1 đề nghị để CSGT ra tay với xe hết đát

“Nhằm kiểm soát, giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng tại TP Hà Nội và TP.HCM, Bộ TN&MT vừa gửi văn bản thúc đẩy UBND hai TP này xây dựng hệ thống giao thông công cộng, thân thiện với môi trường... Trong đó có việc thu hồi, loại bỏ các xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành”. Thông tin nghe khá có lý này không ngờ lại đang gây bàn tán.
Đầu tiên là cách xác định xe cũ nát, lạc hậu. Là những xe máy, ô tô hết đát (hết niên hạn sử dụng) từ đời nào chứ gì! Hầu như ai cũng hiểu như vậy và mọi người đều dễ dàng nhận ra chúng trên đường qua vẻ ngoài tiều tụy, rệu rã…
Thế nhưng khi phải rà lại quy định của pháp luật để các cơ quan chức năng lẫn chủ nhân của những chiếc xe cổ lỗ sĩ ấy cùng có căn cứ pháp lý thực hiện thống nhất thì phát rối. Chẳng có văn bản nào chỉ rõ thế nào là xe cũ nát, lạc hậu để theo đó có sự đồng nhất chính thức đó là xe hết đát cả. Đáng lưu ý là nếu đối với ô tô còn có quy định về đát thì đối với lượng lớn xe máy dẫu trải qua thời gian rất dài vẫn chưa có quy định về đát.

1 đề nghị để CSGT ra tay với xe hết đát ảnh 1
Xe máy cũ nát trên đường phố TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nói vậy để thấy kiến nghị của Bộ TN&MT về xe cũ nát, lạc hậu tưởng chí lý nhưng đã không được dựa vào các quy định có liên quan mà lẽ ra phải có. Càng đáng trách hơn khi chính bộ này đã có lỗi chậm trễ hướng dẫn khiến các quy định của Chính phủ về việc thu hồi, xử lý xe máy, ô tô bị xếp vào diện phải thải bỏ để bảo vệ môi trường dẫu được đặt ra từ gần chục năm trước nhưng đến giờ vẫn chỉ có giá trị trên giấy. 
Cụ thể, theo Quyết định 50/2013, Thủ tướng Chính phủ ra hạn lệnh: Thời điểm để các cơ quan chức năng thu hồi và xử lý mô tô, xe máy, ô tô các loại bị thải bỏ là 1-1-2018. Sau đó, quyết định mới thay thế (Quyết định 16/2015 của Thủ tướng) cũng tiếp tục quy định việc thu hồi, xử lý xe máy, ô tô các loại thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ được thực hiện từ 1-1-2018. Trong quyết định này, Thủ tướng giao Bộ TN&MT việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định, tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện... 
Tuy nhiên, đến nay Bộ TN&MT đã chưa có văn bản hướng dẫn việc này. Từ chỗ không có văn bản pháp quy chỉ ra cơ quan có thẩm quyền thu hồi, thủ tục thu hồi, loại bỏ… mà nhiều xe ai cũng thấy là quá đát từ rất lâu vẫn nhởn nhơ lưu thông. 
Thiếu sót của Bộ TN&MT ở vai trò chủ trì thì là như thế nhưng xem ra các bộ GTVT, Công an… cũng chưa thật sự chủ động phối hợp để sớm tạo ra kết quả. Đơn cử, Bộ GTVT vẫn chưa đệ trình được quy định về đát của xe máy. Trước sự thể này, từng có nhiều chuyên gia đề xuất cần có quy định về kiểm định kỹ thuật, khí thải đối với xe máy để theo đó đề ra quy định về đát xe máy nhưng vấn đề hiện vẫn chưa ngã ngũ.

Đối với các loại ô tô được quy định về đát, các địa phương cũng không quản lý chặt. Hằng năm Cục Đăng kiểm đều thống kê được số xe hết đát ở mức khủng nhưng gần như chỉ để biết. Bởi lẽ hầu như không có xe bị thu hồi; cái dễ hơn là giấy tờ, biển số của các xe hết đát đó cũng không thu lại được nhiều. 

Với các loại xe hết đát thì không chỉ là mối nguy về môi trường mà còn về an toàn giao thông. Vậy nên lần này để quyết định của Thủ tướng không bị vô hiệu hóa lâu hơn nữa, Bộ TN&MT và các bộ có liên quan cần phải chạy nước rút để ban hành cho bằng được những văn bản điều chỉnh phù hợp. 
Riêng đối với Bộ Công an, có thể tính đến một quy định cho phép CSGT các địa phương được quyền ra quyết định chấm dứt hiệu lực, giá trị của các giấy đăng ký, biển số đối với các ô tô hết đát, tức không thể nhượng bộ hoài đối với rất nhiều trường hợp không chịu giao nộp như lâu nay nữa. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm