Ông Phan Văn Mãi: ‘Năm 2022, TP.HCM có thể tăng trưởng theo hình chữ V'

Chiều 8-12, tiếp tục kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X đã tiến hành phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về điều hành phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Đây là lần đầu tiên ông Phan Văn Mãi trả lời chất vấn trên cương vị người đứng đầu UBND TP.HCM. Ông được các đại biểu HĐND TP bầu giữ chức vụ này hồi tháng 8-2021.

chat-van-chu-tich-tphcm

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên chất vấn chiều 8-12. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mở đầu phần trả lời chất vấn, ông Phan Văn Mãi đã thông tin về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng trong năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.

Theo ông Mãi, trong năm 2021, TP.HCM thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong bốn tháng từ 30-5 đến 30-9, toàn bộ hệ thống chính trị TP tập trung toàn lực chống dịch. Mọi nguồn lực ưu tiên cho phòng chống dịch, lo cho sức khỏe, sinh mạng của người dân, hầu hết hoạt động kinh tế phải tạm dừng.

Do đó, ông Mãi cho biết việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội do HĐND TP đặt ra từ đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu không thể hoàn thành. Dù kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 5,99%, nhưng quý 4 giảm hơn 24%, kéo tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 dự kiến âm 6,78%. “Tăng trưởng âm 6,78% là chưa từng xảy ra trong 35 năm qua” – ông Mãi nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch cũng có một số điểm sáng như tổng thu ngân sách đạt 101,3% so với dự toán năm 2021, tín dụng ngân hàng tăng trưởng ổn định. “Để vực dậy nền kinh tế, đạt tăng trưởng như điều kiện bình thường là thách thức bao phủ với kinh tế TP.HCM trong năm 2022” - ông Mãi nói thêm.

chat-van-chu-tich-tphcm

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với đại biểu bên hành lang kỳ họp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng việc đưa tốc độ tăng trưởng GRDP từ âm 6,78% lên 6-6,5% trong năm 2022 như chỉ tiêu đề ra là nhiệm vụ rất khó khăn. Nhưng với nền tảng kinh tế và doanh nghiệp hiện hữu, cùng truyền thống năng động và sáng tạo của TP.HCM, ông Mãi tin rằng nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả thì kinh tế TP.HCM hoàn toàn có thể tăng trưởng theo hình chữ V.

“Đây là tâm huyết chính trị rất lớn của TP.HCM để lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế trong tăng trưởng ở phía Nam và cả nước” – ông Mãi nói.

Để hoàn thành 19 chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6-6,5% trong năm 2022, ông Mãi đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp.

Cùng đó, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của TP; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xây dựng TP thông minh...

  Sự xuất hiện Omicron có nguy cơ đe dọa thành quả chống dịch

Đối với tình hình dịch bệnh, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sự xuất hiện của biến chủng mới có nguy cơ đe dọa thành quả phòng chống dịch.

Do vậy, TP.HCM đang giám sát chặt chẽ, chủ động kiểm soát tình hình dịch, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng mới.

Theo ông Mãi, dịch còn diễn biến phức tạp nên đòi hỏi mỗi người không lơ là, chủ quan cần bám sát tình hình, chủ động, hài hòa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần thích ứng với COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm