“Nó khinh tôi”!

Khác với những lần gặp trước, lần này chị không tiếp tôi trong phòng làm việc tại tòa mà là một quán cà phê cóc ở gần đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tôi tò mò hỏi lý do vì sao chị lại chọn một quán cà phê rất đỗi bình thường và “bụi bặm” này, chị chỉ mỉm cười bí ẩn: “Sẽ cho biết sau”.

1. Rồi chị bắt đầu câu chuyện. Cách đây gần 10 năm, T., nhân vật chính trong câu chuyện này, vốn là một thanh niên lành lặn. Một lần sử dụng máy xay lúa, T. bị máy nghiền nát đôi bàn tay, thân thể còn mang nhiều vết phỏng co rúm. Không lâu sau đó, T. cãi lộn với một thanh niên trong xóm. Bị người kia chửi là đồ tàn phế, T. nổi điên dùng đôi bàn tay tàn tật nắm chiếc song cửa sổ bằng gỗ đập nhiều nhát vào đầu khiến nạn nhân thương tật 35%. Với hành vi đó, T. đã phải lãnh án hai năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

Ra tù, T. sống lây lất không nghề nghiệp. Một lần, T. đi ngang qua một khu chợ và bị một người nghi ngờ ăn trộm. Không một lời giải thích, T. quay sang đánh nạn nhân thương tật 12%.

Lần thứ hai T. lại phải đứng trước vành móng ngựa. Tình cờ thay, cả hai lần xét xử T. đều do chị ngồi ghế chủ tọa.

“Điều khiến chị ấn tượng nhất ở T. không phải vì hai lần đối diện ở chốn pháp đình mà chị nhìn thấy đằng sau con người đó còn có một mơ ước được sống đàng hoàng, ngay thẳng nhưng đang lụi tàn dần” - chị trầm ngâm. Rồi chị chỉ sang phía đối diện quán cà phê cóc mà chúng tôi đang ngồi: “Em thấy không, cách đây vài năm, nơi đó là một quán cà phê của những người khuyết tật, những người có nghị lực phi thường. Chính họ đã là điểm tựa để chị giúp T. có cái nhìn biết ơn đời”.

“Nó khinh tôi”! ảnh 1

2. Chị kể một lần chị tình cờ ghé quán cà phê đó, nhìn những người phục vụ đều khuyết tật nhưng lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời và rất thương yêu đùm bọc nhau, chị đã nghĩ tới T., người thanh niên tàn tật trong vụ án mà chị đang giải quyết. Ngay lúc đó, chị đã muốn làm một việc gì đó có ích cho T., còn cao hơn cả chuyện xét xử.

Tại phiên tòa hôm ấy, bị cáo lầm lì không một lời xin giảm án, thái độ ngang bướng thể hiện rõ trên từng cái chau mày. Khi tòa hỏi về lý do phạm tội, T. chỉ cụt lủn: “Nó khinh tôi”. Nghe vậy, chị lấy một xấp ảnh chụp những người khuyết tật đang sinh hoạt, chìa ra cho T. xem: “Cuộc sống cũng có rất nhiều người không may mắn nhưng họ vẫn biết vượt lên số phận”. T. ngẩng mặt lên nhìn thẳng: “Tôi muốn vượt lên nhưng đời cho tôi là người tàn phế thì tôi còn gì để nuối tiếc”.

Chị nhẹ nhàng tiếp lời: “Cha mẹ cho ta sự sống nhưng không ai may mắn cả đời, nếu biết chấp nhận rủi ro sẽ có thể đứng lên vực lại số phận. Ở đời, có những người không tôn trọng ta thì ta càng phải phấn đấu”. Nói rồi, chị kể cho T. và những người dự khán nghe về những người tàn tật mà chị chứng kiến tại một quán cà phê. Họ cũng thiếu may mắn, họ cũng bị nhiều người khinh rẻ nhưng họ sống đầy lạc quan. Có người tới uống nước, thấy thương cảm, cho họ tiền nhưng họ luôn lắc đầu, chỉ lấy đúng giá của quán định sẵn…

Vừa kể chị vừa quan sát nét mặt của bị cáo. Dần dần thay cho cái vẻ cứng đanh, lì lợm, T. cúi đầu, mắt đỏ hoe. Khi chị kết thúc câu chuyện, T. buồn bã khẽ nói: “Tôi đã tàn tật, nay lại tù tội thì làm sao đời chấp nhận tôi”. Chị lại tiếp lời: “Dù sống một ngày cho đáng sống cũng vẫn còn có ý nghĩa. Điều quan trọng là bị cáo phải biết rằng dù tàn tật nhưng chắc chắn bị cáo vẫn sống có ích cho mình, cho đời nếu bị cáo muốn thế”.

Lời cuối cùng trước khi tòa vào nghị án, T. bật khóc, nói trong tiếng nấc: “Cảm ơn chị. Nhiều người bất hạnh hơn tôi, họ đã sống có ích thì tôi cũng muốn mình sống có ích”.

Sau khi nghị án, xét hoàn cảnh T. khó khăn, tàn tật nên hội đồng xét xử chỉ tuyên phạt 18 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác. Chị tin rằng sau này ra tù T. sẽ trở thành người tốt em ạ!” - chị khép lại câu chuyện bằng một nụ cười nhẹ nhàng. Lúc này trời Sài Gòn bắt đầu đổ mưa kèm những cơn gió se lạnh nhưng nhìn nụ cười của chị, tôi thấy lòng mình thật ấm áp.

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm