Bị cấm xuất cảnh sai, một Việt kiều than trời

Gửi đơn tới Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Ngọc Long (Việt kiều Mỹ) phản ánh cận Tết năm ngoái (ngày 12-2-2018 dương lịch), hai cha con ông ra sân bay Tân Sơn Nhất để qua Mỹ ăn Tết với mẹ. tại đây ông bị lập biên bản không được bay vì đã có yêu cầu cấm xuất cảnh của TAND huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Cấm xuất cảnh và thay đổi người đại diện

tháng 1-2018, Công ty TNHH XD-TM Duy Thân (do ông Huỳnh Duy Thân đại diện theo pháp luật) khởi kiện Công ty Cổ phần Du lịch San Hô Xanh Côn Đảo (do ông Hồ Ngọc Long đại diện theo pháp luật). Nguyên đơn yêu cầu TAND huyện Côn Đảo tuyên bị đơn thanh toán số tiền hơn 10 tỉ đồng trong một hợp đồng xây dựng giữa hai bên. Sau đó Công ty Duy Thân lại bổ sung đơn khởi kiện buộc ông Long phải trả nợ số tiền vay 300 triệu đồng…

Ngày 7-2-2018, TAND huyện Côn Đảo đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông Long để bảo vệ tài sản cho nguyên đơn và đảm bảo cho việc giải quyết vụ án. Ngoài ra, tòa này còn cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp là khu du lịch San Hô Xanh.

Sau đó Công ty San Hô Xanh có đơn xin thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng bị Sở KH&ĐT tỉnh từ chối. Lý do là TAND huyện Côn Đảo có văn bản đề nghị tạm ngưng việc thay đổi người đại diện theo pháp luật và các thay đổi khác có liên quan đến công ty này cho đến khi có bản án hoặc quyết định giải quyết vụ này có hiệu lực.

Cho rằng TAND huyện can thiệp đến chuyện nội bộ của công ty trái luật nên Công ty San Hô Xanh đã khiếu nại.

Ông Hồ Ngọc Long muốn được đi Mỹ để chăm sóc người mẹ đang bệnh. Ảnh: NGÂN NGA

Tòa tỉnh yêu cầu hủy công văn

Tháng 8-2018, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã buộc tòa huyện phải hủy bỏ công văn đã gửi cho Sở KH&ĐT tỉnh. Bởi việc thay đổi người đại diện theo pháp luật và các thay đổi khác có liên quan đến doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền của tòa án.

Ngày 4-10-2018, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới của Sở KH&ĐT thì ông Long không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty San Hô Xanh. Từ đó ông Long đã đề nghị TAND huyện hủy quyết định cấm xuất cảnh. Thế nhưng tòa vẫn từ chối vì: “Đầu tháng 10-2018, tòa đã tách vụ án 300 triệu đồng ra thành một vụ án dân sự mới. Lúc này ông Thân (giám đốc Công ty Duy Thân) là nguyên đơn, còn ông Long là bị đơn”.

Do người mẹ đang phải nhập viện bên Mỹ nên đầu tháng 11-2018, ông Long đã ủy quyền cho một luật sư để tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp 300 triệu đồng. Cạnh đó ông còn xin tòa cho nộp một khoản đảm bảo để trường hợp xấu nhất nếu tòa buộc ông phải trả cho ông Thân 300 triệu đồng thì vẫn có tiền để thi hành án.

Tuy nhiên, TAND huyện cũng chỉ có văn bản hồi đáp: “Hoan nghênh sự tự nguyện của ông Long. Nếu ông có thể đến một ngân hàng trên địa bàn huyện Côn Đảo nộp số tiền tương ứng với nghĩa vụ có thể ông phải chịu, sau đó gửi giấy nộp tiền và số tài khoản lưu giữ số tiền đó để tòa án làm thủ tục phong tỏa”. Tòa huyện không đồng ý hủy lệnh cấm xuất cảnh vì ngoài việc ông Long là bị đơn trong vụ án dân sự thì theo yêu cầu của Công ty Duy Thân, tòa án đã ra quyết định đưa ông tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng quan trọng trong vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng hơn 10 tỉ đồng ban đầu.

Để làm rõ thông tin, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Chánh án TAND huyện Côn Đảo Nguyễn Đăng Khoa (cũng là thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án) nhưng ông khoa không đồng ý trao đổi qua điện thoại. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sau khi trao đổi với lãnh đạo tòa này.

Cấm xuất cảnh là sai!

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), khoản 13 Điều 114 BLTTDS 2015 quy định các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, kể từ ngày 4-10-2018, ông Long đã không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty San Hô Xanh nên tòa phải hủy bỏ quyết định cấm xuất cảnh đối với ông Long. Việc tòa lấy lý do ông Long vẫn còn là người làm chứng để không hủy bỏ quyết định ngăn chặn là trái luật. Bởi người làm chứng không phải là người có nghĩa vụ trong vụ án, không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh.

Một lãnh đạo tòa chuyên trách của TAND TP.HCM (xin không nêu tên) khẳng định TAND huyện Côn Đảo đưa ra lý do cấm xuất cảnh là bảo vệ tài sản cho nguyên đơn và đảm bảo cho việc giải quyết vụ án là sai. Thứ nhất, muốn bảo vệ tài sản của nguyên đơn thì phải có những biện pháp như phong tỏa tài sản, kê biên tài sản… chứ không phải là giữ người. Thứ hai, chỉ khi nào Công ty San Hô Xanh ngưng hoạt động, không rõ địa chỉ liên lạc với ông Long (là người đại diện theo pháp luật) và ông này không ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì tòa mới ra quyết định cấm xuất cảnh. Nhưng thực tế rất hiếm khi tòa án cấm xuất cảnh, vì theo Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tòa vẫn niêm yết, tống đạt văn bản cho bị đơn theo địa chỉ mà nguyên đơn đã cung cấp hoặc theo địa chỉ trong hợp đồng đã ký. Nếu không liên lạc được với bị đơn thì tòa án đăng trên các phương tiện truyền thông và có quyền xử vắng mặt nếu họ không tới tòa.

Vị thẩm phán nhấn mạnh thời điểm hiện nay ông Long không còn đại diện theo pháp luật thì không còn căn cứ để cấm xuất cảnh. Riêng đối với vụ tranh chấp 300 triệu đồng, ông Long chưa từng bị cấm xuất cảnh và ông cũng đã ủy quyền cho luật sư nên càng không có lý do gì để tòa tiếp tục duy trì cấm xuất cảnh đối với ông Long.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm