Phần hát Quốc ca của Đội tuyển Việt Nam bị tắt tiếng vì lý do bản quyền

Tối 6-12, Đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Lào tại giải AFF Suzuki Cup 2020. Tuy nhiên, trong phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu, khi khán giả theo dõi trên kênh YouTube của Next Sports đã không nghe được lời hát Quốc ca với lý do "bản quyền".

Cụ thể, trên màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm".

Tuy nhiên, khán giả xem qua truyền hình không gặp tình huống này, trên sóng của VTV, Quốc ca hai nước vẫn được bật tiếng bình thường.

Sau khi trận đấu kết thúc, hàng ngàn người hâm mộ đã chia sẻ sự ngạc nhiên và cả phẫn nộ khi Quốc ca Việt Nam phải tắt tiếng trên kênh Youtube phát sóng trận đấu chính thức của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.

Trước đó, vào giữa tháng 11, ca khúc Tiến quân ca cũngbị vướng vấn đề bản quyền dù tác giả, cố nghệ sĩ Văn Cao, đã hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.

Thông báo được hiển thị trong phần hát Quốc ca của Đội tuyển Việt Nam. Ảnh chụp màn hình. 

Báo điện tử VTV và Trung tâm Tin tức VTV24 cũng đưa tin ca khúc Tiến quân ca - Quốc cađã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Nhà nước nhưng lại bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền.

Sau khi bị lên án, phía đơn vị BH Media khẳng định những "cáo buộc" này của VTV là không đúng bởi quyền tác giả của ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca vĩnh viễn thuộc về nhạc sĩ Văn Cao. Còn bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio bỏ tiền ra sản xuất, theo Luật Sở hữu trí tuệ, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi này và Hồ Gươm Audio đã ủy quyền quản lý, khai thác trên YouTube cho BH Media.

Trao đổi với báo chí, nhạc sĩ Văn Thao- con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao đã chia sẻ về ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca). Ông cho biết: "Gia đình thực hiện theo nguyện vọng của cha tôi, cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhân dân, Nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia chứ không còn thuộc về gia đình nữa. Nhưng khi nghe từ báo chí truyền hình về việc tác phẩm bị đánh gậy bản quyền, tôi thấy hết sức vô lý và hài hước".

“Từ khi ca khúc này ra đời, bản thân nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân". Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao”- nhạc sĩ Văn Thao nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới