Án lao động: Những sai sót đáng chú ý

Từ năm 2005 đến 2014, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa Lao động TAND Tối cao đã hủy nhiều bản án để hai cấp sơ, phúc thẩm xét xử lại từ đầu. Chỉ tính riêng năm 2014, có tới 107 vụ án lao động bị kháng nghị giám đốc thẩm, trong đó có 35 vụ phải mở phiên họp giám đốc thẩm.

Sai sót trong giải quyết án lao động xảy ra ở tất cả giai đoạn tố tụng: Ở tòa cấp sơ thẩm, việc xử lý đơn khởi kiện bị kéo dài, việc trả lại đơn kiện nhiều khi thiếu căn cứ, việc xác định quan hệ tranh chấp còn chưa chính xác. Cá biệt, một số vụ tòa để quá thời hạn xét xử mà không có căn cứ pháp luật.

Quá trình giải quyết án lao động còn tồn tại tình trạng không xác định đầy đủ các tình tiết liên quan và yêu cầu khởi kiện của người lao động nên việc thu thập, xác minh chứng cứ không đầy đủ, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện. Từ đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng, làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Ở khâu viết bản án, nhiều thẩm phán chưa quan tâm đúng mức đến nội dung. Đặc biệt, phần nhận định trong các bản án còn sơ sài, thiếu thuyết phục; phần quyết định của bản án còn nhiều sai sót như tuyên không đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người lao động, tuyên không rõ, không cụ thể nên không thể thi hành án.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Thuân, khi xây dựng pháp luật về tố tụng lao động cần phải có những quy định chặt chẽ về thu thập chứng cứ để tránh tình trạng chứng cứ có lợi cho người lao động không được cung cấp cho tòa. Ông Thuân cũng cho rằng cần phải áp dụng thủ tục rút gọn và rút ngắn thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm. Hiện nay thời hạn kháng nghị đối với các bản án lao động lên tới ba năm, tốn thời gian và gây thiệt hại cho người lao động vì nếu phải theo đuổi vụ kiện trong thời gian dài thì thiệt thòi của người lao động là rất lớn. Sắp tới, trong pháp luật về tố tụng lao động, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm sẽ giảm xuống chỉ còn sáu tháng hoặc một năm.

Ông Thuân cho biết những thay đổi trong pháp luật về tố tụng lao động sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4-2015.

Lúng túng với đình công

Theo Tòa Lao động TAND Tối cao, từ năm 2008 đến nay, các tòa rất lúng túng khi xem xét điều kiện để công nhận hoặc bác bỏ tính hợp pháp của các cuộc đình công vì chưa có tiền lệ. Chỉ một cuộc đình công được đưa đến tòa để xem xét tính hợp pháp vào năm 2010. Tòa đã thụ lý nhưng sau đó phải đình chỉ, trả lại đơn yêu cầu vì không đủ điều kiện. Khi trả lại đơn yêu cầu, tòa lại nêu lý do không đầy đủ nên đương sự khiếu nại gay gắt.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy năm 2010 xảy ra 416 vụ đình công, năm 2011 885 vụ, năm 2012 506 vụ, năm 2013 355 vụ, sáu tháng đầu năm 2014 là 185 vụ. Tuy vậy, không có vụ đình công nào được đưa đến tòa để xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm