33 hộ dân ở Long Sơn được bồi thường hơn 13,2 tỉ đồng

Trong đó, DN phải bồi thường nhiều nhất là hơn 3,5 tỉ đồng, ít nhất là 103 triệu đồng.
Về phía các hộ dân, người được nhận tiền bồi thường nhiều nhất là hơn 2,1 tỉ đồng, người ít nhất là hơn 50 triệu đồng.
Theo tòa, sau khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu trong vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX nhận định việc người dân nuôi cá lồng bè bị thiệt hại do cá chết hàng loạt vào ngày 6-9-2015 là có thật.
Tại báo cáo của Viện Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM - đơn vị được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mời tham gia lấy mẫu nước, làm các xét nghiệm khoa học thì nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước. Trong đó nguồn thải từ cống số 6 chiếm tỉ lệ 76,64%. Vấn đề ô nhiễm là do quá trình tích tụ từ trước, trong đó có việc xả thải từ các DN chế biến hải sản tại khu vực này.
Tại phiên tòa, các hộ dân yêu cầu 11 DN xả thải phải bồi thường thiệt hại theo mức độ là 76,64%; cụ thể số tiền bồi thường cho các hộ dân tương ứng với tỉ lệ đóng góp ô nhiễm của từng DN.
Tuy nhiên, các DN không đồng ý bồi thường cho các hộ dân. Bởi các DN cho rằng tại báo cáo kết luận đưa ra tỉ lệ và nguyên nhân gây ô nhiễm dẫn tới cá chết việc áp dụng quy định của pháp luật là chưa đúng, cách thức tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm không phù hợp.
Các DN cũng yêu cầu phải giám định lại báo cáo của Viện TN&MT vì cho rằng không khách quan. Ngoài ra, các DN cũng yêu cầu triệu tập người làm chứng về việc mua cá giống, thức ăn của các hộ dân do nghi ngờ các hộ kê khai không trung thực…
Tuy nhiên, theo HĐXX dù các hộ dân đưa ra số liệu chênh lệch nhưng không đáng kể, điều này là do biến động của thị trường, kỹ thuật nuôi của từng hộ. Vì thế việc các DN căn cứ vào sự không thống nhất này để bắt bẻ bà con và cho rằng kê khai không trung thực là thiếu thiện chí.
HĐXX căn cứ vào các biên bản thống kê thiệt hại của người dân, có đại diện địa phương, đoàn kiểm tra thống kê ký xác nhận để tính toán bồi thường.
HĐXX cũng xét thấy Viện TN&MT là đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công, cung cấp và lắp đặt các hệ thống xử lý nước thải, khí thải cho chính các nhà máy bột cá, DN. Đây là một đơn vị làm khoa học công nghệ môi trường có uy tín nên mới được các nhà máy, DN lựa chọn.
Bên cạnh đó, Viện MT&TN là đơn vị được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mời tham gia điều tra, khảo sát, đánh giá nguyên nhân gây cá chết hàng loạt trên sông Chà Và sau khi sự cố xảy ra.
Việc xác định tỉ lệ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại căn cứ kết luận thanh tra, báo cáo kết quả điều tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Viện TN&MT lấy mức tải lượng xả thải cao nhất để tính tỉ lệ % gây ô nhiễm cho từng DN là khách quan, không có thiên vị. Báo cáo này không phải là đối tượng để giám định mà chỉ được thẩm định lại bởi một hội đồng khoa học cấp cao hơn.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật thì thẩm phán không có quyền thẩm định lại một báo cáo khoa học. Do đó không có căn cứ để HĐXX chấp nhận yêu cầu giám định lại báo cáo trên của các DN.
Sau phiên tòa, đại diện một vài DN cho rằng họ sẽ làm đơn kháng cáo vì chưa đồng ý với bản án trên. Trong khi đó, các hộ dân thì vui mừng với phán quyết của tòa và trông đợi các DN thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm