Bị cáo Huyền Như lãnh thêm 1 án chung thân

Hơn 19 giờ ngày 9-2, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TP.HCM) bị truy tố lừa đảo chiếm đoạt trên 1.085 tỉ đồng của năm công ty.

Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt Huyền Như tù chung thân (tổng hợp hình phạt giai đoạn 1, bị cáo này phải chấp hành chung là án chung thân). Bị cáo Tuấn nhận mức án bảy năm tù (tổng hợp hình phạt giai đoạn 1, bị cáo phải chấp hành chung là 27 năm tù).

Tòa đồng tình với VKS về tội danh

Một số người nhận tiền môi giới của Huyền Như, tòa cũng quyết định kê biên, tịch thu. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc hai bị cáo Như và Tuấn phải chịu trách nhiệm bồi thường 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên. Riêng bị cáo Như phải chịu trách nhiệm riêng về khoản tiền chiếm đoạt của bốn công ty còn lại.

Theo tòa, quá trình điều tra vụ án đúng trình tự thủ tục tố tụng. Về chứng cứ của vụ án để xem xét tội danh của các bị cáo được xác định đầy đủ. Cụ thể, hành vi của bị cáo Như đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng quy kết. Bị cáo đã có một loạt hành vi gian dối như ra Hà Nội gặp đối tác là Công ty Hưng Yên bị cáo đã lấy tên giả là Quyên. Bị cáo cũng đã trả tiền môi giới cho người giới thiệu đối tác. Ngoài ra, bị cáo còn dùng thủ đoạn huy động lãi suất vượt trần để đánh vào lòng tham của các đối tác.

“Siêu lừa” Huyền Như vừa lãnh thêm một án chung thân nữa. Ảnh: NGÂN NGA

Các đối tác đã bị Huyền Như dẫn dụ bỏ lỏng sự quản lý tài khoản, không đến trụ sở để làm hồ sơ lập tài khoản… Thủ đoạn của bị cáo xâu chuỗi bằng một loạt hành vi gian dối và làm giả con dấu. Tại cơ quan điều tra, Huyền Như đã trình ký các hợp đồng thực nhưng thực ra bị cáo lại chỉnh sửa. Chính vì vậy, các đơn vị mới có lòng tin để chuyển tiền vào tài khoản.

Theo HĐXX, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền 1.085 tỉ đồng. Hành vi của bị cáo đã hoàn thành các hành vi cấu thành của tội lừa đảo. Quy kết của cáo trạng VKSND Tối cao đối với bị cáo là đúng người, đúng tội.

Đối với bị cáo Tuấn, có ra Hà Nội gặp đối tác (cụ thể là Công ty Hưng Yên) và mặc nhiên ngấm ngầm để Huyền Như dùng tên giả để làm việc với đối tác, để Như sử dụng một loạt hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuấn là đồng phạm giúp sức cho Như trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Số tiền chiếm đoạt của các bị cáo là đặc biệt lớn. Đối với bị cáo Như, dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng hậu quả của bị cáo gây ra cực lớn nên cần thiết một mức án nặng. Đối với bị cáo Tuấn, được tòa xem xét ở khía cạnh vì nhẹ dạ cả tin Huyền Như, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên xem xét bị cáo một mức án phù hợp.

Về quan điểm của luật sư (LS) về việc “một hành vi xét xử hai lần”, HĐXX cho rằng hành vi đang xét xử đã được tòa cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại vì cấu thành tội danh nặng hơn. Tuy nhiên, quá trình điều tra vẫn xác định tội danh lừa đảo. Việc đưa ra xử lại hành vi đã được tuyên hủy trước đó là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong vụ án này, năm công ty đã có thỏa thuận trái pháp luật, ngoài trụ sở ngân hàng. Họ đã bỏ mặc quyền làm chủ tài khoản, để Huyền Như mặc sức thao túng. Vì vậy, họ phải chịu trách nhiệm về khoản tiền bị Huyền Như chiếm đoạt. Việc nhận lãi ngoài hợp đồng của các công ty cũng là trái quy định của pháp luật.

HĐXX phân tích, các nguyên đơn dân sự trong vụ án đã thực hiện các giao dịch trái pháp luật. Cả năm nguyên đơn đã ký hợp đồng giả tạo với Huyền Như để nhận lãi ngoài trái quy định nên không được luật pháp bảo hộ. Vì Như bị quy kết tội lừa đảo nên Như phải chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền.

Tranh luận căng thẳng

Trước đó, khi luận tội, VKS cho rằng lời khai của Huyền Như tại tòa phù hợp với các chứng cứ cơ quan tố tụng thu thập được. Cáo trạng truy tố các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Huyền Như đã có lời nói, đưa ra thông tin giả về việc VietinBank huy động vốn với lãi suất cao để làm cho các đơn vị tin, nhằm gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó bị cáo dùng quyền kiểm soát viên ngân hàng để chuyển tiền vào các đơn vị mình thanh toán. Hành vi của hai bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.085 tỉ đồng. Vì vậy, không có cơ sở quy kết tội tham ô tài sản.

LS bào chữa cho bị cáo Như đồng ý hành vi của thân chủ thỏa mãn dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hành vi này đã được đưa ra xét xử, cho nên việc quy kết bị cáo thêm một án chung thân thì vô hình trung đã xử lý một hành vi hai trách nhiệm hình sự. Từ đó, LS kiến nghị HĐXX hoàn trả hồ sơ và kiến nghị giám đốc thẩm đối với vụ án.

LS bào chữa cho bị cáo Tuấn thì nói: “Phiên tòa này đang diễn ra một quá trình tố tụng lạ lùng”.

Theo LS, phiên tòa có nhiều vấn đề đặt ra không chỉ với hai bị cáo Như, Tuấn mà còn có va đập quan điểm về tội danh cũng như các quyền của đương sự trong vụ án. Sự lạ lùng là cơ sở buộc tội đối với bị cáo Tuấn đã xảy ra ở giai đoạn 1 của vụ án như đã đề cập trong phần xét hỏi. LS nhấn mạnh: Tuấn đã bị đưa ra xét xử hai lần cho một hành vi không thể cấu thành tội lừa đảo với vai trò giúp sức.

Vì nếu giúp sức thì tại sao Huyền Như lại phải giả chữ ký của Tuấn để làm hồ sơ tiền gửi cho Công ty Hưng Yên. Việc Huyền Như huy động tiền Tuấn cũng không hay biết. Cạnh đó, số tiền 10 tỉ đồng được cho là khoản chia chác số tiền chiếm đoạt thì số tiền này chuyển vào tài khoản của Công ty Hoàng Khải - công ty mà Tuấn và Huyền Như góp vốn…

Còn các LS bảo vệ cho Công ty Hưng Yên, Công ty SBBS, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông, Công ty Cổ phần Thương mại An Lộc thì yêu cầu Ngân hàng VietinBank phải chịu trách nhiệm về số tiền 1.085 tỉ đồng bị chiếm đoạt.

Đối với từng công ty bị hại, VietinBank có một LS trình bày quan điểm cụ thể các trường hợp. Các LS này đều cho rằng phía ngân hàng không có lỗi, các giao dịch là giữa Huyền Như với công ty bị hại. Huyền Như chiếm đoạt tiền của các công ty, không phải của ngân hàng.

Luật sư VietinBank chia sẻ vấn đề tố tụng với tòa

Tại tòa, một LS bảo vệ cho Ngân hàng VietinBank đã chia sẻ quan điểm về mặt tố tụng trong vụ án đối với HĐXX. Theo LS này, lẽ ra cần phải kiến nghị hủy bản án phúc thẩm (xử Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng, sau hủy một phần 1.085 tỉ đồng cho là có dấu hiệu tội tham ô) như trước đó trong kết luận điều tra có nêu. Nhưng thẩm quyền này thuộc về chánh án cấp có thẩm quyền chứ không phải của HĐXX...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm