Áp dụng BLHS 2015: Cho hưởng, không cho ăn!

Trong thời gian qua, TAND Tối cao chưa kịp hướng dẫn thì một số tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Nghị quyết số 109/2015/QH13 và Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc hội để xét xử các vụ án hình sự đối với các trường hợp có lợi cho bị cáo được quy định tại BLHS 2015. Đồng thời, trong phần quyết định của bản án, tòa đã áp dụng điều khoản của BLHS 2015. Tuy nhiên, khi vụ án bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng tòa án cấp sơ thẩm áp dụng BLHS 2015 đối với bị cáo là vi phạm vì BLHS 2015 chưa được thi hành.

Vậy luật cũ không có, luật mới không cho áp dụng thì phần quyết định của bản án viết thế nào?

Theo Công văn 276/TANDTC-PC (ngày 13-9-2016) của TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015, gọi tắt là Công văn 276) thì quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 bao gồm: Các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự... Những quy định nêu trên được tập hợp trong danh mục ban hành kèm theo công văn này gồm 195 nội dung có lợi cho người phạm tội.

Tuy nhiên, Công văn 276 lại không hướng dẫn tòa án các cấp viết bản án như thế nào, nhất là trong phần quyết định. Nếu quy định có lợi đó BLHS năm 1999 chưa được quy định hoặc có quy định nhưng không trùng với điều khoản của BLHS 2015 thì khi viết bản án, HĐXX có được viết điều khoản của BLHS 2015 không?

Tương tự vậy còn có 194 nội dung khác được quy định trong BLHS năm 2015 có lợi cho người phạm tội thì tòa án áp dụng điều luật của bộ luật nào để viết vào phần quyết định của bản án?

ý kiến cho rằng vì BLHS 2015 chưa có hiệu lực thi hành nên chỉ áp dụng “tinh thần” của BLHS năm 2015 để giải quyết vụ án, còn phần quyết định của bản án vẫn phải áp dụng điều kiện của BLHS năm 1999. Ý kiến này chỉ phù hợp với những trường hợp BLHS năm 2015 quy định có lợi cho bị cáo nhưng không có điều khoản mới thì mới áp dụng “tinh thần” được.

Ví dụ: Điều 47 BLHS 1999 quy định “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của bộ luật này, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.

Thì nay, khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”. Tuy nhiên, nếu áp dụng “tinh thần” của khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 thì trong phần quyết định của bản án mà ghi áp dụng Điều 47 BLHS 1999 thì cũng không ổn. Vì vậy, trường hợp này bắt buộc phải áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 chứ không thể làm khác được.

Nghị quyết 144 của Quốc hội cho phép thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109 về việc thi hành BLHS; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109. Do đó, về thực chất có thể hiểu hiện nay ở nước ta đang có hai BLHS song song tồn tại. Nếu không cho áp dụng BLHS 2015, cụ thể là ghi áp dụng điều khoản của BLHS 2015 trong phần quyết định của bản án, thì thực tiễn xét xử sẽ còn nhiều vấn đề không lý giải nổi.

Thiết nghĩ trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 thì các cơ quan tố tụng ở trung ương cần có hướng dẫn để tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, làm cho việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm