Những người già cô độc trong căn nhà lạ

Chạy dọc đường Trần Quý (quận 11, TP.HCM)  có thể khó gặp ngay ngôi nhà số 150 nhưng khi hỏi ngôi nhà có nhiều người già ở thì ai cũng biết. Người dân ở đây gọi đó là viện dưỡng lão, bởi theo họ ở đây toàn các cụ già. Đó là những người  gốc Hoa được sinh ra và lớn lên tại TP.HCM.

Đi tìm người tâm sự tuổi già

 Lấp ló sau quán nước nhỏ với vài cái bàn, cái kệ của cô bán nước là lối chính để vào nhà. Bảy cụ bà ở cái tuổi gần đất xa trời, có người ngồi không, có người xem báo, có người đang lục đục dọn dẹp thức ăn dưới bếp. Các cụ sống bằng tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước dành cho người già neo đơn, thỉnh thoảng người dân địa phương mang đến chia sẻ cho ít gạo và thức ăn.

Chọn đến đây ở, mỗi cụ đều có lý do riêng. Các cụ đều có cùng nỗi niềm mà không phải ai cũng đủ vững vàng để trải lòng. Trước khi vào đây, họ sống đơn độc trong chính căn nhà của mình. Có người không còn người thân. Có người còn người thân nhưng người thân đi làm tối mặt tối mày không còn thời giờ để nghe hết nửa câu chuyện họ muốn nói. Cụ Quan Ngân nói: “Dù không là ruột thịt nhưng ở đây chúng tôi có thể tâm sự cùng nhau, lắng nghe câu chuyện của nhau chứ bình thường thì làm gì có ai nghe chúng tôi”.

Đôi mắt đượm buồn, cụ Lương Ái Liên (78 tuổi) kể cụ mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên chật vật lắm, tự nuôi mình là chính thôi. Cụ được nhận làm con nuôi trong một gia đình khác, làm lụng vất vả, đến tuổi trưởng thành thì được gả cho nhà người ta theo ý của cha mẹ nuôi.

Những người già cô độc trong căn nhà lạ ảnh 1

Đều đặn mỗi ngày, mỗi cụ tự vào bếp để lo bữa trưa cho mình. Nếu có ai đau ốm thì người khác nấu giúp. Ảnh: T.MẬN

“Ngày sinh con, tưởng đâu có thể có cuộc sống gia đình ấm êm, ai ngờ người ta bảo cụ sinh nó ra nhưng không có nghĩa là mẹ nó. Nuôi nấng nó nhưng không được nghe nó gọi mình là mẹ, rứt ruột đẻ ra nhưng là con nhà người ta, nghiệt ngã lắm, người ta không cho mình cái quyền đó” - cụ kể trong sự điềm tĩnh của một số phận từng chịu nhiều đắng cay. Chọn về sống trong ngôi nhà này, cụ bảo chỉ mong tìm được người tâm sự, để còn có niềm vui lúc tuổi già sức yếu.

Trong niềm hớn hở, cụ Liên kể cho tôi nghe về người bạn già tên Quan Ngân: “Sáng chúng tôi hay rủ nhau đi ăn hủ tiếu. Thói quen của bả là khi người ta vừa bưng tô hủ tiếu ra, bả liền xin một cái bọc, gắp hết thịt bỏ vào bọc để mang về nhà, để dành trưa ăn với cơm. Thấy thương quá, tôi mới gắp phần thịt của mình bỏ qua cho bả. Bà hài lắm, có bả nhà này thêm vui”.

Thèm có người đến thăm

Căn nhà mà các cụ đang sống vẫn có những người trẻ tuổi hơn phụ giúp việc vặt. Cô Trương Tố Nữ vừa mới đến ở được gần hai năm là người lo những công việc như quét dọn, lau chùi bàn thờ, nhà cửa. Dù sống chung nhưng vì sinh hoạt của mỗi cụ khác nhau nên các cụ quyết định tự túc ăn uống, ai muốn ăn gì thì tự nấu. Có những ngày vì không thể tự đi mua thức ăn nên các cụ đều nhờ chị Nữ giúp đỡ. “Có khi là một miếng su, một bó rau nhỏ chỉ vừa nấu tô canh thôi, mình cũng chỉ giúp được phần nào thì giúp. Các cụ đều lớn tuổi, di chuyển khó nhọc, giúp các cụ cũng không mất mát gì” - cô Nữ chia sẻ.

Chọn lựa cuộc sống tự lập,  các cụ vẫn không thể tránh khỏi những phút giây khắc khoải riêng mình. Rằng có ai đó sẽ ghé thăm mình vào ngày mai, hay có khi nào đứa cháu lâu ngày sẽ đến chơi với mình, qua loa cũng được.

Cụ Túy Quần với đôi mắt ngân ngấn nước nhìn xa xăm, chậm rãi kể rằng mình mất cha từ thuở lên năm, đến năm 15 tuổi thì nhận tiếp một cú sốc bởi mẹ ra đi. Cụ một mình bươn chải từ năm 15 tuổi để nuôi thân với đủ nghề như bán thuốc dọc đường, làm thắt lưng, làm thuê cho quán sửa xe... Cụ nói: “Hồi còn trẻ đi làm cho ông chủ, thấy nhiều người đi ngang qua có cha mẹ là hai hàng nước mắt tôi chảy. Ông chủ hỏi sao lại khóc thì chỉ biết đưa tay quẹt nước mắt rồi cười thôi”…

Tự ti với những mất mát, cụ không dám lập gia đình  để rồi tuổi xế chiều là những ngày ngồi hóng ở cửa căn nhà toàn người già này, mong một bóng hình quen của đứa cháu ở xa ghé thăm. Cụ nói bữa trước nó ghé, mua cho cụ một cái vòng tay và ngồi hỏi chuyện cũng lâu lắm, tự nhiên thấy vui. Cụ Túy Quần cười hiền: “Niềm vui của tôi bây giờ là có ai đó sẵn lòng nghe mình nói, hỏi thăm mình chỉ một câu ngắn thôi cũng đủ rồi”…

Theo các cụ ở đây kể lại, khoảng 20 năm về trước, căn nhà này do cụ Đồng Tam Muội và năm người khác cùng đứng tên chủ sở hữu. Các cụ đều là những người già neo đơn dọn đến đây ở, nương tựa nhau. Từ đó, nhiều người có hoàn cảnh tương tự lần lượt xin vào. Lúc đầu thì ai vào ở phải đóng một cây vàng cho những người chủ nhà, dần về sau này thì vào ở miễn phí. Tới nay đã có hơn 20 người lần lượt đến đây nương náu và đã ra đi. Các cụ chỉ là lớp người già đến ở sau này nên chỉ biết hiện tại, trong sáu người chủ sở hữu căn nhà thì có một người đã mất, năm người còn lại đi đâu không rõ. Chính quyền và các đoàn thể của quận 11 vẫn thường đến thăm hỏi động viên, khám sức khỏe cho các cụ. Khi biết tin sắp tới đây căn nhà sẽ phải giải tỏa, ai trong các cụ cũng buồn, không muốn rời xa nơi này, rời xa những người bạn từng chia ngọt sẻ bùi.

Sẽ đưa các cụ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội

Một phần của căn nhà các cụ đang ở nằm trong dự án quy hoạch của quận, dự định sẽ thực hiện giải tỏa vào tháng 12 tới. Sáu người đồng sở hữu căn nhà hiện nay ở đâu không rõ, chỉ có một người tên Đồng Tam Muội là đã mất và có giấy chứng tử. Chúng tôi sẽ đăng thông tin để tìm chủ sở hữu căn nhà. Với các cụ già ở đây, lãnh đạo quận cũng đã tính đến phương án sẽ đưa các cụ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để an dưỡng tuổi già.

Ông NGUYỄN HOÀNG THÁI, Phó Chủ tịch UBND quận 11

Bác Đỗ Mười trong lòng dân Đông Mỹ

Bác Đỗ Mười trong lòng dân Đông Mỹ

(PL)- Với người dân xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội - quê hương của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, bác Đỗ Mười là một người rất giản dị và thân tình.
4 nguyên nhân gây thảm họa Indonesia

4 nguyên nhân gây thảm họa Indonesia

(PL)- Ngoài việc chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần sớm thì địa hình trũng, tốc độ sóng thần khủng khiếp và lở đất ngầm đã góp phần làm tăng thảm họa Indonesia.
Chuyện Khải Đơn bỏ việc, phiêu bạt sông Mekong

Chuyện Khải Đơn bỏ việc, phiêu bạt sông Mekong

(PL)- Ở những nơi đã đi qua, Khải Đơn đều cố gắng tìm đến những ngóc ngách ẩn mật, khám phá đời sống được ẩn giấu bên ngoài vẻ hào nhoáng của nó, những lát cắt ngang dọc thân phận con người.