Vụ án Dương Chí Dũng: Xin cho bị cáo sống để được chứng minh vô tội

Nhấn F5 đề tiếp tục cập nhật.

Phần cập nhật mới nhất

HĐXX nghị án và nghỉ làm việc. Tòa sẽ tuyên án vào 14h chiều ngày 7-5.

11h17. Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng

Dương Chí Dũng: Với cương vị Bí thư, CHủ tịch HĐQT, để xảy ra sai phạm tại Vinalines, bị cáo nhận tội, không chối cãi. Bị cáo trông cậy vào tâm từ đức độ, sự công minh của HĐXX để không xảy ra tình trạng "quýt làm cam chịu".. Nếu chưa chứng minh được bị cáo vô tội thì xin cho bị cáo được sống. Nếu có tội bị cáo có chết cũng phải chịu, nhưng oan mà chết thì không nói với ai được. Đây là món quà của Đảng, nhà nước, nhân dân.

Mai Văn Phúc: Đề nghị minh oan cho bị cáo ở cả hai tội. Bị cáo xin cam đoan toàn bộ các nội dung trong đơn và trình bày của bị cáo hoàn toàn là sự thật, nếu sai bị cáo xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bị cáo nhận chức chỉ có một động cơ duy nhất là củng cố và phát triển Tổng công ty, dù bị cáo đã cố gắng nhưng việc đó vẫn xảy ra, bị cáo xin nhận trách nhiệm. Bị cáo sẽ tiếp tục động viên gia đình khắc phục hậu quả cho bị cáo.

Trần Hải Sơn: Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo đã nhận thức được sai phạm của mình. Bị cáo mong muốn trong thời gian tới, gia đình bị cáo sẽ giúp bị cáo khắc phục hậu quả. Chỉ mong HĐXX và pháp luật lượng hình xét xử cho bị cáo một bản án đúng người, đúng tội cũng như các bị cáo khác trong vụ án này.

Trần Hữu Chiều: Bị cáo đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm về tội cố ý làm trái của bị cáo. Về tội tham ô tài sản, đề nghị HĐXX miễn truy cứu TNHS với bị cáo, bị cáo nhận thấy oan ức cho bị cáo. Bị cáo vay tiền của Sơn là có mục đích, bị cáo ngoài vay Sơn còn vay của nhiều người khác nữa… Về trách nhiệm dân sự, đề nghị HĐXX xác định rõ ụ không phải là tàu thì có thể xem xét miễn TNHS cho các cán bộ hải quan. Bản thân bị cáo có rất nhiều bệnh, từ tháng 4 mắc thêm bệnh cao huyết áp nữa, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bố mẹ bị cáo có thành tích trong kháng chiến, đề nghị HĐXX xem xét. Bố bị cáo 35 năm tuổi Đảng… Nếu điều kiện cải tạo khắc nghiệt quá không biết bị cáo còn cơ hội trở về với gia đình bằng đường dương hay không...

Mai Văn Khang: Nếu không xem xét minh oan được cho bị cáo thì xin được giảm nhẹ TNHS. Nếu phải chịu TNHS, bị cáo sẽ đề nghị gia đình thu xếp trong khả năng gia đình bị cáo có được.

Lê Văn Dương: Bị cáo đã xác định tội lỗi của mình, rất ăn năn hối cải. Bị cáo mong HĐXX xem xét bị cáo đã thành khẩn khai báo. Gia đình bị cáo bố mẹ già, hai con còn nhỏ, mong được khoan hồng để mau chóng trở về với gia đình, hòa nhập xã hội.

Lê Ngọc Triện: Giờ vẫn có xung đột pháp luật trong việc xác định ụ nổi có phải là tàu không giữa luật VN và luật quốc tế, mong HĐXX xem xét. Nếu HĐXX thấy đủ chứng cứ kết tội bị cáo, nếu có thể xin xem xét cho nhóm cán bộ hải quan không phải chịu trách nhiệm dân sự.

Lê Văn Lừng: Vì văn bản chưa cụ thể hóa vấn đề, các bị cáo đã làm ra việc như thế. Mong HĐXX xem xét, nếu không phải là tàu thì để bị cáo được ân xá. Nếu là tàu thì mong HĐXX xem xét gia đình bị cáo tuổi quá già, vợ bị ung thư, nhà quá nghèo, con còn nhỏ, bị cáo đã có 10 năm bảo vệ Trường Sa, mong còn cơ hội trở về chăm sóc bố mẹ già, con nhỏ…

***

Diễn biến phiên tòa

Ngày thứ năm (28-4) xử phúc thẩm vụ án tiêu cực tại Vinalines, sau gần 10 phút nghỉ hội ý, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn đã bất ngờ tuyên bố tạm dừng buổi làm việc buổi chiều vì có những chứng cứ mới thu được từ Nga.

Tài liệu, chứng cứ mà HĐXX nhắc đến gồm có tài liệu xác minh về Công ty Nakhodka (Nga) - chủ sở hữu ụ nổi 83M, biên bản phỏng vấn nhân chứng người Nga, chứng nhận ngừng đăng kiểm đối với ụ nổi 83M… cùng nhiều tài liệu quan trọng khác. 

Không chỉ luật sư, ngay cả đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng đề nghị xin bản phôtô những tài liệu này.

Sáng nay (29-4), HĐXX phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng được tiếp tục bắt đầu bằng phần công bố các tài liệu do phía Nga cung cấp theo yêu cầu của VKSNDTC TP Hà Nội.

Vụ án Dương Chí Dũng: Xin cho bị cáo sống để được chứng minh vô tội ảnh 1
 Bị cáo Dương Chí Dũng luôn được đưa đến sớm nhất như thường lệ. Ảnh: TN

8h50: Mở đầu phiên tòa, chủ tọa công bố tài liệu do phía Nga cung cấp theo yêu cầu của VKSND tối cao Điều tra xác định Công ty cổ phần Nakhodka, ông A (người Nga) là người đã ký hợp đồng 0108 giữa công ty môi giới Global Success (GS) và công ty AP. 

Theo đó, từ 2007 đến nay, Công ty Nakhodka không có mối liên hệ gì với Công ty GS. Thẩm vấn ông Aprikhodko xác nhận ông chỉ là đại diện theo ủy quyền của Công ty GS, không giữ vai trò gì trong Công ty. Công ty GS chỉ đóng vai trò đại lý, khi ông Goh đến thì ông này đón và đưa đến đàm phán với công ty Nakhodka. Khi được hỏi về thỏa thuận tháng 7-2007, công ty GS ký thỏa thuận đại lý bán ụ nổi, không biết có ký các thỏa thuận khác không? Ông ký thỏa thuận này vì có lợi cho các bên,việc ký thỏa thuận này đã được lãnh đạo đồng ý. Công ty GS có nhận số tiền nêu trên hay không thì tôi không rõ, bản thân tôi chỉ nhận lương làm đại diện của Công ty… Khi hỏi Công ty GS có chuyển khoản tiền 1,666 triệu USD cho AP hay không? thì ông nói không biết… Biên bản thẩm vấn đối với TGĐ Công ty Nakhodka xác nhận ụ nổi được bán cho Công ty AP với giá 2,3 triệu USD.

Trước khi Vinalines ký hợp đồng với Công ty AP, giữa công ty AP và công ty Global Success đã ký bản thỏa thuận ngày 7-7-2007. Theo bản thỏa thuận và yêu cầu của ông Aprikhodko, ông Goh Hoon Soew đã mở thư tín dụng 1,666 triệu USD cho một bên thứ ba theo hướng dẫn của Công ty GS. Sau khi Công ty AP nhận 9 triệu USD của Vinalines, ông Aprikhodko yêu cầu Công ty AP chuyển 1,666 triệu USD cho Công ty Phú Hà (công ty của em gái trần Hải Sơn, Việt Nam).

Về chứng từ thanh toán và bản sao, Công ty Nakhodka không thể cung cấp vì đã hết hạn lưu giữ chứng từ tài chính kế toán.

Phía Bộ Tài chính Nga có thông tin, ụ nổi 83M có trong bảng quyết toán của DN, không có chứng từ xác nhận quyền sở hữu ụ nổi nói trên…

8h25. Luật sư Ngô Ngọc Thủy băn khoăn hồ sơ này là “cái gì” trong vụ án này, trong số này rất nhiều bản không có chứng thực. 

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị xem lại hình thức theo điều 24 về hiệp định tương trợ tư pháp. Về hình thức, những tài liệu này không thỏa mãn tính đầu tiên của chứng cứ đó là “tính hợp pháp”. 

Luật sư Trần Đình Triển: VKSNDTC Nga gửi cho ta từ tháng 12-3-2014, kèm theo bản khai của ông Aprikhodk, tức là trước khi phiên tòa xử rất lâu đã có tài liệu. Dù là tài liệu này rất có lợi cho thân chủ của chúng tôi, đó là ông Dũng không có liên hệ với Nga nhưng tôi vẫn đề nghị HĐXX xem xét.

Luật sư Hoàng Huy Được: Tất cả việc hợp thức hóa lãnh sự phải được dịch tại cơ quan lãnh sự Việt Nam. Tài liệu này không có giá trị để xem xét như chứng cứ, dù tài liệu này là có lợi hay bất lợi cho các bị cáo.

8h39. Đại diện VKS cho biết mới được tòa photo và chuyển cho tài liệu này từ chiều hôm qua. Tài liệu này được thực hiện đúng theo Luật Tương trợ tư pháp. Vụ 1B đã chuyển lại cho Viện Phúc thẩm, Viện Phúc thẩm chuyển cho tòa vào chiều hôm qua. 

Với trình tự như vậy thì phù hợp với quy định của pháp luật. Tài liệu này đã đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của các luật sư trong những ngày xét xử vừa qua. Tài liệu tương trợ tư pháp đòi hỏi làm rõ khoản tiền 4,3 triệu USD là khoản Công ty Global Success đã nhận. Nếu tài liệu tương trợ tư pháp ảnh hưởng đến việc xem xét hành vi tham ô của các bị cáo thì VKS đã đề nghị hủy án sơ thẩm. Nhưng như VKS nhận thấy tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ đã đầy đủ để quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo. Đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá.

8h37. Chủ tọa cho biết, nhận được tài liệu này thông qua Vụ 1B- Vụ hợp tác quốc tế, VKSNDTC. 

HĐXX sẽ xem xét đánh giá chứng cứ này hợp pháp hay không hợp pháp, nếu không hợp pháp thì chỉ là tài liệu tham khảo. 

8h45. Luật sư Nguyễn Đình Hưng: Riêng người dịch tôi thấy trái luật quá rồi. Ai đi ngoài đường gọi vào dịch cũng được à? 

8h46. Chủ tọa: 7-3-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã yêu cầu tương trợ tư pháp, từ đó VKSNDTC đã yêu cầu Tổng viện kiểm sát Nga hỗ trợ. Tòa sẽ xem xét tính pháp lý của các tài liệu.

8h48. Luật sư Trần Hồng Phúc: Tài liệu được đưa vào vụ án mâu thuẫn hoàn toàn với các tài liệu đang được sử dụng ở VN. Chúng tôi không chấp nhận sử dụng tài liệu này như chứng cứ.

8h49. Chủ tọa tiếp tục hỏi Trần Hải Sơn về việc rút tiền tại Ngân hàng Hàng hải khi đưa cho Dũng và Phúc. Sơn khai rút tiền nhiều lần tại Chi nhánh Ngân hàng Hàng hải Hải Phòng và Hà Nội, nhưng không nhớ cụ thể. 

Chủ tọa cũng hỏi về việc Công ty ký hợp đồng với anh Quỳnh (lái xe). Sơn khai Quỳnh thử việc trong sáu tháng, ký hợp đồng từng tháng. 

8h54. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi Trần Hải Hà (em gái Sơn): 6-9-2008, chị có nhận từ chị Huyền một khoản tiền 3 tỷ hay không? Hà xác nhận việc này. Luật sư hỏi tiếp Trần Hải Huyền: 6-9-2008, có chuyển từ tài khoản của mình đến tài khoản của chị Hà hay không? Huyền nói có chuyển 3 tỷ, nhưng không nhớ thời điểm.

8h57. Luật sư Nguyễn Chiến hỏi ông Trần Thái Sơn (giám định viên Bộ Tài chính, 1 trong 5 thành viên tổ giám định liên ngành). Ông Sơn cho biết, rất tiếc là trong tổ giám định không có thành viên của Bộ GTVT, đơn vị quản lý nhà nước về các thiết bị này, do cơ quan cảnh sát điều tra không mời.

9h00. Luật sư Chiến hỏi ông Trần Thái Sơn là có cần phải có sự tham gia của Bộ GTVT vào tổ giám định hay không? Ông Sơn nói có cần thiết hay không là do Bộ Công an quyết định. Tuy nhiên, các cơ quan đã tham gia giám định cũng đủ chuyên môn để xem xét, đánh giá việc này. Thiệt hại vụ án được xác định là 367 tỷ đồng (tiền chi phí mua, sửa chữa ụ nổi từ đi các khoản chi phí hợp lý và hợp lệ như chi phí mua ụ nổi 2,3 triệu USD, chi phí lai dắt, các khoản thuế…). Việc phân chia trách nhiệm về khoản thiệt hại này là trách nhiệm của HĐXX. Tuy nhiên, trong mỗi phần đánh giá, kết luận đều có nhận định về trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Trong kết luận giám định, chúng tôi không kết luận cán bộ hải quan làm sai.

9h16. Chủ tọa hỏi đại diện Ngân hàng Hàng hải về việc tra soát giao dịch rút tiền của Trần Hải Sơn tại Chi nhánh HN và Hải Phòng… từ tháng 6-2008 đến 2-2009. Vị này cho biết, Ngân hàng đã huy động cán bộ tốt nhất nhưng cũng không tìm được giao dịch nào như thế trong thời điểm tòa yêu cầu. Để trả lời chắc chắn 100% thì xin thêm thời gian.

9h25. Chủ tọa tuyên bố quay lại phần tranh luận.

Đại diện VKS phát biểu quan điểm về vụ án. Qua phần quay trở lại xét hỏi, đại diện VKS thấy phần xét hỏi thêm chủ yếu tập trung vào tài liệu mới luật sư xuất trình tại phiên tòa, cho rằng những chứng cứ buộc tội có nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc xem xét, đánh giá chứng cứ… Nhiều vấn đề VKS thấy được lật đi lật lại. 

VKSNDTC có ý kiến đánh giá như sau: Đối với vấn đề luật sư Triển xuất trình vé máy bay Dương Chí Dũng bay lúc 15h ngày Sơn khai đưa tiền cho Dũng tại khách sạn Victory và hợp đồng thử việc của Công ty của Sơn đối với lái xe tên Quỳnh. VKS thấy rằng, thời gian đưa tiền cho Sơn, Sơn chỉ khai khoảng 18h tại khách sạn Victory. Khoảng thì cũng có thể hơn, có thể kém, thời gian cách đây 5 năm rồi. Nhiều người ở đây từng bay chuyến HN- TP.HCM rồi, cũng tính được thời gian, nên VKS thấy rằng không có mâu thuẫn gì trầm trọng. Luật sư cho rằng có mâu thuẫn vì Dũng không thể nghe điện thoại trên máy bay. Sơn cũng chỉ khai trước đó có liên lạc bằng điện thoại với Dũng. Cũng có lời khai rằng Dũng vào công tác TP. HCM thì trước đó có liên lạc. Cũng không có thời gian nào cụ thể cả. Về hợp đồng lao động với lái xe Quỳnh. Sơn khai Quỳnh là chỗ quen biết, lái xe cho Sơn từ khi Công ty được thành lập, công ty chưa ổn định nên thời điểm đó Công ty chỉ ký hợp đồng từng tháng một.

9h30. Luật sư Trần Đình Triển đưa ra văn bản của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng văn bản của Phó Thủ tướng đồng ý áp dụng chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu đối với Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam nên các bị cáo không “làm trái”. 

VKS cho rằng văn bản này luật sư xuất trình không có bản chính, không có công chứng nên không được coi là chứng cứ. Dù cứ coi là thật đi, VKS thấy rằng văn bản này từ 1-10-2008, lúc đó Vinalines đã mua ụ về xong xuôi rồi nên văn bản này không có giá trị. Tại tòa Dũng cũng đã nhận sai.

VKS cho biết, Ngân hàng Hàng hải đã có văn bản chính thức gửi cơ quan điều tra cho biết các giao dịch của ông Trần Hải Sơn ngân hàng không tra soát được, nên không thể trả lời là có hay không?

Về tuyên thệ của ông Goh, VKS đã có quan điểm rất rõ ràng nên không nhắc lại nội dung này nữa.

Về việc HĐXX nhận được kết quả tương trợ tư pháp: VKS đã đưa ra 6 nguồn chứng cứ để chứng minh các bị cáo có hành vi tham ô 1,666 triệu USD. VKS cho rằng không cần phải có kết quả tương trợ tư pháp, luật sư cho rằng nhất thiết phải chờ kết quả này. VKS thấy rằng việc quay trở lại xét hỏi không làm thay đổi nội dung vụ án. VKS giữ nguyên quan điểm như đã từng đưa ra.

9h44. Mai Văn Phúc xin tranh luận: Cáo buộc của VKS chỉ đạo bị cáo chỉ đạo cấp dưới mua bằng được ụ 83M. Vậy tại sao cả Khang, Sơn, Chiều cùng vào nghe bị cáo chỉ đạo, nhưng tại tòa, các bị cáo Khang và Chiều đều khai chỉ nghe qua Sơn.

9h51. Trần Hải Sơn trả lời "không có ý kiến gì" khi được hỏi có muốn tranh luận gì mới không.

9h52. Trần Hữu Chiều xin tranh luận. Bị cáo thấy công ty AP là công ty hai lần nhận tiền của bên bán. Trang 44 của bản án sơ thẩm, ngày 18-6-2008, sau 5 ngày thành toán xong tiền ụ nổi, Công ty AP và Công ty Phú Hà đã dùng hóa đơn XNK 1,666 triệu USD. Việc chuyển tiền từ bên nọ sang bên kia giống như ma trận. Cuối trang 45 đầu 46, Trần Hải sơn khai khi biết ông Goh nói chuẩn bị nhận khoản 1,666 triệu USD, Sơn đã lập hợp đồng khống. Nhưng hai bên đã hợp đồng khống, không có sự chuyển tiền thì chỉ cần thỏa thuận thanh lý hợp đồng. Nhưng Công ty Phú Hà lại 6 lần xuất hóa đơn hoàn lại tiền cho AP.

Về trách nhiệm dân sự, đề nghị ngoài việc trừ đi số tiền 28 tỷ, còn phải trừ đi số tiền 3,2 tỷ Sơn đã tham ô trong quá trình sửa chữa ụ.

10h00. Mai Văn Khang cho rằng VKS vẫn không làm rõ được các vấn đề đối với mình.

10h10. Luật sư Hoàng Huy Được: Liên quan đến văn bản của Ngân hàng Hàng hải trả lời cơ quan cảnh sát điều tra, theo trả lời đại diện của Ngân hàng, trong thời gian từ chiều đến đêm, huy động toàn bộ cán bộ giỏi nhất của Ngân hàng để tra cứu vẫn chưa tìm được giao dịch của Trần Hải Sơn từ tháng 6-2008 đến 2-2009. Đại diện NH khẳng định tới 95% là không có. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì việc quy buộc trách nhiệm của các bị cáo là không phù hợp.

Liên quan đến hành vi tham ô: Luật sư cho rằng không đủ cơ sở buộc tội ông Mai Văn Phúc về hành vi tham ô. Sơn khai đưa tiền cho Dũng, Phúc từ số tiền 28 tỷ, ko vay mượn của ainhưng khám xét trong két nhà Sơn vẫn còn tới 6 tỷ.

10h03. Các luật sư có ý kiến bổ sung: 

Luật sư Ngô Ngọc Thủy: Tôi băn khoăn phần xét hỏi bổ sung chỉ có một vị đại diện VKS, vị thứ hai vắng mặt nên không biết kết luận của VKS hôm nay có hợp pháp không. Căn cứ vào đâu để nói lời nói của ông đại diện cho cả người kia.

Về lời khai rút tiền của Ngân hàng Hàng hải, phía ngân hàng trả lời cần có thêm thời gian để xác minh việc này. Về kết quả tương trợ tư pháp : Ngoài việc bình luận tính hợp pháp của văn bản, thì những vấn đề đặt ra từ ban đầu chưa được làm sáng tỏ.

Tại tòa, Sơn lúc thì nhớ không rõ, không chính xác, khi khai không nhớ. Nếu dùng lời khai của một người như thế để kết tội chết cho hai bị cáo là vấn đề phải suy nghĩ.

Tôi giữ nguyên quan điểm quý tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

10h17. Luật sư Trần Đình Triển: Có thể VKS đọc hồ sơ và những chứng cứ không đầy đủ. Thứ nhất, ông Dũng không phải bay 15h mà là 15h30. Lời buộc tội đưa ra căn cứ là lời khai của anh Quỳnh, hợp đồng thử việc ký 29-8, vậy tháng 7 anh Quỳnh làm ở đâu? Về nguyên tắc hợp đồng thử việc chỉ ký 1 tháng thôi. Về văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Thực tế có hai văn bản, một văn bản của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. VKS đừng tách ra.

Về bản tuyên thệ của ông Goh và kết quả tương trợ tư pháp: Tài liệu này rất có lợi cho thân chủ của chúng tôi, là tài liệu chứng minh ông Dũng, ông Phúc không liên quan đến việc thương thảo mua ụ nổi.

10h32. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Tại sao chứng cứ mới có từ tháng 3-2014, bây giờ mới chuyển cho HĐXX. Cơ quan điều tra yêu cầu điều tra những vấn đề gì tại sao không cung cấp cho chúng tôi? Tôi cho rằng đây chỉ là một sự hợp thức hóa về hình thức. Một người dịch, mà một khái niệm phổ thông "Viện kiểm sát" dịch là "Viện kiểm soát" thì những nội dung dịch trong này có tin tưởng được không?

Về hình thức không bảo đảm, về nội dung càng không có giá trị chứng minh vì những nội dung chúng ta quan tâm không được thể hiện trong này. Tôi cho rằng có nhiều cơ sở để khẳng định: mục đích không muốn chứng minh sự thật, mặc dù tập tài liệu không phải là mỏng.

Diễn biến phiên tòa cho thấy rất rõ, sau khi ụ 220 bị đánh đắm, Công ty AP chào ụ 83M. Ở đây, người khảo sát là Sơn, người tiếp nhận bản chào giá cũng là Sơn, thỏa thuận đàm phán giao dịch cũng là Sơn, nhận khoản 1.666 triệu USD, chia khoản tiền này cũng là Sơn… Bị cáo Phúc đang bị "gắp lửa bỏ tay người". Trách nhiệm trước mạng sống của một con người đặt ra vấn đề gì? Tại sao lại không muốn chứng minh sự thực.

Tại phiên tòa, phát sinh những chi tiết trong lời khai của Sơn, của Huyền, Hà… Đó là những người thân trong một gia đình, lời khai của nhân chứng cũng chỉ là lời khai về việc chuẩn bị tiền. Tất cả những điều này đòi hỏi phải có sự thận trọng trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ.

10h44. Luật sư Lê Minh Công (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang) dẫn văn bản của Vinalines khẳng định người ký dưới cùng mới là người phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của văn bản.

10h40. Luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho Trần Hữu Chiều) cho rằng số tiền 1,666 triệu USD (tương đương 28 tỷ) cũng chỉ là hậu quả của việc làm trái.

10h56. Luật sư Triển cung cấp thêm tài liệu mới là bảng lương của Công ty của Trần Hải Sơn. Bảng lương này cho thấy lương của Quỳnh chỉ xuất hiện từ tháng 9-2008.

10h57. Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho nhóm bị cáo hải quan) đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, cần chờ văn bản giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ QH xem ụ nổi có phải là tàu biển hay không ?

Đề nghị không căn cứ vào lời khai nhận tội của các bị cáo để kết tội họ.

Luật sư Nguyễn Chiến xin tranh luận nhưng chủ tọa cho rằng nhóm cán bộ hải quan chỉ một luật sư đại diện trình bày thôi.

11h03. Dương Chí Dũng xin có ý kiến bổ sung. Anh Quỳnh là người làm chứng cho anh Sơn, bị cáo có anh Việt, lúc đó là trợ lý cho bị cáo đón bị cáo và hai anh em đi ăn với nhau nên không thể gặp Sơn được. Bị cáo trông cậy vào tính chính xác, công minh của HĐXX.

Dũng cũng cho rằng nhà Dũng ở Hà Nội, tại sao Sơn không đưa ở HN mà đưa ở SG. Năm tỷ đồng, bị cáo mang ra HN kiểu gì?

11h8. Luật sư Nguyễn Chiến đề nghị có đủ căn cứ để tuyên bị cáo nhóm hải quan không phạm tội cố ý làm trái. Tuy nhiên, để cẩn trọng hơn thì đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, trưng cầu giám định bổ sung.

11h10. Đại diện VKS: Dù VKS có ý kiến bổ sung hay không có ý kiến bổ sung thì HĐXX vẫn phải xem xét toàn diện, khách quan toàn bộ các vấn đề. Tại phiên tòa, luật sư có những nhận định: VKS cố tình bỏ ngoài hồ sơ, VKS không khách quan… Thủ tục tố tụng qua rất nhiều trình tự, đôi khi các quan điểm đưa ra trái ngược nhau, có thể cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm… đó là việc diễn ra không phải ít. Khi đưa ra quan điểm, VKS cũng chỉ nói đó là nhận định của VKS, đề nghị các luật sư không có những nhận định chủ quan như vậy.

Chúng ta ngồi đây để nói về sự kiện đã xảy ra cách đây 5 năm, điều này không phải dễ. Nếu các bị cáo nhận tội mà không có những nguồn chứng cứ khác thì đó cũng không phải là căn cứ để buộc tội các bị cáo.

Gần 7.000 bút lục, không phải cái gì VKS cũng đưa ra ở phiên tòa hôm nay, nên luật sư Triển không nên quy kết tài liệu này, tài liệu khác VKS để ngoài hồ sơ.

THU NGUYỆT-PLO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm