Nóng Nga-Ukraine sáng 28-6: Mỹ nói sẽ chuyển tên lửa phòng không cho Ukraine

(PLO)- Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết hơn 1.000 người có mặt tại một trung tâm thương mại ở TP Kremenchuk, thuộc vùng Potlava, vào thời điểm Nga bắn hai tên lửa vào nơi này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình tại Ukraine

. Đài RT ngày 27-6 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - ông Igor Konashenkov cho biết các lực lượng Nga đã triệt hạ một nhóm lính đánh thuê nước ngoài thuộc "Quân đoàn Georgia" chiến đấu bên phía Ukraine, những người bị cáo buộc liên quan hành vi ngược đãi và sát hại các tù nhân.

Theo ông Konashenkov, các binh sĩ Nga đã “tiêu diệt hai nhóm lính đánh thuê Georgia với tổng số 14 người” vào ngày 26-6 tại vị trí cách nhà máy lọc dầu Lisichansk ở tỉnh Luhansk khoảng 3 km.

Ông Konashenkov cho biết nhóm đầu tiên bị triệt hạ “bao gồm công dân từ các quốc gia châu Âu khác nhau”, trong khi nhóm thứ hai là những lính đánh thuê từ Quân đoàn Georgia.

"Nhóm lính đánh thuê thuộc Quân đoàn Georgia đã tham gia vào những vụ tra tấn dã man và giết hại các quân nhân Nga gần thủ đô Kiev vào tháng 3 vừa qua" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Lực lượng quân đội Nga tuần tra trên đường phố ở Ukraine bằng xe tăng. Ảnh: RT

Lực lượng quân đội Nga tuần tra trên đường phố ở Ukraine bằng xe tăng. Ảnh: RT

. Theo hãng tin Reuters, cũng trong ngày 27-6, Nga đã bắn hai tên lửa vào một trung tâm mua sắm đông đúc ở TP Kremenchuk, thuộc vùng Potlava, miền trung Ukraine, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết hơn 1.000 người có mặt ở trung tâm thương mại vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Một đám cháy lớn bùng phát, khói đen bốc cao lên trời sau khi hai quả tên lửa bắn trúng khu trung tâm thương mại.

Ông Dmytro Lunin - Thống đốc Poltava - cho biết vụ tấn công đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, 21 người bị thương phải nhập viện và 29 người khác được sơ cứu tại chỗ. Theo ông Lunin, còn quá sớm để xác định chính xác số người thương vong khi lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục rà soát các đống đổ nát để tìm người sống sót.

Lực lượng cứu hộ dập tắt đám cháy bùng phát tại trung tâm mua sắm bị Nga không kích ở TP Kremenchuk, vùng Poltava, Ukraine, ngày 27-6. Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ dập tắt đám cháy bùng phát tại trung tâm mua sắm bị Nga không kích ở TP Kremenchuk, vùng Poltava, Ukraine, ngày 27-6. Ảnh: REUTERS

Cả Liên Hợp Quốc (LHQ) và các nước phương Tây đều lên án vụ tấn công này, tuy nhiên phía Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Tuy nhiên, trước những lời chỉ trích của Ukraine và phương Tây, Phó đại sứ Nga tại LHQ - ông Dmitry Polyansky cáo buộc Ukraine sử dụng vụ việc để gây thiện cảm trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) diễn ra từ ngày 28 đến 30-6 diễn ra tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

"Tất cả mọi người nên chờ đợi những gì Bộ Quốc phòng của chúng tôi sẽ nói, nhưng đã có quá nhiều khác biệt đáng chú ý" - ông Polyanskiy viết trên Twitter.

Khói bốc lên từ tàn tích của một tòa nhà bị lực lượng Nga không kích ở TP Lysychansk, Ukraine, ngày 17-6. Ảnh: REUTERS

Khói bốc lên từ tàn tích của một tòa nhà bị lực lượng Nga không kích ở TP Lysychansk, Ukraine, ngày 17-6. Ảnh: REUTERS

Động thái mới của các bên

. Hãng tin Reuters ngày 27-6 dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - ông Jake Sullivan cho biết Washington đang lên kế hoạch gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không để phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga.

“Tôi xin xác nhận rằng hiện tại chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến” - ông Sullivan tuyên bố.

Ông Sullivan cho biết thêm rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với người đồng cấp Ukraine về việc Washington đang chuẩn bị vận chuyển “hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa” cho Kiev.

Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, gói viện trợ bổ sung còn bao gồm đạn pháo và hệ thống radar phản lực, được sử dụng để xác định chính xác nguồn bắn từ hệ thống pháo binh đối phương.

. Cũng theo Reuters, tại buổi hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 27-6, lãnh đạo các nước nhóm này đã lên kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga và thề sẽ hỗ trợ Ukraine “đến chừng nào còn có thể”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao và sát cánh với Ukraine trong thời gian cần thiết” - lãnh đạo các nước G7 cho biết, cùng nhau thể hiện sự đoàn kết đối với Ukraine.

. Theo RT, phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7 (diễn đàn 7 quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển), Tổng thống Zelensky khẳng định xung đột giữa Nga và Ukraine phải chấm dứt vào cuối năm nay.

Tham gia cuộc họp trực tuyến hôm 27-6 với lãnh đạo các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Mỹ, ông Zelensky cho biết quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi chiến đấu chống lại lực lượng Nga trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt.

Tổng thống Ukraine nhấn mạnh cần nỗ lực hết sức để chấm dứt cuộc chiến vào cuối năm nay, đồng thời đề nghị các nước G7 hỗ trợ hệ thống phòng không và đảm bảo an ninh cho Kiev. Ông Zelensky đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow.

Lãnh đạo các nước G7 trong cuộc họp tại nước Đức hôm 27-6 . Ảnh: AFP

Lãnh đạo các nước G7 trong cuộc họp tại nước Đức hôm 27-6 . Ảnh: AFP

. Reuters ngày 27-6 dẫn lời Tổng thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg cho biết khối quân sự này sẽ tăng số lượng quân trong tình trạng báo động lên 300.000 binh sĩ, cao hơn bảy lần so với số quân hiện tại, trước mối đe dọa từ Nga.

“Nga đã rời bỏ quan hệ đối tác và đối thoại mà NATO đã cố gắng thiết lập với họ trong nhiều năm. Họ đã chọn đối đầu thay vì đối thoại. Chúng tôi lấy làm tiếc về điều đó, nhưng tất nhiên, sau đó chúng tôi cần phải có động thái để đối mặt thực tế đó" - ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 27-6. Ảnh: REUTERS

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 27-6. Ảnh: REUTERS

. Cũng theo RT, Điện Kremlin hôm 27-6 cho biết Tổng thống Nga - ông Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào tháng 11 này, bất chấp sự phản đối từ lãnh đạo các nước phương Tây.

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo phương Tây yêu cầu loại Nga khỏi sự kiện này, Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo, người chủ trì cuộc họp năm nay, vẫn quyết định mời ông Putin đến tham dự cuộc họp ở Bali.

Thông tin về sự tham dự của ông Putin được Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga - ông Yuri Ushakov đưa ra hôm 27-6. Tuy nhiên, ông Ushakov nói với các phóng viên rằng hiện vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo Nga sẽ tham gia hội nghị với tư cách nào.

"Tôi hy vọng rằng sau khi tình hình đại dịch (COVID-19) trở nên ổn hơn, diễn đàn quan trọng này sẽ được tổ chức trực tiếp trở lại, nhưng tôi không thể đoán trước được điều gì" - ông Ushakov nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT

. Cùng ngày 27-6, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Dmitry Medvedev cho biết bất kỳ quốc gia thành niên NATO nào xâm phạm vùng lãnh thổ trên bán đảo Crimea đều có thể dẫn đến "Thế chiến thứ ba".

"Đối với chúng tôi, Crimea là một phần của Nga, mãi mãi là của Nga. Mọi nỗ lực xâm phạm Crimea đều là lời tuyên chiến chống lại đất nước chúng tôi" - ông Medvedev nhấn mạnh.

"Và nếu sự xâm phạm đó do một quốc gia thành viên NATO thực hiện, một cuộc xung đột sẽ nổ ra trên toàn bộ liên minh Bắc Đại Tây Dương, một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba. Và đó sẽ là một thảm họa toàn cầu" - ông Medvedev nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Medvedev cho biết một khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ củng cố biên giới của mình và "sẵn sàng các bước trả đũa", bao gồm khả năng lắp đặt tên lửa siêu thanh Iskander "ở biên giới hai bên".

. Trả lời phỏng vấn với tờ Argumenty and Fakty hôm 27-6, ông Medvedev cho biết phản ứng của Moscow đối với lệnh cấm hàng hóa từ nước này qua Kaliningrad của Lithuania có thể sẽ đủ mạnh để "cắt đứt nguồn dưỡng khí" của các nước Baltic.

“Lithuania đã cúi đầu ngoan ngoãn tuân theo trước lời kêu gọi của Mỹ, một lần nữa thể hiện thái độ ngông cuồng mỉa mai của mình” - ông Medvedev chỉ trích, đồng thời nhấn mạnh rằng lệnh cấm là một phần “cuộc chiến ủy nhiệm” do phương Tây tiến hành để chống lại Nga.

Theo ông Medvedev, Nga cũng có thể áp dụng các biện pháp “bất đối xứng” để đáp trả. “Việc khiến căng thẳng leo thang như vậy là một lựa chọn tồi. Và những người phải chịu đựng mọi ảnh hưởng là những công dân bình thường ở Lithuania, nơi có mức sống chỉ ở mức thấp, theo tiêu chuẩn châu Âu” - ông nói.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Dmitry Medvedev. Ảnh: RT

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Dmitry Medvedev. Ảnh: RT

. Cũng trong ngày 27-6, nhóm tin tặc Nga có tên là Killnet đã lên tiếng nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công mạng DDOS (tấn công từ chối dịch vụ) nhắm vào Bộ Quốc phòng Lithuania nhằm phản đối lệnh cấm vận chuyển hàng hóa từ Nga qua Kaliningrad của nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm