Bị cáo bức xúc khi VKS giải thích về 'nhân chứng giả'

Ngày 6-7, kết thúc phần xét hỏi, phiên phúc thẩm lần thứ 5 của TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử bị cáo Đào Xuân Phương (37 tuổi, trú tại TP Thái Nguyên) về tội cố ý gây thương tích bước sang phần tranh tụng.

Sau khi đại diện VKS nêu quan điểm buộc tội, LS bào chữa cho bị cáo Phương đã có bài bào chữa dài... hai tiếng đồng hồ, nêu hàng loạt căn cứ cho thấy thân chủ của mình vô tội. Tiếp đó, giữa bị cáo, LS và đại diện VKS đã có màn đối đáp kịch tính về những điểm mâu thuẫn của vụ án.

Bị cáo Phương tranh tụng với đại diện VKS về tình tiết "nhân chứng giả". Ảnh: TUYẾN PHAN

Tạo dựng “nhân chứng giả”?

Một trong những vấn đề then chốt là người phụ nữ tên Lê Thị Kim Hoa. Bị cáo Phương cũng như LS của mình cho rằng người này là một “nhân chứng giả”, được dựng lên để buộc tội bị cáo, do vậy đề nghị HĐXX làm rõ.

Trước đó, bản án phúc thẩm lần thứ 4 của TAND tỉnh Thái Nguyên cũng từng đề cập tới người phụ nữ nói trên. Cụ thể, sau khi xét xử phúc thẩm lần thứ 3 thì xuất hiện một tình tiết rất quan trọng mới được lưu trong hồ sơ đó là bản báo cáo sự việc của người bị tạm giam tên Lê Thị Phương Hoa về việc được Phương kể chuyện đánh người bị hại như thế nào.

Sau khi bà Hoa có bản tường trình gửi CQĐT Công an TP Thái Nguyên tố cáo hành vi của Phương thì công an mới lấy lời khai của người này, tuy nhiên lại không cho đối chất với bị cáo, không thực nghiệm điều tra vi phạm.

Bị cáo Phương cho rằng bản thân không hề quen biết và kể chuyện cho bà Hoa nghe, khi đối chất tại tòa thì người này nói rằng bị cán bộ quản giáo định hướng, tại tòa hôm nay cũng không có mặt,… Những  điều đó cho thấy đây là một “nhân chứng giả” để buộc tội bị cáo.

Đối đáp lại, đại diện VKS cho hay không hề đưa bà Hoa ra làm nhân chứng mà đây chỉ là tài liệu lưu trong hồ sơ dùng để tham khảo, cơ quan tố tụng cũng đã trích xuất bà này từ trong trại giam ra tòa để đối chất, do vậy không thể nói đây là “nhân chứng giả”.

Nghe vậy, bị cáo tỏ ra rất bức xúc. Phương nói rằng rõ ràng CQĐT và VKS đã dùng lời khai của bà Hoa để làm căn cứ buộc tội bị cáo, nhưng đến khi người này nói được cán bộ công an định hướng thì lại chuyển thành tài liệu tham khảo.

“Không phải là nhân chứng thì trích xuất ra đây (tòa án – PV) để làm gì?” – Phương đặt câu hỏi với đại diện VKS. 

Đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên trong phần tranh tụng. ẢNh: TUYẾN PHAN

Đề nghị khởi tố bị hại

Đáng chú ý, Phương đề nghị cơ quan tố tụng xem xét việc khởi tố bị hại trong vụ án là Nguyễn Công Lương về tội gây rối trật tự công cộng và hành vi cố ý giết người.

Cụ thể, thời điểm xảy ra vụ việc, Lương và Đỗ Ngọc Tuấn cùng tham gia đánh nhau, thậm chí sau đó Lương còn cầm hai con dao đuổi theo Tuấn 400m với mục đích chém người. Thế nhưng, chỉ Tuấn bị xử phạt 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, còn Lương không bị xử lý gì.

Về điều này, đại diện VKS cho rằng hành vi cầm dao đuổi theo của Lương chưa gây ra hậu quả gì nên không thể truy tố; đối với việc gây rối, bản thân Lương bị thương tích, cơ quan tố tụng  đã khởi tố Tuấn,…

Đối với một loạt căn cứ của Phương và LS đưa ra như: vị trí chiếc xe máy tại hiện trường, thanh niên mặc quần sóc áo phông đen theo lời khai của các nhân chứng là ai, khoảng cách giữa bị hại và bị cáo là không phụ hợp với hiện trường…, đại diện VKS khẳng định hồ sơ tài liệu của vụ án và các bản án sơ thẩm đều có căn cứ.

Một bút lục khá quan trọng mà LS Thắng công bố trước tòa liên quan đến lời khai của mẹ bị hại về việc kiểm sát viên “mớm cung” kích thước của viên gạch vỡ. Đại diện VKS đối đáp rằng kiểm sát viên nói trên đã có bản giải trình chỉ là gợi ý cho bị hại kích thước viên gạch là khoảng bao nhiêu chứ không phải “mớm cung”, điều này đã được khắc phục sau khi tòa phúc thẩm trả hồ sơ. Nghe vậy, LS phản bác: khắc phục thì phải loại bỏ, tại sao lại đưa tiếp vào hồ sơ?

Về chi tiết hung khí của vụ án liên tục thay đổi giữa “đá” và “gạch” mà LS nêu ra, vị kiểm sát viên cho rằng đây là vụ án truy xét, xảy ra trong đêm, vật chứng lại không thu giữ được nên cơ quan tố tụng dựa trên cơ sở tài liệu thu thập, có người nói “gạch”, cũng có người nói “đá”, sau này thống nhất là “gạch”.

Liên quan đến vấn đề VKSND tối cao từng khẳng định ““chưa đủ căn cứ vững chắc để buộc tội đối với Đào Xuân Phương về tội cố ý gây thương tích”, tuy nhiên VKSND TP Thái Nguyên vẫn tiếp tục truy tố bị cáo với tội danh này. Đại diện VKS tỉnh Thái Nguyên nói đây chỉ ý kiến để tham khảo, quyết định vẫn là của tòa, hơn thế, VKSND tối cao khẳng định “cơ sở chưa chắc” chứ không phải “không có cơ sở”.

Tới lượt mình, dù chủ tọa hỏi đi hỏi lại nhiều lần, bị hại đều nói không có đối đáp hay ý kiến gì.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Đào Xuân Phương tiếp tục khẳng định mình vô tội, bản thân đã ròng rã kêu oan suốt 11 năm nay, chỉ mong HĐXX xem xét các bút lục cũng như lời khai từ nhân chứng để chứng minh bị cáo không có tội,…

Tòa quyết định nghị án kéo dài, sáng 9-7 sẽ tuyên án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm