Hơn 60 năm kể từ thành công đầu tiên chinh phục đỉnh Everest của hai ông Tenzing Norgay và Edmund Hillary, nhiều nhà leo núi đã liên tục lên tiếng về tình trạng quá tải và quản lý kém gây chết người ở nóc nhà thế giới. Ít nhất đã có 11 người thiệt mạng trên ngọn núi năm nay, con số kỷ lục kể từ năm 2015.
Thời tiết và trách nhiệm
Đa số những người chinh phục đỉnh Everest bắt đầu tập trung tại Everest Base Camp đầu tháng 5. Đây là điểm đầu tiên cần phải vượt qua với những người muốn chinh phục Everest - nóc nhà của thế giới. Trại phía Nam nằm ở Nepal với độ cao 5.364 m và trại phía Bắc ở Tây Tạng (Trung Quốc) với độ cao 5.150 m.
Cũng trong thời gian đó, các cơ quan chức năng bắt đầu lo ngại về ảnh hưởng của bão Fani vốn đã đe dọa Bangladesh và Ấn Độ. Cơn bão bắt đầu mạnh lên nhanh chóng và trở thành cực kỳ nghiêm trọng ngày 30-4 năm nay. Đây là cơn bão xoáy cực kỳ dữ dội đầu tiên của mùa.
Thời tiết cũng trở nên xấu đi ở dãy núi Himalaya phía Nepal sau cơn bão và buộc chính phủ phải dừng các hoạt động leo núi ít nhất hai ngày. Gió mạnh thổi bay gần 20 lều trại và một số người leo núi đang trên đường đến một số trại cao hơn phải trở về trại đầu tiên.
Thời tiết xấu kéo dài nghĩa là việc sửa những đoạn dây được bắt vít hỗ trợ những người leo núi đã bị trì hoãn. Trong khi đó, người tập trung tại trại đầu tiên bắt đầu đông hơn.
Sau khi đoạn dây được cố định vào giữa tháng 5, thời tiết thuận lợi hơn vào hai ngày 19 và 20-5 thì chỉ có một số đội quyết định lên đường. Đa số những thành viên khác chờ đến khi thời điểm cũng được cho là thuận lợi, từ ngày 22 đến 24-5, theo hãng tin BBC.
Một số chuyên gia leo núi cho biết đây chính là lúc vấn đề xảy ra. Chỉ trong ngày 23-5, có hơn 250 người đã quyết định lên đường chinh phục đỉnh Everest. Đây là số người leo núi cao nhất trong một ngày từ trước đến nay. Vì thế, họ phải chờ hàng tiếng đồng hồ trên một con đường nhỏ hai chiều lên xuống. Đa số mọi người trở nên kiệt sức và bình ôxy dần cạn kiệt.
Theo luật leo núi của Nepal, các đội thám hiểm phải có các sĩ quan liên lạc trên núi. Lần này, có 59 sĩ quan được chỉ định đồng hành cùng các đội nhưng chỉ có năm người trong số họ ở lại cho đến cuối đoạn đường chinh phục. Một số người thậm chí không có mặt và số khác đã quay về sau vài ngày ở trại đầu tiên, hãng tin BBC cho hay.
Hình ảnh đỉnh Everest. Ảnh: ELIA SAIKALY
Kinh nghiệm và cạnh tranh
381 là con số giấy phép mà chính phủ Nepal đã cấp cho người leo núi năm nay. Đây là một con số kỷ lục, theo hãng tin USA Today. Tuy nhiên, số người thực tế ở trên núi ít nhất gấp đôi con số này, vì nhiều người trong bộ tộc Sherpa được trả tiền để trợ giúp những nhà chinh phục đỉnh cao.
Norbu Sherpa, một hướng dẫn viên thám hiểm, cho rằng chính phủ Nepal nên ngừng cấp giấy phép cho những người leo núi thiếu kinh nghiệm. “Theo tôi thấy, nhiều người quyết định chinh phục Everest với thể lực không phù hợp. Một người phải có sức khỏe tim mạch thật tốt mới có thể chịu đựng điều kiện môi trường khắc nghiệt trên đó” - ông Norbu Sherpa trả lời hãng tin CBC.
Khi bạn vượt qua độ cao hơn 7.000 m, cơ thể của bạn bắt đầu không chuyển hóa ôxy. Cơ bắp trở nên rệu rã. Phổi và não bạn tràn ngập chất lỏng. Não bắt đầu sưng lên và bạn mất dần nhận thức, khiến bạn không thể đưa ra quyết định đúng đắn. GRAYSON SCHAFFER, biên tập của tạp chí Outside |
Chỉ có hai người thiệt mạng trên dãy núi nằm ở phía Trung Quốc, nơi có quy định nghiêm ngặt hơn trong việc cấp giấy phép. Trong khi chính phủ Nepal không có giới hạn số lượng người leo và chỉ yêu cầu chứng nhận của bác sĩ để leo đỉnh Everest mà không đề cập đến khả năng chịu đựng của họ ở độ cao nguy hiểm như vậy.
Ông Eric Murphy, một hướng dẫn viên leo núi người Mỹ đã ba lần chinh phục đỉnh Everest, cho biết ông phải tốn 17 tiếng cho quãng đường thám hiểm thay vì 12 tiếng vì những người leo núi khác đang chật vật và kiệt sức nhưng không có ai hướng dẫn hay giúp đỡ họ.
“Mỗi phút ở đó đều rất quan trọng. Vì thế, chỉ cần một số người thiếu kinh nghiệm không thể xoay xở cũng đủ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người khác” - ông Murphy cho biết.
Theo tờ Independent, bởi vì điều kiện khắc nghiệt, một người leo núi chỉ có vài giờ chinh phục đỉnh cao trước khi họ có nguy cơ bị phù phổi. Quãng đường từ trại 4 ở độ cao 8.000 m đến đỉnh cao 8.850 m được gọi là “vùng tử thần”. Và nếu có người gục ngã, không ai có đủ sức để vừa leo xuống vừa mang thêm một xác chết. Hơn 300 người được cho là đã chết trên đỉnh Everest trong 50 năm qua và khoảng 2/3 xác chết hiện được cho là bị chôn vùi dưới băng và tuyết.
Khi nhu cầu chinh phục đỉnh Everest tăng cao, thị trường bùng nổ dành cho các công ty cung cấp dịch vụ. Đây cũng là lúc cạnh tranh với đủ cách thức xuất hiện, kể cả giảm chi phí cho khách hàng. “Tuy nhiên, họ lại cạnh tranh ở số lượng chứ không phải chất lượng. Họ thuê những hướng dẫn viên ít kinh nghiệm và không thể xoay xở trong những tình huống nguy cấp như vậy” - phó chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn leo núi Nepal, ông Tshering Pandey Bhote, nói.
Theo ông Bhote, cơ quan chức năng thừa nhận có vấn đề trong việc quản lý đám đông trên đỉnh Everest nhưng họ vẫn cần khách du lịch, trong khi quản lý ùn tắc trên ngọn núi cao nhất thế giới vẫn là thách thức của chính phủ.
Những người leo núi đã thiệt mạng đến từ Ấn Độ, Mỹ, châu Âu và được nhận định là dày dạn kinh nghiệm. Trong đó có một hướng dẫn viên người Nepal, theo tờ The New York Times. Một trong số đó có thể kể đến ông Lawless, một giáo sư 39 tuổi, người Ireland, nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo, được cho là đã chết vào ngày 16-5 sau khi rơi xuống từ độ cao hơn 487 m. Trước đó, ông đã nhắn tin cho vợ thông báo thành công chinh phục đỉnh Everest và đang trên đường về nhà. Theo trưởng đoàn thám hiểm, nguyên nhân tai nạn là do ông Lawless đã tự tháo dây an toàn. Ngoài ra còn có anh Thakar (28 tuổi), một người leo núi Ấn Độ, mất trong lúc ngủ ở trại cao nhất của đỉnh núi; ông Cash (54 tuổi) đã hoàn thành mục tiêu chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới của mỗi châu lục trước khi gục ngã ngày 22-5; bà Kulkarni (54 tuổi) từ Ấn Độ leo núi cùng chồng nhưng đã qua đời do mất năng lượng trong lúc leo xuống trại 4. |