh 1
Cán bộ và phạm nhân chăm sóc cây cảnh

Song, vất vả hơn cả vẫn là công tác quản lý tử tù. Sau khi bị tuyên án tử hình, các bị cáo trở về buồng giam trong tâm trạng khủng hoảng về tinh thần, thường quậy phá, chửi bới, thậm chí tấn công cán bộ quản giáo và tìm cách trốn trại. Những bị án tử hình mà Trại tạm giam B5 đang quản lý, có đối tượng đã bị tòa tuyên án tử hình cách đây tới bốn năm, nhưng chưa thể thi hành án vì chờ quyết định của Chủ tịch nước đối với đơn xin ân xá. Trong đó phải kể đến anh em Nguyễn Văn Thâu và Nguyễn Văn Hoàng (hai con trai của bà Tám Lũy) trong vụ cướp tiệm vàng Kim Hồng, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, đã bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình từ tháng 2-2008, nhưng đến nay vẫn chưa thi hành được. Đây là những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự đặc biệt nguy hiểm lại có nhiều mánh lới đối phó với cán bộ quản giáo và luôn tìm cách chống đối quyết liệt.

Thượng tá Võ Trọng Nguyên, Phó giám thị Trại tạm giam B5, cho biết: “Hai đối tượng trên thường xuyên kiếm chuyện, gây sự với quản giáo, đặt ra các yêu sách. Nếu không đáp ứng, chúng chửi thề và tìm mọi cách chống đối nội quy, quậy phá. Trong đó, Thâu thuộc vào loại lì lợm nhất. Đêm 19-8-2009, y cắt cùm chân, khoét tường trốn khỏi buồng giam, bị lực lượng quản giáo tuần tra bắt lại. Lúc đầu đấu tranh khai thác, Thâu khai đã đục mảng bê-tông trong buồng giam rồi dùng chính mảng bê-tông để cắt cùm. Tiến hành điều tra nghiên cứu và thực nghiệm hiện trường, cán bộ trại xác định mảng bê-tông không thể cắt được thanh sắt cùm. Một điều khiến cán bộ quản giáo nơi đây khá ngạc nhiên là khi chuyển qua các buồng giam, Thâu đều xin cho mang theo bánh xà bông tắm. Đây cũng là vấn đề mà các cán bộ quản giáo suy nghĩ và đặt nghi vấn vì khi chuyển buồng giam đều được cấp xà bông. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và kiên trì đấu tranh, cuối cùng Thâu khai đã lấy một phần cây dũa móng tay do y nhặt được trên đường dẫn giải về trại để làm dụng cụ cắt cùm. Cũng với thủ đoạn phá cùm trốn trại và manh động không kém Thâu là bị án tử hình Võ Công Hoàng (ngụ phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa). Hoàng sát hại dã man nữ nhân viên kế toán một công ty thuê nhà Hoàng làm trụ sở, gây căm phẫn trong dư luận, đã bị tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình. Trong thời gian chờ thi hành án, Hoàng luôn tìm cách gây sự, kiếm chuyện với cán bộ quản giáo, thường hát hò, gõ lắc cùm trong đêm khuya gây tiếng động. Bị quản giáo nhắc nhở, Hoàng đáp lại bằng đủ từ thô tục. Quá trình trốn trại của Hoàng diễn ra cũng hết sức tinh vi. Thông qua công tác nắm tình hình, Ban giám thị trại biết được và chỉ đạo Đội quản chế giáo dục bố trí lực lượng bất ngờ kiểm tra ngoài giờ. Khi mở cửa buồng giam, Hoàng không cho vào với lý do hết sức vô lý là “không phải giờ làm việc”. 

Ban giám thị kiên quyết chỉ đạo bằng mọi giá phải kiểm tra buồng giam ngay trong ngày trước khi trời tối, mặt khác vận động, thuyết phục Hoàng chấp hành nội quy giam giữ. Hoàng tuyên bố không cho kiểm tra, ai vào sẽ bị tấn công. Phó giám thị Võ Trọng Nguyên vừa mở cửa bước vào liền bị Hoàng cầm mền cuốn sẵn hai viên gạch lát nền tấn công. Đồng chí Nguyên bị xây xát cánh tay. Cùng lúc, cán bộ quản giáo có mặt tại đó ập vào khống chế Hoàng, kiểm tra cùm chân của Hoàng, phát hiện đã cưa được 1/2 thanh sắt cùm và chỉ dùng cạnh trong của hai viên gạch để cắt cùm. Hoàng khai đã dùng chân gõ tìm gạch lát nền long lên rồi lấy cưa cùm, lúc không cưa lại ráp viên gạch như cũ. Hoàng cưa liên tục trong nhiều ngày và thường chọn thời điểm buổi chiều lúc các phạm nhân bên ngoài chơi bóng chuyền có nhiều tiếng động, tiếng la ó, cổ vũ đánh bóng. Âm mưu vượt ngục bị bại lộ, biết rằng dù có mưu kế gì đi nữa cũng không thể qua mặt được cán bộ quản giáo nên mấy ngày sau đó Hoàng gửi lời xin lỗi giám thị và y cho rằng mình phải làm như vậy vì “đang phải lựa chọn giữa cái sống và cái chết”. Sau lần vượt ngục bất thành, vẫn được cán bộ trại giáo dục, đối xử tử tế nên Hoàng đã nghiêm túc chấp hành nội quy giam giữ và nghe lời cán bộ quản giáo.

Những người cảm hóa tử tù ảnh 2
Tạo không khí vui chơi cho các phạm nhân

Có thể nói, để các phạm nhân, can phạm từ chỗ chống đối nội quy, quậy phá tại nơi giam giữ nghe theo và chấp hành sự quản lý thì cán bộ quản giáo cần phải có lòng kiên nhẫn tìm hiểu rõ nhân thân lai lịch, động cơ phạm tội và tâm tư nguyện vọng của từng hệ, loại đối tượng. Từ đó đề ra những biện pháp thích hợp để quản lý, giáo dục. Mặc dù số cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản chế giáo dục của trại còn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác còn nhiều hạn chế, thường xuyên có những vấn đề khó khăn, phức tạp nảy sinh trong quá trình quản lý giam giữ, nhưng Ban giám thị trại thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm với công việc, thực hiện tốt pháp luật và chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội; thái độ khoan dung, độ lượng đối với những người biết từ bỏ lỗi lầm để tiến bộ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản giáo đã không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình công tác.

Những người cảm hóa tử tù ảnh 3
Kiểm tra trại

Tiếp xúc với lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ trại tạm giam vào những ngày đầu năm 2012, điều chúng tôi cảm nhận được ở họ là lòng nhân ái, sự quyết tâm khơi dậy phần thiện trong mỗi con người lầm lỗi để phát huy, cảm hóa giáo dục họ trở về những suy nghĩ, hành động hướng thiện; kiên quyết đấu tranh giữ vững trật tự kỷ cương và an ninh, an toàn trại. Thành tích 5 năm liền chưa để đối tượng nào trốn khỏi trại là một kết quả đáng được ghi nhận đối với Trại tạm giam B5 nói chung và cán bộ, chiến sĩ Đội quản chế giáo dục nói riêng.
  
 

Theo TRUNG HIẾU - VĂN NHUỆ (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm