Án giết người dã man: Cần đưa vào nghị quyết quốc hội

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ giết người với thủ đoạn hết sức dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Điển hình là vụ Nguyễn Đức Nghĩa ở Hà Nội, vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang. Đặc biệt, chỉ hơn 40 ngày giữa năm 2015 đã liên tiếp xảy ra ba vụ ở Nghệ An, Bình Phước và Yên Bái, làm chết 14 người trong ba gia đình. Các vụ giết một đến hai người vẫn tiếp tục xảy ra trong những ngày qua.

Án giết người dã man: Cần đưa vào nghị quyết quốc hội ảnh 1 

Hàng ngàn người dân đã tới theo dõi phiên xét xử vụ thảm sát ở Yên Bái sáng 28-10. Ảnh: TUYẾN PHAN

Khám phá nhanh, xử lý nghiêm là việc các cơ quan tư pháp đã làm khá tốt. Nhưng chỉ ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp để ngăn chặn và phòng ngừa tận gốc tội phạm này là việc mà Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi.

Các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là thủ phạm trẻ, nhiều trường hợp chưa thành niên, là những người bình thường, không phải là băng nhóm xã hội đen. Nếu trước đây giết người thường do ẩu đả, thanh toán giang hồ, hận thù cao độ thì nay nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt. Nhiều vụ bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn, trong đó có trẻ em, người già. Thủ phạm sau đó rất thản nhiên, ít ăn năn, run sợ, lương tâm không cắn rứt.

Ngoài nguyên nhân trực tiếp của từng vụ, có những nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ những thiếu sót trong quản lý xã hội ở tầm vĩ mô mà chúng ta không thể coi nhẹ. Chuyện nhiều thanh niên chưa có tiền án, tiền sự mà gây án với phương thức dã man, tàn ác là thể hiện sự không bình thường trong phát triển nhân cách. Chúng ta đã chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh, thiếu niên dưới cả ba góc độ: Giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình.

Về giáo dục xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường làm môi trường sống rất phức tạp và chịu nhiều áp lực. Xã hội có những thay đổi chóng vánh về giá trị sống mà công tác quản lý đã không theo kịp. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống thực dụng, hưởng thụ đã hối thúc nhiều người trẻ bất chấp pháp luật, đạo lý, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Những biểu hiện mất công bằng, lối sống thiếu gương mẫu, trục lợi, tham nhũng, chạy chức quyền của một bộ phận người trưởng thành đã tác động, ảnh hưởng rất tiêu cực đến việc hình thành nhân cách lớp trẻ.

Việc giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong môi trường sống phức tạp chưa được quan tâm đúng mức cũng dẫn đến một bộ phận giới trẻ bế tắc, mất phương hướng. Họ có xu hướng hành động theo bản năng, thiếu kiềm chế, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Có trường hợp quá cuồng vọng về cuộc sống, chưa quen với thất bại nên mang tâm lý đầy hận thù khi mục tiêu không đạt được, dẫn đến hành vi tàn ác (như giết cả nhà người yêu khi bị bỏ)…

Về thông tin - truyền thông, sự bùng nổ của thông tin đã làm thay đổi chóng mặt cuộc sống của giới trẻ, trong đó có mặt không tích cực. Khả năng chọn lọc, sức đề kháng của người trẻ trước thông tin độc hại, game, phim ảnh bạo lực là rất thấp. Hình ảnh bạo lực tác động thường xuyên, lâu dài đã góp phần đánh thức phần bản năng xấu trong thanh thiếu niên khiến các em trơ lì cảm xúc phản ứng với cái ác, hướng các em tới hành vi bạo lực. Nhiều thủ phạm giết người có tiền sử nghiện game bạo lực… Việc báo chí đưa nhiều tin về các vụ con giết cha, vợ giết chồng, chuyện bội bạc, phản trắc... cũng khiến lớp trẻ dần mất niềm tin ở tình người và ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi ứng xử…

Vì vậy, Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung nghị quyết. Từ đó, Quốc hội cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Đây cũng là thông điệp cho người dân biết: Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân. Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các trung tâm tội phạm học của ngành công an, sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp...

(Trích phát biểu tại Quốc hội ngày 28-10)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm