14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm?

Tranh luận chủ yếu xung quanh quy định về phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với ba tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến đề nghị thiếu niên vẫn phải chịu TNHS về ba tội danh nêu trên, kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.

Trong khi ý kiến khác đề xuất không xử lý hình sự đối với thiếu niên về ba tội danh trên khi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng; chỉ xử lý hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm? ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đ.Minh

Lo ngại "teen" bị xúi dục phạm tội

Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên là người đồng ý với quan điểm thứ hai. “Trong quá trình thảo luận, có quan điểm cho rằng phải quy định xử hình sự để ngăn chặn bạo lực học đường. Tôi cho rằng điều đó không được. Bạo lực học đường xảy ra là do lỗi của chúng ta, lỗi của người lớn, của nhà trường, của gia đình, của xã hội, không thể bắt con trẻ phải gánh lỗi đó” - ông Tuyên nói.

Trong khi đó, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính lại đề nghị giữ nguyên quy định của BLHS 1999: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Ông Chính không đồng tình với cả hai phương án quy định trong dự thảo và cho rằng tất cả đều không phù hợp. Ông Chính dẫn chứng, với phương án 1 của dự thảo, mong muốn của nhà làm luật là giảm việc chịu TNHS của người chưa thành niên nhưng căn cứ đưa ra chưa đủ, liệt kê “chưa chuẩn”, đặc biệt một số tội về an ninh quốc gia. Ông Chính lo ngại người chưa thành niên sẽ bị các thế lực phản động lợi dụng, xúi giục thực hiện hành vi phạm tội.

Đồng tình, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng Phạm Đức Tuyên cho rằng hiện nay chưa nên thay đổi chính sách xử hình sự đối với người chưa thành niên.  “Hiện nay, tình hình tội phạm lợi dụng trẻ em để phạm tội, trong đó có khủng bố, rất phức tạp. Đề nghị giữ nguyên quy định như BLHS năm 1999” - ông Tuyên nói.

Tổn thương 100% sức khỏe có sống được không?

Một phát hiện đáng chú ý khác, ông Tuyên cho rằng dự thảo có nhiều điều luật quy định về tỉ lệ gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe không đúng. Cụ thể, nhiều điều khoản quy định: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 121% đến 200%”.

“Với quy định này, có thể có trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hai người mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể là 200%, tức là, mỗi người bị tổn thương cơ thể 100%. Con người ta có 100% sức khỏe, mất 100% sức khỏe thì là tử thi, ra nhà xác rồi” - ông Tuyên nêu.

Nghe vậy, ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, cho hay Bộ Y tế đã có văn bản trả lời chính thức, mất 100% sức khỏe có thể sống thực vật, chưa chết.

“Con người ta có 100% sức khỏe, mất 100% sức khỏe mà bảo chưa chết, tôi nghe không ổn chút nào. Nếu chuẩn thì phải đưa thêm từ “dưới”. Tôi đã hỏi giám định pháp lý, nói mất 100% sức khỏe thì là tử thi rồi” - ông Tuyên phản bác. 

Phân loại tội phạm:

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:

1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến ba năm;

2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên ba năm đến bảy năm tù;

3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên bảy năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

(Điều 9 BLHS 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm