Ông bầu uy lực trong bóng đá

Cái tên Nguyễn Đức Kiên được nhiều người biết đến bắt đầu từ năm 1994 khi ông tham gia sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB) và đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch HĐQT ACB từ năm 1994 đến 2008.

Ông bầu đình đám

Khi bóng đá Việt Nam bước sang giai đoạn chuyển đổi lên chuyên nghiệp, UBND TP Hà Nội đã mời ông hợp tác với tư cách doanh nghiệp thành đạt để giao hẳn đội bóng đá Hà Nội cho ông. Ông bắt tay với bóng đá Hà Nội từ năm 2003, tiếp quản đội bóng đá trẻ trực thuộc Sở TDTT TP Hà Nội và từ đó được nhiều người gọi với cái tên là bầu Kiên.

Ở lĩnh lĩnh vực bóng đá, bầu Kiên bị gán cho cái tên là “ông bầu keo kiệt” qua cách thắt chặt hầu bao và chi nhỏ giọt với đội bóng của mình. Nếu bầu Đức mạnh chi cho HA Gia Lai và chịu đầu tư khi bước lên bóng đá chuyên nghiệp thì danh sách chi và mua cầu thủ của bầu Kiên luôn ở mức trung bình yếu.

Cũng vì thế mà đội bóng của bầu Kiên hay xuống hạng và hay thay tên đổi họ qua việc mua những suất chuyên nghiệp của đội khác rồi ghép với tên đội bóng của mình (đã xuống hạng) để tồn tại ở hạng chuyên nghiệp. Đó là năm 2003, khi LG.ACB rớt hạng, ông đã cho mua suất chuyên nghiệp của Hàng không Việt Nam (cũng là đội bóng trên địa bàn Hà Nội) và ghép hai đội với cái tên LG Hà Nội ACB, đá V-League 2004. Đến mùa 2008, đội này lại xuống hạng; đến năm 2010, đội này mới trở lại V-League nhưng 2011 lại xuống hạng. Lần này bầu Kiên lại mua suất của CLB Hòa Phát Hà Nội rồi ghép lại thành cái tên CLB Hà Nội, đá tiếp giải chuyên nghiệp 2012 và đến lượt trận chót ngày 19-8 đội mới chính thức trụ hạng.

Bầu Kiên và bầu Thắng. Ảnh: QUANG THẮNG

Trước ngày bị bắt tạm giam, ông Kiên còn thưởng cho CLB hạng nhất Trẻ Hà Nội 1 tỉ đồng vì thành tích trụ hạng và CLB Hà Nội 500 triệu đồng cũng vì trụ hạng vào giờ chót.

Đi họp “lậu” và “cướp diễn đàn”

Nếu ở lĩnh vực tài chính ông Kiên là người nổi đình nổi đám từ đầu thì với bóng đá, phải tám năm sau khi bước vào thương trường, ông mới được coi là “người hùng”. Ấy là nhờ lần đi họp tổng kết giải “lậu” rồi “cướp diễn đàn” trong hội nghị (theo lời thú nhận của ông sau đó) rồi thừa thắng xông lên dẫn dắt các ông bầu lập ra Công ty Cổ phần Bóng đá VPF. Cái công ty theo mô hình chuyên nghiệp của các quốc gia tiên tiến mà ông khoe là chỉ mất có 2 tiếng đồng hồ để viết đề án.

Những bài phát biểu hay “cướp diễn đàn” của ông đã thu hút rất đông lực lượng truyền thông, khiến có lúc ông được xem là “người hùng” trong việc cải tổ bóng đá. Khoảng một năm đổ lại đây, cái tên bầu Kiên ngày càng nổi đình nổi đám, đặc biệt là vụ ông dẫn dắt các ông bầu hình thành công ty VPF tự tổ chức giải V-League. Tiếp sau đó là vụ VPF do ông chủ trì đứng ra đòi lại bản quyền truyền hình (có giá trị 20 năm) mà AVG đã ký với LĐBĐ VN.

Sau vụ thành lập VPF, mối quan hệ của bầu Kiên với bầu Đức và bầu Thắng ngày càng khắng khít. Dù bầu Thắng là chủ tịch HĐQT VPF nhưng người ta cho rằng người điều hành chính và chi phối hoạt động của công ty là bầu Kiên, do tiếng nói và tầm ảnh hưởng của ông với những người “cùng cạ” trong nhóm bầu bóng đá. Cũng từ đấy nhiều người thấy bầu Kiên và bầu Đức hay song hành cùng nhau hơn. Điển hình là trong một trận chung kết, bầu Đức đích thân dùng máy bay riêng đón bầu Kiên từ Hà Nội lên Pleiku xem bóng đá. Hoặc mới đây, trong khi CLB HA Gia Lai đá ở Hà Nội thì bầu Đức lặn lội vào TP.HCM ngồi khán đài VIP xem đội bóng của bầu Kiên thi đấu với NaviBank SG.

Uy lực của một ông bầu

Ở lĩnh vực kinh tế, bầu Kiên được xem là người nắm giữ nhiều cổ phiếu với số lượng lớn của một số ngân hàng khác ngoài ngân hàng ông từng giữ chức phó chủ tịch HĐQT. Trong lĩnh vực bóng đá, ông cũng có quan hệ mật thiết với nhiều ông bầu mà nhiều người nói là “bạn hàng”, “bạn làm ăn” của ông. Đấy cũng là lý do khiến nhiều người lo ngại các ông bầu ở VPF do bầu Kiên nắm “quyền sinh sát” sẽ phát triển theo hướng vừa đá bóng vừa thổi còi với lợi ích nhóm của những ông bầu bắt tay nhau.

Sau khi VPF ra đời, bầu Kiên rất quyết liệt với việc “dập” bầu Hiển qua sự việc một ông bầu quản hai đội bóng là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Sự việc trên không khó để giới bóng đá nhận ra và thậm chí là việc tranh chấp nhau một cái tên Hà Nội cũng gây ồn ào trên các sân bóng.

Bầu Hiển hay bị bầu Kiên chỉ trích là một ông chủ hai đội bóng. Đã có lần chính bầu Kiên “dằn mặt” bầu Hiển qua việc không cho đội hạng nhất Hà Nội của bầu Hiển lên hạng vì vi phạm luật chơi. Trong khi đó, bầu Hiển lại chỉ ra việc bầu Kiên vừa đá bóng vừa thổi còi. Sự việc trên ngày càng ồn ào nhưng trọng tài VFF không can thiệp. Dường như sau cái lần bầu Kiên “cướp diễn đàn”, người ta có ý e sợ phải dây với ông. Đó là chưa nói lời đồn đoán về những thế lực sau lưng ông qua vụ VPF công khai đòi lại bản quyền truyền hình hợp pháp khá ngoạn mục mới rồi…

Nói và làm

- Đầu mùa bóng 2012, bầu Kiên vẫn là người thao thao trên các diễn đàn về việc chống làm giá, chống đẩy giá mua cầu thủ tạo nên thị trường ảo không lành mạnh. Nhưng sau đó, chính ông lại “hớt” tiền đạo Công Vinh từ Hà Nội T&T của bầu Hiển một cách ngoạn mục sau một cú phone và cuộc gặp tại khách sạn. Không ai biết cái giá Công Vinh về với CLB Hà Nội của bầu Kiên là bao nhiêu, chỉ biết trước đó đã có đơn vị lên tiếng “bắt” Công Vinh với giá không dưới 8 tỉ đồng.

- Tại lễ tổng kết V-League mùa 2011, bầu Kiên cho biết ông là cổ đông chính của Eximbank - đơn vị tài trợ chính cho V-League, và sẵn sàng lên tiếng để Eximbank ngưng tài trợ nếu giải bóng đá Việt Nam làm mất hình ảnh của nhà tài trợ.

- Trong một lần nghe bầu của CLB TP.HCM than không có tiền để đá tiếp giải hạng nhất, bầu Kiên thay mặt VPF hứa sẽ vận động một ngân hàng tài trợ cho CLB này. Vài ngày sau, Sacombank đứng ra tài trợ 5 tỉ đồng cho CLB TP.HCM!

Sốc nhưng… không sao

Cái tin ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch CLB Hà Nội bị bắt đã gây sốc không chỉ cho nội bộ đội bóng này. Giám đốc điều hành CLB Hà Nội Lê Khắc Chính nói ông chỉ mới nghe thông tin bầu Kiên bị bắt mà chưa hiểu tường tận, có điều việc bắt ấy không liên quan đến bóng đá. HLV Hoa Mạnh Hưng cho biết hiện đội bóng CLB Hà Nội đang nghỉ phép sau một mùa giải và các cầu thủ đã trở về địa phương. Hơn nữa, còn đến hơn ba tháng nữa mới đến mùa bóng mới nên mọi vấn đề liên quan đến CLB vẫn phải chờ.

Với VPF (nơi bầu Kiên làm phó chủ tịch HĐQT phụ trách mảng Tài chính - Nội chính), Phó Tổng Giám đốc Phạm Phú Hòa khẳng định việc bầu Kiên bị bắt là chuyện cá nhân; bộ máy VPF không bị ảnh hưởng gì lớn, mọi việc điều hành các giải đấu vừa qua đều do ban giám đốc thực hiện. Mùa giải 2012 chỉ còn hai trận bán kết, chung kết cúp quốc gia diễn ra cuối tuần này và tất cả đều không bị ảnh hưởng.

Chủ tịch LĐBĐ VN Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Trước mắt, LĐBĐ VN sẽ nghe báo cáo tình hình từ phía VPF và chỉ đạo VPF đưa ra các giải pháp liên quan đến vị trí của anh Kiên. Hiện tại, hai đội bóng của anh Kiên cũng không còn làm nhiệm vụ tại các giải đấu và LĐBĐ VN, VPF còn nhiều thời gian ngồi lại để xác định hai CLB ấy có còn tiếp tục tham gia ở mùa giải sau hay không”.

GIA HUY

ĐỨC NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới