Án lệ phải chỉ ra căn cứ để kết luận

Pháp luật nước ta không bắt buộc tòa cấp dưới phải xử theo quan điểm của tòa cấp trên trong những vụ án có nội dung tương tự mà các nước thường gọi là án lệ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các tòa cấp dưới thường hay tham khảo, vận dụng quan điểm giải quyết các vụ án tương tự của tòa cấp trên, nhất là đối với các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Thật ra không hẳn lúc nào các phán quyết của tòa cấp trên cũng có sức thuyết phục đối với các tòa cấp dưới nhưng vì e ngại bị hủy, sửa án nên nhiều thẩm phán không dám xử khác.

Đối với 35 bản án, quyết định mà TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến để lựa chọn làm án lệ lần này, TAND Tối cao mong muốn các phán quyết này sẽ có sức thuyết phục với thẩm phán các cấp như các tiêu chí lựa chọn án lệ chứ không phải để các tòa cấp dưới phải noi theo do sợ bị hủy, sửa án.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo tiêu chí và mục đích đó thì một số quyết định giám đốc thẩm đã không đáp ứng được. Nhiều quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ kết luận rằng quan điểm xét xử của các tòa cấp dưới là không đúng mà không chỉ ra được căn cứ để đưa ra các kết luận đó. Tính thuyết phục của một bản án không chỉ phụ thuộc vào phần quyết định mà còn phụ thuộc rất lớn vào các căn cứ mà tòa án dựa trên đó để đưa ra phán quyết.

 

Tôi xin nêu một ví dụ. Trong quyết định giám đốc thẩm số 12/2013 về vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Ngoại thương Việt nam và Công ty Kaoli, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao kết luận: “Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án (THA) có đơn yêu cầu THA, người phải THA còn phải trả lãi đối với số tiền chậm THA theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm THA” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.

Vấn đề là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã không lý giải vì sao đưa ra kết luận nói trên. trong khi đối với những vụ án khác mà chủ nợ không phải là các tổ chức tín dụng thì theo hướng dẫn của TAND Tối cao, người mắc nợ chỉ phải trả tiền lãi phát sinh cho đến ngày tòa xét xử sơ thẩm. Sau đó khi nào có bản án có hiệu lực và có đơn yêu cầu THA của người được THA thì người mắc nợ mới phải tiếp tục chịu tiền lãi phát sinh (tức là việc tính lãi bị gián đoạn kể từ ngày xét xử sơ thẩm đến ngày có bản án có hiệu lực và có đơn yêu cầu THA, thời gian này thường kéo dài vài tháng, có khi cả năm hoặc hơn nữa và người được THA phải chịu thiệt thòi).

Nhiều năm qua, TAND Tối cao vẫn chấp nhận quan điểm xét xử có sự phân biệt đối xử như trên nhưng chưa bao giờ có một văn bản hoặc bản án nào giải thích căn cứ của quan điểm xét xử đó. Quyết định giám đốc thẩm nói trên cũng thế, nên theo tôi nó thiếu tính thuyết phục để trở thành một án lệ.

Một quyết định khác gây tranh cãi

Tại hội thảo lấy ý kiến đối với bản án, quyết định đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ do TAND Tối cao vừa tổ chức tại TP.HCM, một quyết định giám đốc thẩm khác cũng thu hút sự quan tâm là quyết định giám đốc thẩm số 39/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Quyết định giám đốc thẩm này có nội dung dự kiến đề xuất công nhận làm án lệ như sau: Bị đơn sinh sống từ nhỏ, là người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất tranh chấp. Các đương sự khác đều có nơi ở ổn định. Khi chia thừa kế và tài sản chung, hai cấp tòa không xem xét cho chị có chỗ ở mà buộc chị phải giao lại nhà, trong đó có phần quyền tài sản của chị được thừa kế là chưa phù hợp. Chị không yêu cầu xem xét công sức vì cho rằng vụ án đã hết thời hiệu chia thừa kế, chị cũng không đồng ý trả nhà đất cho các thừa kế. Như vậy yêu cầu của chị đề nghị xác định quyền lợi là lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức nhưng hai cấp tòa chưa xem xét công sức cho chị là giải quyết yêu cầu chưa triệt để...

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét quyết định giám đốc thẩm này chưa chỉ ra các căn cứ giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp là thời hiệu khởi kiện thừa kế, tính pháp lý của các thỏa thuận của các đồng thừa kế đối với di sản đã hết thời hiệu khởi kiện...

Thẩm phán Quách Hữu Thái (Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM) thì cho rằng việc xem xét, tạo điều kiện về chỗ ở cho người đang quản lý di sản khi chia thừa kế là phù hợp thực tế nhưng sẽ trái quy định tại khoản 2 Điều 685 BLDS 2005 và BLDS 2015. Điều luật này quy định việc giao cho một đồng thừa kế sở hữu di sản và hoàn giá trị khi các bên thống nhất được phương án này, còn không thống nhất được thì bán để chia…

P.LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm