Ông Trần Bắc Hà và thiệt hại 1.548 tỉ đồng

Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và cá nhân ông Trần Bắc Hà.

Theo đó, toàn bộ hồ sơ vụ án đã được chuyển đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 12 bị can. Trong số này, tám người là lãnh đạo cấp cao, nhân viên của BIDV bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ông Hà có trách nhiệm cao nhất 

Cụ thể là Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách quản lý rủi ro), Đoàn Ánh Sáng (cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khách hàng doanh nghiệp), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng Phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh).

Ngoài ra còn có Nguyễn Xuân Giáp (cựu phó giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành), Phạm Hồng Quang (cựu trưởng Phòng khách hàng doanh nghiệp I BIDV Chi nhánh Hà Thành), Đặng Thanh Nam (cựu cán bộ quản lý khách hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành) và Ngô Duy Chính (cựu giám đốc BIDV Chi nhánh Thăng Long).

Bốn bị can còn lại gồm Trần Anh Quang (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Hà), Đinh Văn Dũng (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (cựu trưởng Phòng khách hàng doanh nghiệp I BIDV Chi nhánh Hà Thành) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu giám đốc Công ty Hà Nam) bị đề nghị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo CQĐT, trong thời gian từ năm 2008 đến tháng 9-2016, ông Hà giữ chức vụ chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện 40% vốn nhà nước tại BIDV. Năm 2012, BIDV chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, ông Hà đã có hàng loạt sai phạm như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của BIDV, lấy danh nghĩa BIDV trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho công ty sân sau do ông Hà sáng lập.

Cụ thể, ông Hà chỉ đạo thành lập hai công ty gồm: Công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng, con trai ông Hà làm chủ) và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Sau đó, ông Hà đã chỉ đạo phê duyệt cấp tín dụng với các ưu đãi trái quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Trong khi hai công ty sân sau của ông Hà không đủ năng lực tài chính vốn tự có để thực hiện dự án, cũng không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV.

Việc cho vay tiền đã gây thiệt hại cho BIDV, trong đó Công ty Bình Hà gây thiệt hại hơn 683 tỉ đồng và khoản vay đối với Công ty Trung Dũng hơn 864 tỉ đồng.

CQĐT khẳng định trách nhiệm cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm của BIDV hội sở và Chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về cá nhân ông Hà. Ông Hà là người chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt và cấp tín dụng cho hai công ty trên vay tiền dẫn tới thiệt hại hơn 1.548 tỉ đồng của BIDV. 

Ông Trần Bắc Hà khi chưa bị khởi tố. Ảnh: Internet

Con trai ông Hà có vai trò chủ mưu 

Theo CQĐT, trong tổng số 12 bị can bị đề nghị truy tố, ngoài bị can Đinh Văn Dũng khai báo còn quanh co, chưa thành khẩn thì những bị can còn lại cơ bản đã khai báo thành khẩn. Họ đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của bản thân, ăn năn hối cải và mong được hưởng chính sách khoan hồng. 

Tám bị can cựu lãnh đạo cấp cao, nhân viên của BIDV đã có nhiều sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty, có vai trò đồng phạm với ông Hà. Tuy nhiên, CQĐT cho rằng họ chỉ là người làm công ăn lương, chịu sự chi phối và áp lực từ cá nhân ông Hà chứ không có quyền quyết định.

Còn ông Hà là người phải chịu trách nhiệm chính. Hành vi của ông Hà đã phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 BLHS. Tháng 7-2019, ông Hà chết do bệnh lý trong khi đang bị tạm giam tại trại tạm giam T771. Vì vậy, CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hà.

Đáng chú ý CQĐT đề nghị xem xét giảm nhẹ đặc biệt cho bị can Vân Anh. Lý do trong quá trình điều tra đã rất chủ động và tích cực phối hợp để làm rõ dòng tiền, thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi chiếm đoạt tiền của các cổ đông Công ty Bình Hà thông qua các nhà thầu và chiếm đoạt tiền bán bò. Từ đó, bị can tích cực đôn đốc thu hồi nợ, góp phần không nhỏ vào việc thu hồi cho BIDV trên 200 tỉ đồng, giảm thiểu thiệt hại.

Trong vụ án này, CQĐT còn nhắc đến Trần Duy Tùng (con trai ông Hà). Tùng không trực tiếp tham gia Công ty Bình Hà hoặc đứng tên sở hữu cổ phần. Tuy nhiên, Tùng là chủ thứ hai đứng sau ông Hà. Tùng là người trực tiếp nhờ ông Nguyễn Gia Thiều đứng danh nghĩa chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà, nhờ Thái Thành Vinh và Trần Anh Quang đứng tên sở hữu cổ phần Công ty Bình Hà.

Tùng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc gây thiệt hại gần 150 tỉ đồng cho BIDV. Cụ thể, Tùng đã chỉ đạo ba cổ đông Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh lợi dụng sự tin tưởng của BIDV thông qua hoạt động bán bò thu tiền không nộp vào tài khoản của Công ty Bình Hà để BIDV kiểm soát để thu hồi vốn theo quy định, chiếm đoạt số tiền trên. 

Do Công ty CP Tập đoàn An Phú đứng ra nhận nợ 128 tỉ đồng để hợp thức hóa và che giấu hành vi chiếm đoạt đến nay đã hoàn trả trong quá trình điều tra khởi tố nên thiệt hại chỉ còn hơn 26,3 tỉ đồng. Hành vi này đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 BLHS. Đồng phạm với Tùng còn có Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh. 

Tuy nhiên, do Tùng và Vinh đang bỏ trốn, CQĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với hai bị can và sẽ phục hồi làm rõ, xử lý sau.

Đồng thời, do hết thời hạn điều tra, CQĐT cũng ra quyết định tách vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, chuyển và nhập vào vụ án của CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra thống nhất. Ngoài ra, CQĐT cũng có một số quyết định tách vụ án khác do hết thời hạn điều tra…

Phong tỏa nhiều tài sản của ông Hà tại Lào

Trong quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an cũng phong tỏa năm bất động sản đứng tên vợ chồng ông Hà tại các quận Tân Bình, 7, 2, 11 (TP.HCM). Hai bất động sản đang hình thành trong tương lai tại quận 3 và Thủ Đức (TP.HCM) cũng bị phong tỏa. Ngoài ra, CQĐT còn phong tỏa ba bất động sản đứng tên con trai ông Hà là Trần Duy Tùng tại các quận 1, 2, 7. Đồng thời, CQĐT cũng kê biên cổ phần, cổ phiếu đứng tên sở hữu của con trai ông Hà và ngăn chặn nhiều giao dịch liên quan đến các bất động sản, cổ phiếu, cổ phần, tiền mặt và bất động sản.

Đáng chú ý thông qua hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND Tối cao Lào đã phong tỏa và ngăn chặn nhiều tài sản của ông Hà tại quốc gia này để chờ quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Theo đó tổng giá trị tài sản có liên quan đến ông Hà bị phong tỏa tại Lào, phục vụ xác minh, làm rõ để thu hồi khoảng 14.474.000 USD (trên 300 tỉ đồng).

Con trai ông Hà đang bị truy nã quốc tế

CQĐT Bộ Công an ra quyết định tách vụ án lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo liên quan đến Trần Duy Tùng (SN 1985, con trai ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú) và Thái Thành Vinh (SN 1985, thành viên HĐQT Công ty Bình Hà). Hiện cả hai đang bị truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế do đã bỏ trốn.

Ngoài hành vi trong vụ án đề cập trên, hai bị can Tùng, Vinh theo CQĐT có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và/hoặc rửa tiền. Cụ thể, cả hai gửi trái phép 10,4 triệu USD tiền mặt vào Ngân hàng liên doanh Lào Việt tại Lào (LaoVietBank), sau đó lại thông qua pháp nhân của Tập đoàn An Phú để góp 10% vốn điều lệ vào Ngân hàng LaoVietBank… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm