Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phải chịu 3 năm tù

Cuối giờ chiều 1-6, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM sau khi họp theo thủ tục đặc biệt giám đốc thẩm vụ án Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi, cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị truy tố về tội dâm ô đối với trẻ em đã có quyết định cuối cùng.

Án sơ thẩm xử đúng

Theo đó, Ủy ban Thẩm phán chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án phúc thẩm ngày 11-5 của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử bị cáo Thủy 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ủy ban Thẩm phán quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm tuyên phạt ông Thủy ba năm tù giam. Theo đó với quyết định này, bản án sơ thẩm có hiệu lực và ông Thủy phải thi hành bản án ba năm tù.

Tại phiên xử sơ thẩm tháng 11-2017, TAND TP Vũng Tàu đã cho công bố bản ghi âm lời khai của người bị hại là bé HA. Nhân chứng là bé N. có mặt tại tòa khẳng định có thấy bé HA bị ông Thủy dâm ô. Khi ấy bé HA đang ăn cơm ở trên giường trong nhà, sát gần cửa sổ. Nhân chứng khác là một người đàn ông người Ấn Độ, sinh sống trong chung cư khai rằng ông đã từng thấy ông Thủy dâm ô với một số bé. Tháng 6-2014, ông này đã chụp ảnh ông Thủy để mong muốn đưa cho mẹ bé cảnh giác…

Từ đó, HĐXX nhận định dù bị cáo không thừa nhận nhưng căn cứ vào lời khai các nhân chứng, người bị hại, biên bản thực nghiệm hiện trường đủ cơ sở kết luận ngoài bé AD thì bị cáo Thủy có dâm ô với bé HA. Khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng chỉ bé AD bị ông Thủy dâm ô, còn bé HA thì không đủ cơ sở để xác định.

Ngay sau đó bản án phúc thẩm bị kháng nghị vì kết luận không đủ cơ sở để xác định ông Thủy dâm ô với bé HA là chưa chính xác. Việc cho bị cáo hưởng án treo cũng sai luật.

Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: KHÁNH LY

Đánh giá chứng cứ và mức án sai

Tại phiên họp giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị trên. Ủy ban Thẩm phán cho rằng tòa phúc thẩm đã chủ quan khi đưa ra nhận định rằng tại thời điểm xảy ra hành vi dâm ô người bị hại HA đã 11 tuổi, phát triển bình thường, học giỏi. Nếu có bị bị cáo Thủy xâm hại thì phải có hành vi chống trả, kêu cứu chứ không để bị xâm hại trong khoảng thời gian đến 15 phút.

Nhận định này không đúng với tính cách của người bị hại thể hiện trong hồ sơ và phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Vì lời khai của người bị hại thể hiện ông Thủy đã giữ tay khiến người bị hại không vùng vẫy được.

Theo quyết định giám đốc thẩm, về mặt đánh giá chứng cứ tòa án cấp phúc thẩm chưa thẩm tra, đánh giá lại toàn bộ chứng cứ mà tòa sơ thẩm đã xem xét kết tội bị cáo Thủy. Từ đó, cấp phúc thẩm đã kết luận không có cơ sở kết tội bị cáo có hành vi dâm ô với bé HA là thiếu căn cứ, chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

Từ việc đánh giá chứng cứ không đúng dẫn đến quyết định thiếu căn cứ, không phù hợp khi tuyên giảm án cho bị cáo Thủy. Đồng thời việc tòa phúc thẩm quyết định cho bị cáo Thủy hưởng án treo trong trường hợp này cũng là áp dụng không đúng quy định của Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Ủy ban Thẩm phán xác định án sơ thẩm trước đó đã xét xử bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đã quyết định như trên.

Ông Thủy phải chấp hành án tù ngay

BLTTHS cũ quy định hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định: 1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; 2. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; 3. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Nay BLTTHS 2015 đã có sự sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng về thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm. Cụ thể, luật mới cho phép hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật. Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm...

Đối chiếu với vụ án ông Thủy, cấp giám đốc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 388 BLTTHS 2015, tuyên hủy bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án đúng pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm bị sửa không đúng pháp luật. 

Về nguyên tắc, cấp giám đốc thẩm xem xét có căn cứ, đúng pháp luật của cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu hủy án phúc thẩm và xác định án sơ thẩm có căn cứ, đúng pháp luật thì không xem xét lại ở cấp phúc thẩm nữa nên án sơ thẩm có hiệu lực thi hành. Theo khoản 1 Điều 395 BLTTHS 2015 về hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm thì quyết định của hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

Như vậy, quyết định của giám đốc thẩm với Nguyễn Khắc Thủy là quyết định cuối cùng, kết thúc quá trình tố tụng của vụ án hình sự này. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, có giá trị thi hành, đồng nghĩa với việc bị cáo không còn quyền kháng cáo.

Luật sư NGUYỄN HẢI NAM, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước

PHƯƠNG LOAN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm