Nữ bác sĩ trẻ hai lần chiến thắng số phận

Từng bước nuôi ý chí, tự cứu mình thoát khỏi tâm lý sợ hãi trước bệnh tật, Nguyễn Thị Xuân Hương bền bỉ vực dậy sự sống và tương lai của mình.

Nữ bác sĩ trẻ hai lần chiến thắng số phận ảnh 1

Phần lớn thời gian trong ngày Hương dành cho công việc khám bệnh ở khoa nhi, bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Hồng Thái

Những ngày chán đời

Cận cảnh

Nguyễn Thị Xuân Hương, năm nay 27 tuổi. Cô bắt đầu công việc bác sĩ ở khoa nhi, bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) từ năm 2010. Vì hai vợ chồng quá bận rộn nên cô phải gửi con trai vừa tròn một tuổi về Gia Lai để nhờ bà ngoại trông giùm. Cuối tuần, hai vợ chồng bắt xe đò về quê thăm con, “Nhiều khi nhớ con đến khóc nhưng hoàn cảnh nên phải đành thôi. Hiện vợ chồng tôi đang sắp xếp lại công việc để đón con về…”, Hương nói.

Năm 2006, khi đang là sinh viên năm ba đại học Y dược TP.HCM, Hương cảm thấy trong người mệt mỏi liên tục. Sau đó chán ăn nhưng cơ thể lại tăng cân nhanh. Nghi mình bị suy nhược dẫn đến rối loạn giấc ngủ, Hương đến bệnh viện Tâm thần TP.HCM khám. Chữa trị ở đây một thời gian, chứng mất ngủ cải thiện nhưng trong người vẫn không ổn. Da đột ngột chuyển vàng, chân phù to.

“Một lần bị đau nơi vùng cổ, tôi đến bệnh viện siêu âm. Lúc này mới phát hiện thủ phạm gây ra những khó chịu trên. Khối eco (khối u-PV) đường kính 3mm hiện lên trên phim đã báo hiệu tôi mắc bệnh ung thư tuyến giáp...”, Hương nhớ lại. Ước mơ trở thành bác sĩ cứu người vậy là coi như gãy đổ: “Tôi chán đời, bỏ ký túc xá, lang thang khắp thành phố. Một tuần liền sống trong trạng thái bi quan, tôi chợt nghĩ lại, không lẽ mình đầu hàng số phận dễ dàng vậy sao? Vẫn còn cơ hội chữa trị sao mình buông xuôi?...” Rồi Hương quyết định trở lại bệnh viện, bước vào quá trình điều trị.

Hướng bản thân vào suy nghĩ lạc quan

“Tôi trải qua ba lần phẫu thuật ở bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Mổ vùng cổ trong, vùng cổ ngoài cắt bỏ khối u, rồi phẫu thuật lấy bỏ dằm ở chân, mổ bỏ u tuyến vú. Sau phẫu thuật và xạ trị, tôi được chỉ định tiếp tục dùng thuốc nội tiết tố để cân bằng nội tiết tố cơ thể. Mỗi lần thuốc vào, người tôi nóng ran như lửa đốt, tim đập mạnh, ngực đau thắt. Mười người cùng bệnh với tôi, hết tám người bỏ thuốc giữa chừng, chuyển qua đông y. Họ không chịu nỗi những áp lực do thuốc gây nên…”, Hương kể.

Do rối loạn nội tiết tố, Hương cứ nhớ trước quên sau. Bài học hôm trước, hôm sau Hương chẳng nhớ một chữ: “Tôi thi rớt liên tục đến nản, muốn bỏ học giữa chừng. Cũng không thể kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình. Đang ngồi nhìn trời đất, có chiếc lá vàng rơi, tự dưng tôi bật khóc. Cuộc sống đảo lộn đến 180o. Buổi sáng vui mừng hớn hở, trưa đến lại ủ ê...” Để chống lại những cơn mệt do thuốc, Hương học cách quên chúng đi. Cô xác định lúc này với mình, tinh thần là quan trọng nhất. Vì tinh thần có ổn thì sẽ nghĩ ra những thứ tốt hơn để sống, “Khi không chịu nổi cơn mệt do thuốc, tôi nghe nhạc Trịnh, ráng ngủ một giấc thật ngon, nghĩ về những điều tốt đẹp nhất mình sẽ làm, hướng bản thân vào những suy nghĩ lạc quan...”, Hương nói.

Trường hợp hiếm có thể mang thai

Rồi mọi biến cố cũng qua, Hương thoát khỏi ung thư tuyến giáp nhưng lại bước vào một bi kịch khác: khó có khả năng làm mẹ. “Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp đa số sẽ bị vô sinh. Khi phát hiện ra bệnh, bác sĩ cũng đã cảnh báo trước với tôi như vậy”, Hương kể.

Năm 2008, Hương lập gia đình. Trước khi quyết định kết hôn, cô cũng suy nghĩ nhiều về chuyện sinh con. May mắn là chồng cô hiểu chuyện, đã xua tan những nghi ngại đó. Hương kể: “Chúng tôi làm đám cưới và tuyệt nhiên không băn khoăn đến việc có con hay không. Tuy nhiên trong lòng cũng vẫn mong điều kỳ tích xảy ra. Nhờ học y khoa nên tôi biết lối sống có ảnh hưởng nhất định đến khả năng sinh sản. Tôi từ bỏ những thói quen xấu như uống nhiều càphê, đạp xe đường xa... Thay vào đó, đi bộ, tập những bài thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng. Cuối tuần đi nhà sách, hoặc cùng bạn bè thực hiện những chuyến picnic...” Không biết có phải vì nhờ những thay đổi tích cực này đã ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ, hay vì Hương may mắn rơi vào thiểu số những người từng mắc bệnh ung thư tuyến giáp nhưng vẫn có thể sinh con mà nửa năm sau đám cưới, cô thụ thai. “Khi biết cơ thể mình đang mang một mầm sống, tôi sung sướng đến rơi nước mắt. Bác sĩ bảo tôi là một trong những trường hợp hiếm có thể mang thai sau điều trị ung thư. Khỏi phải nói chồng tôi đã hạnh phúc như thế nào…”

Con trai bé bỏng chào đời đã tăng thêm sức mạnh cho Hương. Tiếng con khóc, cười là động lực giúp người mẹ trẻ này thấy những gánh nặng lo toan phía trước thành nhẹ hẫng.

Theo Nguyên Cao (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm