Phải cho công dân đổi tên nếu quá dài gây rắc rối!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết với lý do tên quá dài gây rắc rối trong đời sống, chị đã gửi hồ sơ lên UBND huyện Nhơn Trạch xin đổi tên thành Nguyễn Thị Kim Phương, bỏ đi hai chữ lót Hoàng Linh.

Huyện: Lý do thay đổi tên không thuyết phục

Theo chị Phương, khi chị đi làm thẻ ngân hàng vì tên quá một dài mà chữ nào cũng nhiều ký tự nên ngân hàng từ chối làm thẻ cho chị nên chị mới xin đổi tên.

Sau đó UBND huyện Nhơn Trạch có văn bản gửi trả lời chị Phương là không giải quyết được. Lý do nhận thấy yêu cầu thay đổi chữ đệm của chị Phương là không có cơ sở, không phù hợp với quy định theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Hữu Ích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết huyện cũng đã có làm việc với chi nhánh Ngân hàng Agribank ở Nhơn Trạch. Theo quy định của ngành, khi mở thẻ độ dài của tên tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng). Trong khi tên chị Phương dài 33 ký tự nên chi nhánh không thể thực hiện được.

“Đây là trường hợp đặc biệt, chi nhánh sẽ xin ý kiến ngân hàng cấp trên để được hướng dẫn, hỗ trợ và sớm có hướng giải quyết cho chị Phương. Nếu như không được thì chúng tôi sẽ mời chị Phương đến để làm việc và hướng dẫn làm lại đơn thay đổi tên nhưng phải tìm lý do phù hợp. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ công dân nhưng phải đúng theo quy định pháp luật…” - ông Ích cho biết thêm.

Tỉnh: Không cho đổi tên là đúng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho rằng UBND huyện Nhơn Trạch có văn bản trả lời việc từ chối bổ sung xin thay đổi tên đệm của công dân Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (ngụ huyện Nhơn Trạch) là có căn cứ và đúng quy định.

Được đổi tên khi quyền, lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây: a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó…

(Theo điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Dân sự)

Theo Sở Tư pháp tỉnh này, đơn yêu cầu thay đổi chữ đệm của chị Linh Phương với lý do là do tên dài không phù hợp quy định, không đủ điều kiện để thay đổi nên cơ quan chức năng từ chối. Hướng dẫn của Bộ Tư pháp quy định rất chặt chẽ và rất rõ về việc thay đổi tên, tên đệm. Còn về việc chị Linh Phương đưa ra lý do cho rằng tên quá dài bị ảnh hưởng quyền lợi như việc làm thẻ ATM, thẻ tên đi làm công ty cũng không thuyết phục.

“Đổi tên họ đối với trẻ nhỏ không sao, còn tên người lớn liên quan đến rất nhiều giấy tờ khác nhau, thay đổi tên từ hộ tịch là giấy tờ gốc và sẽ kéo theo thay đổi toàn bộ giấy tờ cá nhân của một con người. Do đó cần rất thận trọng khi đổi tên” - đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai nói thêm.

Cán bộ tư pháp cứng nhắc trong áp dụng pháp luật

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), cho rằng trong việc này, tỉnh Đồng Nai giải quyết như vậy là cứng nhắc.

“Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ quyền thay đổi tên là quyền nhân thân, gắn với con người cụ thể. Bất cứ ai thấy tên của mình không phù hợp, việc sử dụng tên đó gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình và muốn thay đổi thì đều có quyền yêu cầu Phòng Tư pháp ở quận, huyện công nhận việc thay đổi ấy. Công nhận chứ không phải xin gì cả” - ông Khanh nói.

Về trường hợp cụ thể này, theo ông Khanh, tên của cô Phương dài không phải lỗi của cô ấy, do cha mẹ hoặc người đăng ký khai sinh. Nay cô thấy tên ấy ảnh hưởng tới công việc, giao dịch thì tức là ảnh hưởng lợi ích hợp pháp rồi. Cán bộ tư pháp - hộ tịch cần hiểu rõ, rộng, đầy đủ và đúng bản chất quyền, lợi ích hợp pháp ấy mà thực hiện nguyện vọng chính đáng của người dân.

“Cục đã tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn về công tác hộ tịch và lần nào cũng nhấn mạnh đấy là quyền nhân thân, quyền căn bản của người dân. Nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ tư pháp - hộ tịch địa phương không hiểu hết, cứng nhắc trong áp dụng pháp luật. Những trường hợp như vậy, khi người dân, báo chí phản ánh, cục sẽ có văn bản nhắc nhở” - ông Khanh cho biết và khẳng định sẽ có ý kiến với Đồng Nai về trường hợp cụ thể này.

Nghĩa Nhân 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm