Nuôi yến, xin hãy để ý đến hàng xóm!

Giữa năm 2017, hộ ông Lê Văn Minh tận dụng tầng trên cùng của ngôi nhà đang ở để nuôi chim yến. Ba hộ kế bên khiếu nại vì tiếng máy dẫn dụ chim yến kêu rỉ rả suốt ngày đêm và ô nhiễm nguồn nước mưa họ sử dụng vì phân chim yến đầy trên nóc nhà. Khiếu nại không được nên ba hộ này bắc loa phát ra những tiếng chim lạ như đại bàng, cú mèo, tắc kè, bìm bịp… để xua đuổi chim yến. Lúc này ông Minh làm đơn tố ngược lại vì tiếng chim lạ làm chim yến hoảng sợ, ảnh hưởng đến thu nhập gia đình. Hai bên tố qua tố lại và chính quyền xã, huyện sau nhiều lần mời các bên đến hòa giải thì vẫn “bó tay” chưa giải quyết được.

Loa dẫn dụ chim yến nhà ông Minh và loa phát ra tiếng chim lạ nhà hàng xóm. 

Trước đây việc nuôi chim yến phải tuân thủ quy định tại Điều 3 và 4 Thông tư 35/2013 của Bộ NN&PTNT (quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến). Theo đó, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc Phòng Kinh tế cấp huyện và phù hợp với quy hoạch hoặc nằm trong vùng được phép nuôi yến, được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Việc sử dụng máy dẫn dụ chim yến thì cường độ âm thanh không vượt quá 70 dBA (đềxiben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Từ ngày 1-7-2016, khi Quyết định số 2655-2016 của Bộ NN&PTNT (bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật do bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành) có hiệu lực thì Điều 3 và 4 của Thông tư 35 đã bị bãi bỏ.

Tuy vậy vẫn còn đó các điều kiện khắt khe về vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh được liệt kê chi tiết bởi năm khoản tại Điều 5 Thông tư 35, trong đó có quy định về xử lý chất thải từ việc nuôi chim yến để sao cho không ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà ba hộ hàng xóm của ông Minh đâm đơn khiếu nại và có những phản ứng mạnh mẽ như trên. Nếu sự thật đúng như đơn khiếu nại thì họ có quyền yêu cầu được can thiệp, ngăn chặn việc nuôi yến của ông Minh.

Vấn đề còn lại là chính quyền phải giải quyết khiếu nại trên cơ sở xác minh có hay không chuyện gây ô nhiễm môi trường, nếu có thì xử lý như thế nào, biện pháp khắc phục ra sao. Nó cũng giống việc một hộ dân nuôi chó hay mèo cũng phải tuân thủ quy định về vệ sinh và phòng dịch, không để gây ảnh hưởng tới những người hàng xóm.

Ông trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri đã thừa nhận rằng nghề nuôi chim yến ở huyện Ba Tri chưa phát triển, hiện mới chỉ có vài hộ nuôi tự phát gần phía biển. Việc nuôi yến tự phát trong khu dân cư chỉ duy nhất có trường hợp của ông Minh… Như vậy đây là trường hợp phải thật cẩn trọng bởi nó có nguy cơ cao dẫn đến dịch bệnh, đòi hỏi chính quyền phải giải quyết rốt ráo.

Trong vụ việc này, phía UBND xã An Hiệp đã từng đề nghị cơ quan chuyên môn về môi trường của huyện Ba Tri đến hiện trường đo tiếng ồn và lấy mẫu phân chim, mẫu nước mưa về phân tích. Mục đích là để xem có đúng là đàn chim yến nhà ông Minh gây ảnh hưởng đến các hộ dân chung quanh hay không. Rất tiếc đến nay kết quả thử phân chim và nước mưa chưa có, có lẽ đó cũng là điều khiến cơ quan chuyên môn được UBND huyện giao giải quyết vụ việc còn lúng túng, chưa biết giải quyết ra sao.

Nhưng trên hết những người tổ chức nuôi chim yến trong khu dân cư như ông Minh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về môi trường và sinh hoạt của các hộ liền kề để không ai phải than phiền, khiếu nại hay kêu cứu. Thực tế trường hợp chim yến chết hàng loạt do dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra vào năm 2013 tại Tháp Chàm, Ninh Thuận khi hơn 5.000 con chim yến chết đồng loạt. Các mẫu xét nghiệm xác chim yến khi đó cho kết quả dương tính với virus H5N1.

Theo lời đại diện chính quyền cấp xã và huyện trong vụ việc này thì vẫn đang cố gắng hòa giải trên tinh thần hàn gắn tình làng nghĩa xóm. Nhưng nếu giải pháp này không xong thì phải áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc một cách trắng đen rõ ràng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm