3 vấn đề pháp lý trong vụ VN Pharma

TAND Cấp cao tại TP.HCM đang nghị án vụ buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng, tổng giám đốc, cùng đồng phạm thực hiện. có nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án này, đặc biệt việc tòa ra lệnh bắt tạm giam hai bị cáo đầu vụ ngay tại phiên xử.

Bắt tạm giam tại tòa

Theo đó, đầu giờ chiều 23-10, trước khi HĐXX xét hỏi, lực lượng công an bất ngờ xuất hiện và đọc lệnh bắt tạm giam 90 ngày đối với hai bị cáo Hùng và Võ Mạnh Cường. Lệnh bắt tạm giam này do phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM ký.

Trong phần tranh luận bổ sung, luật sư (LS) của bị cáo Hùng đề nghị VKS giải đáp về việc bắt tạm giam này vì là việc chưa có tiền lệ. LS nói: “Thân chủ tôi không ngoan cố. Còn bắt để phục vụ xét xử thì phải bắt trước khi phiên tòa diễn ra, nếu có hành vi nguy hiểm thì sẽ bắt sau khi tòa tuyên án. Tôi băn khoăn về lệnh bắt này. Làm như vậy ảnh hưởng tới tâm lý của thân chủ tôi”.

Đối đáp, đại diện VKS cho rằng theo Điều 243 BLTTHS thì chưa có quy định hạn chế quyền của HĐXX ra lệnh bắt tạm giam bị cáo trong trường hợp nào. Thẩm quyền của chánh án và phó chánh án TAND Cấp cao cũng không bị hạn chế. Ngoài ra, mục 2.2 Nghị quyết số 05 ngày 8-12-2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần xét xử phúc thẩm) thì việc ra lệnh bắt tạm giam của TAND Cấp cao tại TP.HCM là hoàn toàn có căn cứ nhằm phục vụ cho công tác xét xử.

Theo ông Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), trong quá trình phiên tòa đang diễn ra, việc bắt tạm giam hai bị cáo phải dựa trên đề xuất của HĐXX. Bởi trách nhiệm và quyền hạn đề xuất thuộc HĐXX, việc lãnh đạo tòa ký lệnh bắt tạm giam theo đề xuất của HĐXX là đúng. Nếu sau khi tuyên án thì HĐXX có thẩm quyền ra lệnh bắt tạm giam bị cáo ngay tại tòa mà không phải phụ thuộc vào đề xuất. Còn khi phiên tòa đang tiếp diễn tức là HĐXX chưa tuyên án, chưa có quyết định cuối cùng.

Bị cáo Hùng và Cường bị công an còng tay đưa đi sau khi có lệnh bắt tạm giam của tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng tòa đã làm đúng luật. Trong vụ án này HĐXX đã tính đến việc đảm bảo thi hành án ngay sau khi tuyên án để đảm bảo bị cáo không trốn tránh hoặc tạo ra các tình huống khác như bệnh tật, tai nạn.

LS Công phân tích đây là phiên tòa phúc thẩm nên bản án sẽ có hiệu lực ngay sau khi tuyên. Tức là bị cáo sẽ chuyển thành bị án kể từ khi lời tuyên án cuối cùng chấm dứt. Vì thế HĐXX có toàn quyền xác định bị cáo có thể gây khó khăn cho việc thi hành án nên đã ra lệnh bắt tạm giam. Nếu vụ án sau đó bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì đó là các thủ tục thực hiện sau khi có bản án phúc thẩm. Lúc này, việc đúng sai của bản án phúc thẩm là do HĐXX chịu trách nhiệm với pháp luật.

Đồng tình, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) nói: “Theo Điều 243 BLTTHS thì tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM ký lệnh bắt tạm giam là đúng”. Ngoài ra, tiểu mục 2.2 khoản 2 Phần II Nghị quyết 05/2005 nói trên hướng dẫn: Để đảm bảo quyết định bắt và tạm giam được thi hành ngay và đúng pháp luật thì tòa phúc thẩm ra quyết định bắt và tạm giam bị cáo nếu trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử phúc thẩm cũng như qua diễn biến xét xử tại phiên tòa, thấy có đầy đủ điều kiện theo luật định…

Giấy mời chứ không phải triệu tập

Tại phần tranh luận phiên tòa này, đại diện VKS đề nghị HĐXX có biện pháp nhắc nhở ông Trương Quốc Cường (Thứ trưởng Bộ Y tế), ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược) vì tòa đã có văn bản triệu tập nhưng không đến phiên xử. Điều dư luận quan tâm là HĐXX đã gửi giấy mời hay giấy triệu tập với các cá nhân nói trên.

Ngày 25-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM khẳng định tòa gửi giấy mời chứ không phải giấy triệu tập. Các giấy mời này do thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký. Lý do mời là vì ông Cường là người phụ trách việc cấp giấy phép nhập thuốc nên tòa mời đến để giúp HĐXX làm rõ quy trình cấp phép. Tương tự, đối với đại diện của Bộ Ngoại giao là cơ quan có văn bản cho biết Công ty Helix Canada không tồn tại nên tòa mời đến phiên xử để có câu trả lời làm rõ vụ việc. “Việc mời hay triệu tập đối với những cá nhân liên quan đến những vụ án lớn được dư luận quan tâm thì lãnh đạo tòa rất cẩn trọng và tuân thủ đúng pháp luật” - vị này nói.

LS Công cho rằng nếu xác định đây là người liên quan thì HĐXX có thể xem xét tình hình vụ án, sự cần thiết phải có mặt hay không để quyết định xét xử hay hoãn. Về chế tài, BLTTHS không có quy định nào về việc xử phạt hay dẫn giải đối với người liên quan nếu họ không đến tòa theo giấy triệu tập. Trong khi vụ này HĐXX chỉ gửi giấy mời những cá nhân trên thì họ có quyền đến hoặc không đến. Nếu họ không có mặt, HĐXX chỉ có quyền nhắc nhở mà không thể có biện pháp chế tài nào.

Trong khi LS Trạch cho rằng ngoài tư cách công dân thì ông thứ trưởng là người nên tuân thủ pháp luật và tôn trọng HĐXX cao hơn. Vì vậy nếu nhận được giấy mời của tòa thì ông nên có mặt để phối hợp giúp cơ quan tố tụng làm sáng tỏ các vấn đề trong vụ án.

nội dung nào cần được làm rõ?

Một vấn đề khác là nếu HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS hủy án để chuyển hướng điều tra từ tội buôn lậu sang tội buôn bán thuốc giả thì nội dung nào cần được làm rõ? Theo ông Vũ Phi Long, nếu tòa phúc thẩm quyết định hủy án để điều tra, xét xử lại từ đầu thì bản án có thể đưa ra các nhận định về việc cấp sơ thẩm đã bỏ lọt người, lọt tội. Cần lưu ý là tòa phúc thẩm không được quyết định về điều luật liên quan đến tội danh mới phải áp dụng với các bị cáo. Bản án chỉ phân tích, chỉ rõ các vấn đề cần được điều tra bổ sung thế nào, kèm theo nhận định có cơ sở xác định các bị cáo phạm một tội khác…

Nếu tòa triệu tập thì phải có mặt

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25-10, ĐBQH-LS Trương Trọng Nghĩa nói: “Đối với các phiên tòa, người tham gia không phải là nguyên đơn, bị đơn hoặc bị cáo mà là nhân chứng hay những người liên quan thì tòa có thể mời hoặc triệu tập. Nếu tòa triệu tập thì anh phải đến. Nếu không đến là vi phạm pháp luật, trừ khi có lý do chính đáng”.

Nếu người được triệu tập vắng mặt hoặc người được triệu tập nhưng đi không đúng thành phần có khi còn phải hoãn phiên tòa. Trong trường hợp tòa triệu tập đích danh một lãnh đạo nào đó vì vai trò của họ trong vụ việc (cả dân sự, hình sự) thì người đó có thể xin vắng mặt với lý do phù hợp và được HĐXX chấp thuận. Còn nếu vắng mà không có lý do chính đáng hoặc không được HĐXX chấp thuận thì phải có chế tài. “Nếu tòa triệu tập đích danh thứ trưởng Bộ y tế mà thứ trưởng muốn vắng mặt thì phải có văn bản xin phép vắng mặt và được HĐXX chấp thuận” - ông Nghĩa nói.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm