Phải có khung tiêu chuẩn thanh toán tự động giữa các tuyến metro tại TP.HCM

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản khẩn gửi Bộ GTVT và Bộ KH-CN về những nội dung liên quan đến khung tiêu chuẩn hệ thống thu soát vé tự động trong hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.HCM.

Khó liên thông thanh toán tự động

Trong thời gian tới, các hệ thống thu phí tự động (AFC) của nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng khác nhau ở TP.HCM sẽ hoạt động như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh...

Qua rà soát, nguồn vốn thực hiện các dự án trên được tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, cụ thể tuyến đường sắt  đô thị số 1 (MRT 1) do tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ; tuyến tàu điện ngầm số 2 (MRT 2) do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái Thiết Đức (KFW) và Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB) đồng tài trợ; tuyến BRT số 11 do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Theo UBND TP, do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho hệ thống thu soát vé tự động; công nghệ thu soát vé của mỗi dự án là khác nhau, dẫn đến khó liên thông thanh toán tự động giữa các hệ thống thu soát vé.

Do vậy, để đảm bảo tính liên thông thanh toán, tạo thuận tiện cho người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng, cần thiết phải định hướng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các hệ thống thu soát vé tự động (gọi tắt là khung tiêu chuẩn).

Nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM sẽ áp dụng hệ thống thu phí tự động (AFC). Ảnh: THU TRINH.

Theo đó, khung tiêu chuẩn áp dụng 9 tiêu chuẩn Việt Nam, 22 tiêu chuẩn nước ngoài) và yêu cầu kỹ thuật hạng mục liên quan.

Đồng thời, TP định hướng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các hệ thống AFC nhằm đảm bảo yêu cầu kết nối đồng bộ, vận hành liên thông giữa các hệ thống AFC trên toàn TP.

Phạm vi điều chỉnh từ thiết bị đầu cuối và phương thức kết nối giữa các hệ thống thu soát vé tự động của các dự án đầu tư, khai thác đường sắt đô thị và xe buýt nhanh bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, dịch vụ công nghệ thông tin trên các tuyến xe buýt phổ thông được trợ giá bằng nguồn ngân sách TP.

Dự thảo khung tiêu chuẩn có các nội dung về yêu cầu kỹ thuật cho các hạng mục liên quan hệ thống AFC, tập trung vào: Thẻ vé, phương thức thanh toán; thiết bị đầu cuối; tổ chức, an ninh và các lệnh trao đôi dữ liệu; giao diện lập trình ứng dụng; bảng mã chung; trường hợp sử dụng và luồng dữ liệu; tính liên thông bên trong; đánh giá an toàn. Các yêu cầu này có thể được nghiên cứu, phát triển thành quy chuẩn kỹ thuật địa phương hệ thống thu soát vé tự động trong tương lai,

Kiến nghị xem xét tính khả thi

“Việc xây dựng hệ thống thu soát vé tự động liên thông trong giao thông công cộng là một trong các nhiệm vụ được TP.HCM đặt cân thực hiện trong quá trình xây dựng TP trở thành đô thị thông minh, theo định hướng phát triển thanh toán không tiền mặt của Chính phủ." – văn bản nêu rõ.

Khung tiêu chuẩn cho hệ thống thu soát vé tự động trên địa bàn TP.HCM là cơ sở định hướng, đảm bảo thanh toán liên thông, xuyên suốt giữa các hệ thống AFC liên quan trong hoạt động vận tải hành khách công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, xe buýt, buýt đường thủy... ).

Ngoài ra, theo UBND TP các quy định trên chưa nêu cụ thể UBND TP.HCM được quyết định áp dụng tiêu chuân cho hệ thống thu soát vé tự động trong hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy.

Để khung tiêu chuẩn được hoàn chỉnh, kịp thời triển khai, UBND TP đề nghị Bộ GTVT có ý kiến về thẩm quyền quyết định khung tiêu chuẩn cho hệ thống AFC hoạt động vận tải hành khách công cộng TP và nội dung dự thảo Khung tiêu chuẩn.

Đồng thời, Bộ KH-CN hướng dẫn, có ý kiến về tính khả thi phát triển theo dự thảo khung tiêu chuẩn (phần yêu cầu kỹ thuật) thành quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho hệ thống AFC và nội dung dự thảo khung tiêu chuẩn.

Xe buýt đang đóng vai trò chủ lực

Tính đến tháng 5-2021, TP có 126 tuyến xe buýt (gồm 90 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá). Ngoài ra, còn có 3 tuyến xe điện (hoạt động khu vực Trung tâm TP, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), 1 tuyến buýt thủy (Bạch Đằng - Linh Đông); dự án Xây dựng tuyên đường săt đô thị sô 1 (Bên Thành - Suối Tiên), dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM (tuyến xe buýt nhanh BRT số 1). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm