Pháp giành hợp đồng đóng 12 tàu ngầm cho Úc

Ông khẳng định 12 tàu ngầm mới sẽ là các tàu ngầm hiện đại nhất thế giới. Báo Le Figaro đưa tin trước đó, thủ tướng Úc đã gọi điện thoại báo tin vui cho Tổng thống Pháp François Hollande.

Văn phòng tổng thống Pháp phát thông báo khẳng định đây là một quyết định lịch sử. Thông báo biết ơn Úc đã tin cậy và hãnh diện vì trình độ công nghệ tuyệt vời của Pháp đã chiến thắng trong cuộc chạy đua đỉnh cao này. Thông báo ghi nhận hợp đồng tàu ngầm sẽ mang lại việc làm và phát triển cho Pháp cũng như Úc.

Đây là hợp đồng quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Úc. Hợp đồng trị giá 50 tỉ đôla Úc (38,5 tỉ USD) nhằm chế tạo 12 tàu ngầm thay thế hạm đội sáu tàu ngầm lớp Collins hiện nay chạy bằng diesel và điện. Hợp đồng bao gồm các khâu thiết kế, chuyển giao công nghệ, sản xuất, trang bị hệ thống chiến đấu và bảo trì trong 25 năm. Các tàu ngầm sẽ được đóng tại Adelaide, dự kiến sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động năm 2027.

Tập đoàn DCNS của Pháp có 62,49% vốn nhà nước và 35% vốn của Tập đoàn Thales. Hai đối thủ của Pháp bị loại là Tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems của Đức và tổ hợp công nghiệp Nhật do Mitsubishi Heavy Industries đứng đầu. Pháp đề nghị mẫu tàu ngầm Barracuda (ảnh), phía Đức giới thiệu tàu ngầm Type 216 và Nhật chào mẫu tàu ngầm Soryu.

Báo Wall Street Journal đ ưa tin Úc loại Nhật vì cho rằng Nhật thiếu kinh nghiệm về đóng tàu ngầm quân sự ở nước ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani phát biểu ngắn gọn: “Quyết định chọn lựa này thật đáng tiếc”. Phía Đức bị loại vì Úc đánh giá Đức chưa bao giờ chế tạo tàu ngầm 4.000 tấn như đề bài của Úc.

Quá trình chào thầu tàu ngầm là vấn đề chính trị nhạy cảm ở Úc. Canberra muốn bảo đảm phần lớn quy trình sản xuất phải được thực hiện ở Úc và ngành công nghiệp Úc cũng như nhân công Úc phải được tham gia tối đa. Hồi tháng 2, Úc thông báo cấp thêm 23,02 tỉ USD ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới để đối phó với các thách thức địa-chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương. Báo Le Figaro nhận định là đồng minh của Philippines, Úc đang lo ngại hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm