CHƠI THỂ THAO KHÔNG ĐÚNG CÁCH: HIỂM NGUY RÌNH RẬP - BÀI CUỐI

Những sai lầm và cách khắc phục

Với những người luyện tập thể thao lúc sáng sớm hay tối khuya cũng có những mặt phản tác dụng. Nhiều người thức dậy từ 3 đến 4 giờ sáng tinh mơ vào công viên tập thể dục, đặc biệt là những người già ít ngủ hay dậy sớm. Đấy là một thói quen hết sức nguy hiểm và sai lầm. Nguyên do, tập thể dục sớm, nhất là trong công viên vào thời điểm trên cây xanh còn ở chế độ hô hấp (hút ôxy, nhả carbonic) khiến vô tình người tập bị “kiệt” ôxy và hít vào carbonic.

Thời điểm tập tốt nhất là khi mặt trời ló dạng. Ánh nắng nóng của mặt trời làm cho sương mờ tan biến, bụi bẩn được “hút” lên cao và cây cối chuyển từ chế độ hô hấp qua quang hợp (hút carbonic, nhả ôxy) lúc đó tập mới là thời điểm tốt nhất.

Những sai lầm và cách khắc phục ảnh 1

Những chấn thương thường gặp khi tập thể thao không đúng cách. Ảnh: CTV - GETTY IMAGES

Với lứa tuổi học sinh, việc học võ rất tốt cho các em để có nền tảng thể lực tốt cùng sự vận động cần thiết cho xương phát triển, đặc biệt ở nhiều TP các em học sinh ít có điều kiện vận động thể lực, tránh những thói xấu như dán mắt vào màn hình vi tính hoặc nghiện games. Tuy nhiên, tập không đúng cách và không đúng thầy, không được giáo dục tốt về ý thức của việc luyện võ rất dễ dẫn trẻ “trôi” theo hướng tập để “đánh” hoặc lạm dụng khiến dễ gây chấn thương, trật khớp, gãy tay, gãy chân cho mình lẫn cho bạn… Vì thế mà ý thức kỷ luật và nhận thức trong việc luyện tập rất quan trọng. Bên cạnh đó là liều, lượng và cường độ tập cần phải được theo dõi kỹ dưới sự hướng dẫn của HLV có chuyên môn cao.

Ở môn quần vợt không đòi hỏi sức mạnh quá mức nên ngày càng trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, chơi quần vợt phải vận động liên tục, nhiều người thường chơi vào buổi trưa ở ngoài trời nên dễ mất nước. Không riêng quần vợt mà với những môn thể thao ngoài trời, nếu chơi giữa trưa nắng thì dễ dẫn đến say nắng, mất nước, rối loạn điện giải dễ dẫn đến chuột rút, tổn thương cơ...

Cần chú ý trong các môn thể thao có vận động tương đối mạnh và tính đối kháng cao thì khớp gối dễ tổn thương. Chú ý là khớp gối được cấu tạo bởi đầu dưới xương đùi (gồm hai lồi cầu đùi) và đầu trên xương chày (mâm chày) của cẳng chân. Hai mảnh sụn chêm trong và ngoài được gắn trên mâm chày để giảm bớt lực tải trên sụn khớp. Khớp gối là một khớp lớn của cơ thể và chịu sức nặng khi vận động. Các lực tải lên khớp gối rất lớn, gấp 2-3 lần trọng lượng cơ thể lúc đi và lên đến 5-6 lần trọng lượng cơ thể khi chạy nhảy, vận động lúc chơi thể thao.

Để phòng, tránh những tác hại khi chơi thể thao không đúng cách, cần chú ý đến việc khởi động làm nóng thật kỹ; sử dụng trang thiết bị đúng chủng loại, đúng cách; bước đầu nên tập với lượng thời gian và lượng vận động thấp rồi tăng dần theo sự hướng dẫn của HLV, của người có chuyên môn. Chú ý không tập và không thi đấu quá sức, đặc biệt khi thấy có triệu chứng đau phải dừng lại ngay và đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và có những lời khuyên hữu ích. Nếu đã có bệnh đang điều trị thì nên tránh chơi quá sức hoặc nếu cần phải nghỉ chơi, chuyển sang tập luyện môn khác.

Sau khi tập luyện xong nên tắm nước ấm, tránh tắm nước nóng hoặc tắm hơi, nước lạnh vì nhiệt lượng trong cơ thể tăng lên rất nhanh, mao mạch dưới da rất dễ mắc các chứng bệnh về da hoặc giãn tĩnh mạch…

Lời khuyên của bác sĩ là trước khi theo một chế độ tập luyện, người tập nên khám tổng quát để được hướng dẫn loại hình và chế độ tập sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe. Đối với người có một số bệnh lý về tim mạch, xương khớp… cần các chế độ tập riêng. Ngoài ra, tuổi tác cũng cần được tính đến khi lựa loại hình tập luyện.

TẤN PHƯỚC - NG.HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm