Nữ công nhân bị bắt vì đụng ô tô tiếp tục kêu oan

Trong vụ “cô gái bị bắt vì đụng ô tô” mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, ngày 15-8, nữ công nhân Thạch Thị Bé Trúc đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can của Công an huyện Củ Chi. Quyết định do Thượng tá Nguyễn Văn Bổn (Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi) ký ngày 13-8.

“Sẽ khiếu nại vì bị oan”

Trong quyết định đình chỉ điều tra, CQĐT nhận định: “Trong quá trình điều tra, do chuyển biến tình hình mà hành vi của Bé Trúc không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa, phần dân sự đã giải quyết dứt điểm nên Bé Trúc có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS và điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra bị can”.

Như vậy, về mặt pháp lý, với quyết định đình chỉ điều tra của Công an huyện Củ Chi, Trúc đã chính thức thoát khỏi vòng tố tụng. Tuy nhiên, trao đổi với PV, Trúc vẫn cho biết sẽ làm đơn khiếu nại lý do đình chỉ điều tra của Công an huyện Củ Chi vì cô cho rằng mình bị oan, cô không hề có lỗi trong vụ tai nạn giao thông chết người này.

“Gia đình đang êm đềm thì tai nạn ập đến, tôi bị giam gần 10 tháng. Hàng xóm cứ xầm xì không biết tôi làm gì đến nỗi bị công an bắt… Gia đình bên chồng cũng không một người đến thăm tôi, kể cả chồng. Đêm nằm nhớ các con thơ chỉ biết khóc, tôi đã ba lần đập đầu vào tường tự tử mà không chết được” - Trúc rơi nước mắt khi nhớ về những ngày tháng sau khi cô bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trúc khẳng định lại nếu cô thật sự có tội, đi tù bao nhiêu năm cô cũng không sợ. “Sau khi chạy rất nhanh đụng phải xe máy của tôi, tài xế ô tô say xỉn bước xuống xe, có nhiều người dân ở đó chứng kiến. Ai cũng biết mặt người này làm gì, ở đâu nhưng không ai dám đứng ra làm chứng cho tôi. Anh ta là người gây ra tai nạn mà lại ung dung thoát vòng pháp luật, còn tôi tội tình gì mà phải đến nông nỗi này?”. Trúc gạt nước mắt kể tiếp: “Tôi cũng là nạn nhân, cũng phải đi bệnh viện cấp cứu sau tai nạn đó. Nhiều lần tôi ước mình chết luôn trong tai nạn đó để khỏi phải chịu cảnh oan trái này”.

Thạch Thị Bé Trúc cùng các LS Trịnh Công Minh, Kim Ron Tha tại Công an huyện Củ Chi. Ảnh: TV

“Không phù hợp, khiên cưỡng”

Trao đổi với PV, ba luật sư (LS) Trịnh Kim Ron Tha, Trịnh Công Minh, Thân Trung Đại (cùng là thành viên Đoàn LS TP.HCM, bào chữa miễn phí cho Trúc) nhận định việc CQĐT áp dụng điểm a khoản 2 Điều 29 BLTTHS 2015 là “không phù hợp và khiên cưỡng”.

Theo các LS, điều khoản này quy định: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Với việc miễn trách nhiệm hình sự theo điều khoản này, người bị oan sẽ không được xin lỗi, bồi thường theo luật định.

Trong vụ án của Trúc, các LS cho rằng lẽ ra CQĐT phải đình chỉ điều tra với căn cứ quá thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm theo điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015 hoặc hành vi không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 157 BLTTHS 2015 mới phù hợp.

“CQĐT đã bắt tạm giam Trúc gần 10 tháng, đặc biệt khi cô đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được một lời giải thích nào về việc này thì CQĐT lại tiếp tục lạm dụng “chuyển biến tình hình” nhằm né bồi thường oan, gọt chân cho vừa giày là không công bằng với Trúc” - LS Minh bức xúc.

Ba lần tòa mở phiên xử rồi trả hồ sơ

Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần thông tin, khoảng 22 giờ ngày 27-3-2015, nữ công nhân Thạch Thị Bé Trúc (SN 1994, quê Trà Vinh) chạy xe máy chở bạn là Nguyễn Thị Ngọc đi trên đường nông thôn số 9. Đến ngã tư, khi băng qua đường Trần Văn Chẩm, xe của Trúc va chạm với ô tô do ông Huỳnh Nhật Hoài điều khiển. Vụ tai nạn làm Ngọc tử vong tại bệnh viện.

Cáo trạng xác định ông Hoài có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái; Trúc có lỗi chính điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường chính, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ. Từ đó cáo trạng truy tố Trúc về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ và không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tài xế ô tô.

Tháng 3-2016, Trúc bị bắt tạm giam trong khi đang nuôi hai con nhỏ, trong đó có một bé dưới 36 tháng tuổi.

Tháng 5-2016, TAND huyện Củ Chi mở phiên tòa sơ thẩm lần đầu nhưng trả hồ sơ, yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định tốc độ của ô tô vào thời điểm xảy ra tai nạn, lấy lời khai của người làm chứng… Tháng 9-2016, tòa mở phiên xử lần 2, tiếp tục trả hồ sơ vì các yêu cầu của lần trả hồ sơ trước chưa được CQĐT và VKS đáp ứng.

Đến phiên tòa sơ thẩm lần 3 (tháng 11-2016), tòa lại trả hồ sơ vì CQĐT và VKS vẫn chưa trưng cầu giám định tốc độ ô tô, chưa lấy lời khai nhân chứng theo yêu cầu của tòa. Lần này tòa có thêm một yêu cầu là CQĐT phải làm rõ người lái ô tô gây tai nạn có đúng là Huỳnh Nhật Hoài hay không (vì qua các phiên tòa Trúc đều khai tài xế là Lê Thanh Tùng, không phải Hoài), tại sao CQĐT không đo nồng độ cồn tài xế ô tô...

Sau phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, nhiều LS đã vào cuộc, tham gia bào chữa miễn phí cho Trúc vì thương hoàn cảnh của cô. Ngày 23-1-2017, Trúc được cơ quan tố tụng cho tại ngoại. Đến tháng 4-2018, ông Huỳnh Nhật Hoài đã bồi thường cho gia đình nạn nhân Ngọc thêm 230 triệu đồng (sau tai nạn, phía ông Hoài từng đến đưa cho gia đình nạn nhân 65 triệu đồng gọi là “hỗ trợ”).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới