Bị cáo Đinh La Thăng nói về 725 tỉ đồng thất thoát

Chiều 17-12, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi vụ sai phạm tại cao tốc Trung Lương - TP.HCM.

Theo cáo buộc, với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT, người đứng đầu được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí cao tốc.

Ông Thăng nắm rõ quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, về chuyển giao quyền thu phí; nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn...

Tuy nhiên, ông Thăng cùng cấp dưới giao quyền thu phí cao tốc trên trái pháp luật, dẫn đến sai phạm gây thiệt hại hơn 725 tỉ đồng để Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) chiếm đoạt.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") Ảnh: HOÀNG GIANG

Tuy nhiên các luật sư có ý kiến rằng thực chất hợp đồng mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương không phải là hợp đồng đấu giá, mà là hợp đồng đấu thầu. Vì thế, người chịu trách nhiệm cao nhất trong hợp đồng là Bộ trưởng Bộ GTVT thời kỳ đó. 

Trả lời, ông Thăng (bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí) cho là sau khi ký quyết định thành lập hội đồng định giá quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương và giao thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm chủ tịch.

Bị cáo không nhận bất cứ ý kiến nào báo cáo về vướng mắc trong quá trình tổ chức đấu giá. Từ đó đến khi chuyển sang vị trí công tác khác, bị cáo không nhận phản hồi, phản ánh có nội dung doanh nghiệp trúng đấu giá (Công ty Yên Khánh) làm sai. 

Bị cáo trả lời HĐXX. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về hơn 725 tỉ đồng nhà nước thất thoát theo cáo buộc, ông Thăng cho là sau khi hợp đồng mua bán quyền thu phí có hiệu lực, tiền thu về từ hoạt động thu phí thuộc về Công ty Yên Khánh theo đúng quy định pháp luật. Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, Bộ GTVT sẽ yêu cầu đơn vị đứng ra nhận uỷ quyền ký hợp đồng với doanh nghiệp giải quyết. Một lần nữa, bị cáo nhắc lại mọi việc bị cáo đều giao thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đó. 

Ông Thăng nói: “Bộ GTVT thực hiện quyền quản lý nhà nước về dự án. Tiền của doanh nghiệp sao Bộ GTVT can thiệp được”.

Bị cáo Hệ (Út “trọc”) bị cáo buộc đã lừa đảo chiếm 725 tỉ khẳng định Công ty Yên Khánh tuân thủ nghiêm quy định pháp luật suốt quá trình tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc. 

Bị cáo Tô Phước Hùng (kế toán trưởng công ty Yên Khánh) giải thích sau khi hợp đồng có hiệu lực, số tiền thu về từ hoạt động thu phí cao tốc (trong đó có hơn 725 tỉ đồng) thuộc Công ty Yên Khánh.

Luật sư chất vấn về động cơ bị cáo chỉ đạo cấp dưới bỏ ngoài sổ sách hơn 725 tỉ thì ông Hùng không đáp. Tuy nhiên kế toán trưởng này đưa ra lời giải thích chung thường doanh nghiệp muốn trốn thuế sẽ dùng cách “trốn doanh thu”. 

Luật sư của bị cáo Hệ muốn chất vấn đại diện Bộ GTVT nhưng đại diện bộ này không có mặt. Trước tình huống như vậy, luật sư mong tòa lưu ý, đốc thúc người đại diện dự tòa để làm rõ nhiều vấn đề khúc mắc. 

Từ được cưu mang đến phạm pháp

Khai tại toà, bị cáo Vũ Thị Hoan (giám đốc công ty Yên Khánh, cháu gái Út nói: Ở với cậu và được nuôi ăn học, coi cậu như cha và tin tưởng. Hoàn cảnh mẹ già yếu, bệnh tật nên không đi làm, bố mất sớm. Tại công ty bị cáo chỉ là người làm thuê ký hợp đồng theo từng năm

Lúc đầu làm kế toán theo dõi công nợ sau chỉ ký hồ sơ, hợp thức hóa. Bị cáo hạn chế hiểu biết phạm luật, được cậu giao quyền quản lý tại công ty. Bị cáo chỉ nhận lương thì không nhận gì khác. Tháng 8-2017, bị cáo nghỉ việc vì công ty bị thanh tra, điều tra, bị mời lên làm việc nên sợ. Ngoài làm tại công ty Yên Khánh thì bị cáo không làm nơi khác. Tại công ty có bộ phận pháp chế nhưng do ai quản lý thì bản thân bị cáo cũng không biết ai.

Bị cáo là giám đốc nhưng không có phòng làm việc riêng mà ngồi phòng kế toán. Trước đó, cậu Hệ dặn nghe theo chỉ đạo của bị cáo Phạm Văn Diệt được Hệ giao quyền điều hành công ty. 

Xác nhận lời khai của cháu, bị cáo Hệ nói năm 2000 gia đình Hoan hoàn cảnh khó khăn nên đưa từ Ninh Bình vào TP.HCM cưu mang. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm