Ở quê có việc làm, vì sao nhiều người vẫn bám trụ thành phố?

(PLO)- Sau dịch COVID-19 đến nay, nhiều người đã “bỏ phố về quê” nhưng cũng không ít người vẫn quyết tâm bám trụ TP tìm việc làm vì nhiều lý do.

Rời quê nhà Quảng Ngãi vào TP.HCM sinh sống và làm việc đã sáu năm, chị Nguyễn Thanh Lam (31 tuổi, ngụ quận Bình Tân) chia sẻ sau nhiều lần thất nghiệp vợ chồng chị vẫn cố trụ lại TP.HCM vì dù sao nơi đây cũng dễ kiếm việc, kiếm tiền hơn ở quê.

TP nhiều cơ hội việc làm hơn

Trước đó, vợ chồng chị Lam chọn vào TP.HCM làm việc với mục tiêu “cày” 200% sức lực trong vòng 10 năm để có chút vốn giắt lưng rồi về quê chăm sóc cha mẹ già, con cái.

“Có những thời điểm thật sự khó khăn, nhất là từ khi dịch COVID-19 đến nay nhưng chúng tôi vẫn chọn ở lại TP vì nơi đây nhiều việc làm hơn ở quê. Chưa kể nếu chăm chỉ nhận hai, ba việc một lúc, cộng với chi tiêu tiết kiệm thì cũng có dư lo cho gia đình ở quê” - chị Lam chia sẻ.

Tính đến nay, anh Nguyễn Quốc Minh (33 tuổi, quê Hà Nội) đã gắn bó với TP.HCM gần 10 năm. Lý do lớn nhất anh chưa muốn về quê sau nhiều lần đắn đo là đã quen với môi trường năng động và nhịp công việc nơi đây. Ngoài ra, TP là nơi có nhiều việc, chỉ cần không quá “kén cá chọn canh” thì không sợ thất nghiệp.

Công nhân tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM vào tháng 3-2024. Ảnh: VÕ THƠ

“Về quê tôi giờ cũng không thất nghiệp vì gần đây các công ty mở ra nhiều. Tuy được gần gia đình, không tốn tiền thuê nhà nhưng tính ra khó dành dụm vì các khoản chi tiêu không ít hơn TP. Áp lực ở TP giúp tôi trưởng thành, năng động hơn dù có lúc cảm thấy mệt mỏi” - anh Minh nói.

4,8 triệu người là dự báo nhu cầu nhân lực của TP.HCM năm 2024. Trong đó, NLĐ nữ gần 2,4 triệu người, chiếm hơn 46%.

Còn chị Phạm Thị Phương (35 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết quê chị những năm qua nhiều công ty, xưởng sản xuất, khu công nghiệp được ra đời. Song nguyên nhân chị kiên trì bám trụ TP.HCM là các con có môi trường học tập tốt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại và tiện lợi hơn.

“Về quê cũng làm công nhân mà thu nhập thấp hơn TP, đã vậy với quãng đường 30 km từ nhà đến chỗ làm khiến tôi đi lại khó khăn hơn. Chưa kể thứ quan trọng nhất là môi trường sống, học hành của con bị thay đổi. Tính tới tính lui thì chịu khó bám trụ TP sẽ có nhiều cái lợi” - chị Phương cho hay.

Người lao động cần thích ứng linh hoạt

Bà Nguyễn Thị Tiền Linh, bộ phận tuyển dụng Công ty Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, Quảng Nam), cho biết gần đây khi tuyển dụng, công ty tiếp nhận nhiều trường hợp công nhân từ TP lớn về nộp đơn xin việc.

“Trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy khá nhiều người trong số này không tha thiết nhận việc, thậm chí thất vọng do mức lương thấp hơn hẳn so với chỗ làm cũ. Cạnh đó, quãng đường di chuyển xa cũng làm họ ngại dù công ty có chính sách hỗ trợ đi lại” - bà Linh cho hay.

Để giữ chân người lao động (NLĐ), theo đại diện bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH May OASIS (huyện Củ Chi, TP.HCM), đầu năm 2024 công ty đã lập Quỹ hưu trí Oasis. Theo đó, mỗi tháng NLĐ sẽ được nhận 500.000 đồng và được cộng dồn vào quỹ trong 10 năm. Sau 10 năm, NLĐ gắn bó với công ty sẽ có 60 triệu đồng.

“Đây là cách công ty giữ chân NLĐ, khi có quỹ này họ sẽ cân nhắc kỹ hơn việc rời đi hoặc gắn bó lâu dài với công ty” - đại diện này cho hay.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife), hiện một số nhà máy, khu công nghiệp đã được xây dựng mới hoặc mở chi nhánh ở các địa phương, tạo công ăn việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, với những NLĐ trên 40 tuổi, NLĐ tự do thu nhập khá và ổn định thường chọn bám trụ TP.HCM thay vì về quê.

“Những NLĐ bám trụ TP một là do về quê không có cơ hội kiếm việc làm, hai là họ nhận thấy TP có nhiều cơ hội hoặc xác định đầu tư học hành cho con cái, tiếp đó nói gì thì nói thu nhập ở TP luôn cao hơn... Để có thể trụ lại TP và có một công việc, thu nhập ổn định, NLĐ cần thích ứng linh hoạt vì tương lai một số vị trí dễ được thay thế bởi máy móc” - ông Lộc nói.

Tháng 2-2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tiếp nhận 15.895 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 422 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2023 (16.317 hồ sơ). Trong đó, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên cổng dịch vụ công là 1.933/15.895 hồ sơ.

Trung tâm đã trình Sở LĐ-TB&XH ký ban hành 18.716 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ. Tiếp nhận 124.644 trường hợp NLĐ thông báo tình trạng việc làm hằng tháng.

Trung tâm sẽ phối hợp với BHXH TP.HCM dò tìm trên phần mềm TST (phần mềm quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của ngành BHXH) để hạn chế việc NLĐ đã có việc làm nhưng vẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời sẽ thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp mà NLĐ hưởng không đúng quy định.

NGUYỄN VĂN HẠNH THỤC, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới