3 cựu cán bộ Cục Đường thủy vụ quỹ đen bị đề nghị 23 năm tù

Ngày 19-10, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án nhận tiền từ các nhà thầu để lập quỹ đen xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (CĐTNĐ).

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Phạm Văn Thông (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án CĐTNĐ) 7-8 năm tù, Vũ Mạnh Hùng (nguyên quyền trưởng Phòng Kế hoạch đầu tư CĐTNĐ) 6-7 năm tù và Trần Đức Hải (nguyên phó cục trưởng CĐTNĐ) 7-8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Ngồi giữa từ trái sang: Bị cáo Trần Đức Hải, Vũ Mạnh Hùng tại tòa. Ảnh: VIẾT LONG

Cục phó chỉ đạo nhận tiền

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định giữa năm 2015, CĐTNĐ làm chủ đầu tư, ký kết hợp đồng với 16 nhà thầu thực hiện các công trình đường thủy nội địa. Sau khi ký kết hợp đồng, 16 nhà thầu thi công, hoàn thiện các công việc theo hợp đồng.

Cuối năm 2015 - đầu năm 2016, CĐTNĐ thực hiện thanh toán, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng toàn bộ gói thầu theo quy định. Sau đó, 14 cá nhân đại diện các nhà thầu đến phòng làm việc của Phạm Văn Thông. Tại đây, nhà thầu nói Trần Đức Hải bảo họ đưa tiền cho Thông. Thông điện cho Trần Đức Hải thì nhận được câu trả lời: “Chú cứ cầm đi”.

Theo chỉ đạo của Hải, từ tháng 12-2015 đến hết tháng 1-2016, Thông nhận toàn bộ số tiền gần 4,9 tỉ đồng. Sau đó Thông, Hải và Vũ Mạnh Hùng bàn bạc và trao đổi với nhau để tiêu số tiền này vào mục đích chung...

Trong đó, Thông được giao nhiệm vụ thực hiện các công việc tư vấn, giám sát thi công, làm thủ tục nghiệm thu cho 16 nhà thầu thực hiện. Đồng thời trực tiếp thu tiền từ các nhà thầu và chi tiền trái quy định pháp luật. “Vì vậy, Thông có vai trò tích cực trong vụ việc này” - VKS nhận định.

Đối với bị cáo Hải, đại diện giữ quyền công tố tại tòa cho rằng Hải có hành vi trực tiếp chỉ đạo Thông thu tiền trái quy định của 14 cá nhân đại diện 16 nhà thầu. Đồng thời khi nhận tiền Hải không yêu cầu quản lý, sử dụng theo quy định của Nhà nước mà chỉ đạo Thông và Hùng chi sai quy định, gây thiệt hại 4,9 tỉ đồng. Vì vậy, Hải có vai trò đồng thuận tham gia tích cực vào hành vi trên.

VKS cũng nhận định ông Vũ Mạnh Hùng biết ông Thông thu tiền trái quy định của các nhà thầu. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo CĐTNĐ, Hùng đã bảy lần nhận tiền từ Thông để chi tiêu vào việc chung là trái quy định pháp luật.

“Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và làm mất lòng tin của nhân dân nên cần tách các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian…” - VKS phát biểu.

Làm theo chỉ đạo của lãnh đạo cục

Sau phần luận tội của VKS, ông Thông cho rằng rất bất ngờ với mức án đề nghị trên. “Với vị thế là người làm thuê, cấp dưới, khi thấy nhà thầu đưa tiền bị cáo liền điện cho anh Hải và có chỉ đạo nhận, là lính nên không thể làm khác. Bị cáo cũng nhận thấy việc nhận tiền trên là phức tạp nên báo cáo với ông Giang (Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng) chuyển cho người khác như lời khai tại cơ quan điều tra…” - ông Thông nói và mong HĐXX có cái nhìn công tâm trong sự việc này.

Tiếp đến, bị cáo Hùng cho rằng quy kết của VKS đối với cá nhân ông là thiếu cơ sở vì bị cáo không hề biết khoản tiền đấy nhận từ đâu. Tiền bảy lần nhận từ Thông là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo CĐTNĐ nhằm chi tiêu cho việc chung của cơ quan. “Bị cáo không hề tư lợi cá nhân trong việc này” - bị cáo Hùng nói.

Cũng như các lần khác, bị cáo Hải đứng dậy bác toàn bộ quan điểm của VKS và cho rằng không có bằng chứng chứng minh ông chỉ đạo, bàn bạc cấp dưới nhận và chi số tiền này, bị cáo nói: “Từ bao đời nay bị cáo luôn phấn đấu để làm tốt công việc chung của cơ quan, chưa từng tư túi một đồng”.

Trong khi đó luật sư bào chữa cho ba bị cáo đều cho rằng tại tòa, đại diện CĐTNĐ và các nhà thầu đều khẳng định không có thiệt hại. Nhưng cáo trạng lại quy kết cho ba bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước gần 4,9 tỉ đồng là thiếu căn cứ. Vì vậy, xem xét chuyển từ khung hình phạt ở khoản 3 về khoản 1 của Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Đáp lại, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố với ba bị cáo. Về thiệt hại, VSK cho rằng dù không có bị hại nhưng các tài liệu đều chứng minh các bị cáo gây thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần, mà ở đây là uy tín của Nhà nước.

Đáp lại, các luật sư cho rằng không thể lấy thiệt hại theo kiểu định lượng vô hình để quy kết cho các bị cáo… Đồng thời phải làm rõ sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ GTVT, CĐTNĐ bảo kêu gọi cán bộ để khắc phục hậu quả khoản tiền 4,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, hầu hết cán bộ CĐTNĐ khẳng định không quyên góp. “Vậy tiền gần 4,9 tỉ đồng lấy đâu ra để khắc phục. Trong đó, cục trưởng khai chỉ ủng hộ 5 triệu đồng” - vị luật sư lập luận…

Được nói lời sau cùng, ông Hùng xin lỗi gia đình, lãnh đạo Bộ GTVT, CĐTNĐ vì những thiếu sót của mình. Đồng thời đề nghị HĐXX tuyên án đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

Ông Hải cho rằng trong vụ án này không có tư lợi cá nhân, vì việc chung của cơ quan. “Thời gian bị giam bị cáo suy nghĩ rất nhiều, không hiểu sao cuối đời rồi còn bị như thế này... Bây giờ bị cáo rất hối hận và mong được sớm về với mẹ già và vợ con…” - ông Hải nói.

Còn ông Thông khẳng định chỉ giữ và chi tiền theo chỉ đạo, không tư túi, vì vậy mong HĐXX xem xét…

Hiện HĐXX đang nghị án, chiều nay sẽ tuyên án.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...