Bị cáo quỳ sụp xuống vừa khóc vừa xin lỗi tòa

Ngày 22-4, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ công nhiên chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Lê Thanh Tú (26 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) do có kháng cáo của bị cáo và bị hại.

Theo hồ sơ, khoảng 12 giờ 40 ngày 20-1-2018, Trịnh Minh Phường lái xe ô tô tải chờ Lê Thanh Tú ngồi bên ghế phụ, lưu thông trên Quốc lộ 91 hướng từ Long Xuyên (An Giang) xuống ngã ba Lộ tẻ Rạch Giá.

Khi xe chạy đến trạm thu phí T2 thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), thì Phường và Tú không chịu mua vé qua trạm. Phường xuống xe còn Tú qua ghế tài xế lái xe chạy lên một đoạn.

Bị cáo Lê Thanh Tú tại tòa phúc thẩm ngày 22-4. Ảnh: NN

Tú thấy anh Hà Kim Anh là nhân viên trạm thu phí, dùng điện thoại quay phim, ghi hình lại sự việc. Tú lùi xe lại, bước xuống xe nơi Hà Kim Anh đứng và dùng tay xô đẩy, cự cãi lớn tiếng và dùng tay xô đẩy rồi giật điện thoại của anh Hà Kim Anh đang cầm trên tay. Sau đó Tú lên xe ngồi.

Do lưu lượng xe đông nên anh Hà Kim Anh phải làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Còn Tú ngồi trên xe 10 phút rồi mới chịu mua vé xe qua trạm. Khi đó, Tú không trả lại điện thoại cho anh Hà Kim Anh mà giữ lấy rồi lái xe chạy về hướng Rạch Giá (Kiên Giang).

Thấy vậy, anh Hà Kim Anh trình báo lực lượng công an đuổi theo và bắt được Tú. Theo giám định, chiếc điện thoại của anh Hà Kim Anh trị giá 4 triệu đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 4-2018, TAND quận Thốt Nốt tuyên phạt Tú 6 tháng tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Sau đó, bị cáo Tú kháng cáo xin hưởng án treo. Bị hại Hà Kim Anh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Tú ôm mặt khóc khi tòa vào nghị án. Ảnh: NN

Tại phiên tòa phúc thẩm, vị đại diện VKS nhận định kháng cáo của bị cáo đã quá thời hạn nên đề nghị bác. Đối với kháng cáo của bị hại, do không có tình tiết gì mới nên VKS cũng đề nghị bác. VKS cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên là phù hợp nên đề nghị giữ nguyên.

Khi được tòa hỏi bị cáo có ý kiến gì tranh luận với VKS, bị cáo liền quỳ sụp xuống vừa khóc vừa xin lỗi… HĐXX. Tuy nhiên, tòa đã yêu cầu bị cáo đứng lên để trả lời. Sau đó, bị cáo vẫn khóc và liên tục xưng “con” với các “cô”, “chú” thẩm phán. Bị cáo cho rằng mình không có ý định lấy điện thoại của bị hại mà chỉ lấy để xóa đoạn clip.

“Con xin lỗi HĐXX, con xin lỗi VKS cho con một cơ hội sửa sai, con còn một người bà và một người mẹ phải chăm sóc” – bị cáo nói trong nước mắt. Tòa phải nhắc bị cáo xưng hô với tòa đúng quy định. Vị chủ tọa cũng nhắc bị cáo rằng mẹ bị cáo vẫn còn trong độ tuổi lao động. Hơn nữa, trong gia đình, ngoài bị cáo vẫn còn hai người anh, chị của bị cáo có trách nhiệm với gia đình…

Một vị thẩm phán khuyên bị cáo: sai thì cũng sai rồi, nên bị cáo phải chịu sự chế tài của pháp luật. Còn hoàn cảnh gia đình của bị cáo nếu quá khó khăn thì có thể xin hoãn chấp hành án chứ tòa phúc thẩm không buộc bị cáo phải đi chấp hành ngay.

Khi tòa vào nghị án, bị cáo ngồi lại ôm mặt khóc và nói điều gì đó một mình, sau đó lại đưa tay vò đầu, vẻ mặt sầu não, tỏ ra dằn vặt điều gì đó.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, bị cáo đã giật lấy chiếc điện thoại từ tay của người bị hại là chiếm đoạt tài sản khi người bị hại đang nắm giữ là cướp giật tài sản. Lực lượng công an phải truy đuổi bị cáo 6km mới bắt được. Do không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo nên giữ nguyên bản án sơ thẩm như kết luận của KSV.

Từ đó, tòa tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo Tú 6 tháng tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm