Bất ngờ vụ cụ bà 107 tuổi ở Bạc Liêu

Ngày 2-4, phóng viên (PV) báo Pháp Luật TP.HCM đến tận nhà bà cụ Nguyễn Thị Tài mong tìm hiểu rõ hơn về thực hư lá đơn kêu cứu của cụ bà 107 tuổi này..

Quay phim ngược lại phóng viên

Đến chợ Hộ Phòng (phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) hỏi nhà bà cụ Nguyễn Thị Tài, hầu như ai cũng biết. Hóa ra nhà cụ từ hơn năm qua xảy ra những chuyện lạ đời.

Cụ Tài (sinh năm 1912) đang ngồi trên một chiếc giường ở phòng khách. Trước nhà có vợ chồng con gái út của cụ là bà Hàng Thị Hồng - bị đơn trong vụ án chia tài sản mà cụ Tài cùng 13 người con, cháu của cụ là nguyên đơn.

Ngay khi tôi giới thiệu là PV, vợ chồng này lập tức cầm hai điện thoại và quay phim chúng tôi. Vợ chồng bà Hồng không đồng ý phát biểu bất cứ điều gì về vụ án mà vợ chồng bà là bị đơn. Bà Hồng bảo cứ xem trên bản án.

Bà Hồng miễn cưỡng cho tôi bước vào gần bà cụ Tài nhưng hai máy điện thoại của vợ chồng bà Hồng vẫn tiếp tục quay từng cử chỉ của tôi. Bà không cho tôi được chụp ảnh ở đây, kể cả chụp cụ Tài.

Xung quanh cụ Tài, trên vách tường có rất nhiều tờ giấy A4 in chữ “cấm quay phim, chụp ảnh” dán chi chít. Cụ Tài trả lời tôi rõ từng câu: “Sáng ngoại ăn cơm rồi, được hơn chén”, “Lần nào ăn cũng hơn chén cơm”, “Ngoại muốn ở với con Lan thôi”.

Chưa được hỏi thêm nhiều thì tôi bị bà Hồng mời ra khỏi nhà, trước sự chứng kiến của người con thứ bảy và hai cháu ngoại của cụ Tài. Tôi ghi số điện thoại của mình gửi lại cho bà Hồng, hy vọng được bà gọi lại để có một ý kiến nào đó, vì tôi luôn hình dung trong vợ chồng bà có những điều gì đó chưa tiện nói.

Tuy nhiên, bà Hồng không gọi lại. Một cán bộ địa phương nói với chúng tôi: “Bà ấy cứ vậy, ai vào thăm hỏi liên quan cụ Tài là bà quay phim hết. Tôi biết không có ẩn khuất gì đâu. Tính vợ chồng bà là vậy.”.

Ngày 2-4, cụ nguyễn thị Tài trả lời phóng viên là chỉ muốn ở với bà Lan. Ảnh: TRẦN VŨ

“Chuyện nhà chúng tôi, chúng tôi cũng không hiểu nổi”

Anh Trần Thanh Tâm, sinh năm 1976, cháu ngoại cụ Tài, là đại diện cho phía nguyên đơn gồm 14 người, trong đó có cụ Tài, kể: “Bà Hồng là dì út ruột của tôi. Tôi cũng không hiểu nổi dì đang muốn gì, nghĩ gì. Căn nhà của ngoại đâu có giá trị gì cao kể từ khi chợ Hộ Phòng dời về bên kia đường. Nó chỉ có giá trị là nhà từ đường, cái nôi của cả nhà, do ông bà ngoại tạo lập ra. Đích thân tôi từng đảm bảo cho dì một cái nền và vận động dòng họ cất cho dì một cái nhà đàng hoàng mà dì vẫn không chịu. Cái này tôi có nói rõ khi tòa hòa giải cơ sở”.

Theo lời kể của nhiều người trong gia đình này, kèm cả chứng cứ là các biên bản họp gia đình, cụ Tài không bao giờ chịu rời khỏi căn nhà mà cụ và chồng tạo lập từ năm 1960. Cụ nhất quyết chỉ ở với con gái thứ chín tên Hàng Thị Lan.

Hàng Thị Lan là người con gái mà cả dòng họ đánh giá là có hiếu với cụ Tài nhất. Từ hơn 30 năm trước, mọi người có vợ chồng, ra riêng, chỉ bà Lan là ở lại chăm sóc cha mẹ già. Bà Hồng cũng có chồng, về Cà Mau, khi có thai đứa đầu tiên thì về tá túc với mẹ để sinh nở rồi ở luôn đến nay.

Anh Tâm rưng rưng kể về bà Lan: “Cả dòng họ ai chẳng thấy, mấy mươi năm qua dì Lan không có một giấc ngủ nào yên. Sáng đi làm kiếm tiền, tối về ngủ với ngoại. Mỗi đêm ngoại đi vệ sinh cả chục lần, một tay dì Lan hết. Dì Lan cũng có công nuôi dưỡng bốn người con của dì Hồng ăn học nên người. Bây giờ dì Hồng có ba người con đại học, có việc làm, có người làm bác sĩ ở Sài Gòn. Một người khác cũng cao đẳng, có việc làm rồi. Còn con dì Lan đâu có được vậy. Cái cửa hàng mà tòa tỉnh xác minh nói dì Lan có nhà và cơ sở khác hiện dì cũng sắp bán đi để trả nợ rồi”.

Khi làm đại diện nguyên đơn, anh Tâm lục ra từ cái hộc tủ của bà Lan số chứng từ gửi tiền cho các con của bà Hồng ăn học lên đến hơn 200 triệu đồng. Nhưng bà Lan không đồng ý cho anh Tâm đem ra tòa đòi phải trả, vì “đã nuôi con cháu thì không tính”.

Phải giải quyết sớm kẻo có hậu quả lớn

Trao đổi với chúng tôi chiều 2-4, ông Nguyễn Hiền Lương, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bạc Liêu, kể: “Khi nhận được đơn kêu cứu của cụ Tài, tôi đến nhà để xác định sự thật. Khi đó tôi cũng bị bà Hồng quay phim suốt, dù mình nói là chỉ đến thăm, tặng quà với tư cách đại diện hội người cao tuổi. Lúc đó, tức sau khi bản án có hiệu lực, cuối 2018, tôi cảm nhận cụ Tài vẫn minh mẫn bình thường. Đơn của cụ thì được con cháu viết giùm nhưng cụ xác nhận từng nội dung với tôi. đơn có điểm chỉ và được phường xác nhận”.

Ông Lương cho hay: “Tôi cũng đã có báo cáo với Tỉnh ủy Bạc Liêu về những khả năng xảy ra hậu quả xấu.”.

được biết, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu có hiệu lực ngày 12-10-2018. Bà Lan được lưu cư sáu tháng phải ra đi, tức đến ngày 12-4-2019 bà phải ra đi khỏi căn nhà này.

Chiều 2-4-2019, theo thông tin từ VKSND tỉnh Bạc Liêu thì đến nay viện này chưa nhận được thông báo đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM hay của chánh án tòa án cùng cấp này. Trước đó, từ ngày 15-11-2018, viện này đã gửi báo cáo đề nghị kháng nghị bản án trên theo hướng hủy án phúc thẩm, y án sơ thẩm.

Sơ thẩm và phúc thẩm ngược nhau

Yêu cầu khởi kiện của cụ Tài và 13 đồng nguyên đơn là chia phần đất gia đình làm ba phần cho cụ Tài, bà Lan và bà Hồng (mỗi người 1/3), đồng thời giao căn nhà cho bà Lan ở để thờ phụng và chăm sóc cụ Tài, bà Lan sẽ trả bằng tiền phần di sản 1/3 cho bà Hồng.

TAND thị xã Giá Rai xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tức bà Lan được sở hữu căn nhà này cùng quyền sử dụng đất sau khi trả cho bà Hồng 1/3 di sản (trị giá 91,5 triệu đồng). Nguyện vọng của cụ Tài cũng được thỏa mãn, tức cụ được cho bà Lan số tài sản của mình và được ở chung để bà Lan chăm sóc tại căn nhà này.

ngày 12-10-2018, TAND tỉnh Bạc Liêu xử phúc thẩm đã tuyên xử bà Hồng được sở hữu và ở lại căn nhà này, bà Lan phải ra đi sau khi nhận phần di sản bằng tiền (1/3 giá trị di sản). Bà Hồng được tuyên có quyền xác lập chủ quyền nhà, đất chung với cụ Tài.

Bà cụ đã lập di chúc

Hồ sơ thể hiện từ tháng 2-2017, TAND thị xã Giá Rai, Bạc Liêu đã tiến hành giải quyết vụ án. Ngoài việc giám định không bị tâm thần, khi thẩm phán lấy lời khai cụ Tài luôn có chứng kiến của chủ tịch UBND phường Hộ Phòng. Các bút lục này cho thấy ý chí của cụ Tài là cho phần tài sản của mình cho bà Lan và muốn ở với bà Lan để bà Lan chăm sóc mình đến cuối đời.

Trước đó, ngày 26-4-2003, cụ Tài đã làm di chúc cho bà Lan thừa hưởng di sản, có tất cả con ký xác nhận (trừ bà Hồng) và được chủ tịch phường chứng thực chữ ký.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm