Án ma túy, nhập nhằng tội - không tội

Bắt quả tang heroin trong túi quần

Vụ án của Duy gây chú ý vì hồ sơ liên tục bị tòa, VKS trả cho CQĐT để điều tra bổ sung.

Tối 26-10-2014, tổ tuần tra của Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh Công an TP.HCM đi tuần tra địa bàn, đến giao lộ Điện Biên Phủ - Phan Liêm (phường Đa Kao, quận 1) thì thấy Duy đang chạy xe máy có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu kiểm tra. Tổ tuần tra phát hiện, thu giữ trong túi quần của Duy có một ống nhựa màu đỏ hàn kín hai đầu, bên trong có chứa chất bột màu trắng nghi là heroin nên bắt giữ Duy cùng tang vật đưa về Công an phường Đa Kao.

Theo kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM, chất bột màu trắng trong đoạn ống nhựa trên là chế phẩm heroin có trọng lượng 0,1212 g. Quá trình điều tra, Duy khai do nghiện ma túy nên đến đường Bùi Viện (quận 1) mua một tép heroin với giá 140.000 đồng của một phụ nữ không rõ lai lịch để về sử dụng. Lúc trên đường về thì bị công an phát hiện, bắt giữ.

Nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu giám định

Sau đó Duy bị khởi tố, truy tố về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 194 BLHS.

Tháng 3-2015, TAND quận 1 trả hồ sơ yêu cầu xác định hàm lượng heroin theo Thông tư liên tịch 17/2007 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Tư pháp (hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS).

Tháng 5-2015, CQĐT công an quận trả lời là không giám định bổ sung. Theo CQĐT, ma túy trong vụ án này là thể rắn, không thuộc trường hợp phải giám định hàm lượng theo Thông tư liên tịch 17/2007.

VKSND quận 1 không đồng tình, tiếp tục ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu CQĐT phải giám định hàm lượng heroin. Theo VKS, Thông tư liên tịch 17/2007 quy định: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất...”.

Tuy nhiên, CQĐT vẫn bảo lưu quan điểm. VKS quận tiếp tục ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu giám định hàm lượng heroin. Đến lần này, CQĐT mới ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung. Theo kết luận giám định bổ sung, thành phần heroin có hàm lượng 31,30%, tức trong 0,1212 g chế phẩm heroin thu giữ chỉ có 0,0379 g heroin.

Không sử dụng vì... thông tư mới?

Theo Mục 3.6 Thông tư liên tịch 17/2007, người có hành vi tàng trữ trái phép heroin có trọng lượng dưới 0,1 g thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS để không xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính (những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác).

Tuy nhiên, đầu tháng 1-2016, VKS quận có văn bản chuyển hồ sơ điều tra bổ sung sang tòa, vẫn sử dụng kết luận giám định ban đầu và giữ nguyên quan điểm truy tố.

Theo VKS, Thông tư liên tịch 08/2015 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Tư pháp (sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch 17/2007, có hiệu lực từ ngày 30-12-2015) chỉ bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp: Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Trường hợp của bị cáo Duy, theo VKS, phải áp dụng Thông tư 08/2015, tức bị cáo phải bị truy tố.

Tại phiên xử sơ thẩm tháng 2-2016 của TAND quận 1, luật sư bào chữa cho Duy lập luận: Theo kết luận giám định bổ sung thì không đủ trọng lượng heroin để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Duy về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Việc VKS áp dụng Thông tư liên tịch 08/2015 là không chính xác bởi thông tư này chỉ có hiệu lực hồi tố trong trường hợp có lợi cho bị cáo. Cụ thể, ngay khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 08/2015 có quy định chuyển tiếp: “Đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, nếu các hướng dẫn trong thông tư liên tịch này làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với các hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 17 thì được áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”.

Tuy nhiên, TAND quận 1 vẫn nhận định chất ma túy thu giữ của bị cáo không thuộc trường hợp cần phải xác định hàm lượng để tính trọng lượng chất ma túy, không thuộc trường hợp áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS. Từ đó, tòa bác lập luận của luật sư, phạt Duy hai năm tù và phạt bổ sung 5 triệu đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.

Còn tranh cãi

Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng thời điểm Duy phạm tội là trước thời điểm Thông tư liên tịch 08/2015 có hiệu lực nên chỉ quy định nào của thông tư này làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với Thông tư liên tịch 17/2007 mới được áp dụng. Quy định khác nếu làm nặng trách nhiệm hình sự so với quy định cũ sẽ không được áp dụng. Đây là nguyên tắc chung trong việc áp dụng pháp luật hình sự từ trước tới nay. Theo luật sư Công, trong trường hợp này đúng ra phải áp dụng Thông tư liên tịch 17/2007.

Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Thông tư liên tịch 08/2015 không đề cập đến trường hợp áp dụng hướng dẫn trong thông tư dẫn đến việc gây bất lợi cho bị cáo có hành vi phạm tội trước thời điểm thông tư có hiệu lực. Tuy nhiên, theo Công văn số 315 ngày 11-12-2015 của TAND Tối cao (hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch 08/2015), không được áp dụng Thông tư liên tịch 08/2015 khi điều tra, truy tố, xét xử đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày thông tư này có hiệu lực nếu làm tăng nặng trách nhiệm hình sự của người đó. Vấn đề là ở đây chỉ là hướng dẫn nội bộ trong ngành tòa án chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm