Bị đơn bảo nguyên đơn bị tâm thần nên yêu cầu tòa giám định

Nguyên đơn ông D., bị đơn là Công ty TNHH P. Trước đó vụ án đã được đưa ra xét xử lần đầu vào ngày 6-3 nhưng hoãn xử vì vắng hội thẩm. Tòa mở phiên xử lần hai ngày 3-5 nhưng HĐXX hoãn xử vì cho rằng sự vắng mặt của người làm chứng là mẹ ông D.

Sau phiên xử, ông D. nhận quyết định tạm ngừng phiên tòa. Ảnh: YC

 

Theo đơn khởi kiện, ông D. cho rằng ký hợp đồng thử việc hai tháng với Công ty P. với chức danh giám đốc tài chính.

Ngày 1-10-2015, dù chưa hết thời hạn thử việc nhưng công ty đã ký hợp đồng lao động một năm cho ông với chức danh như trong hợp đồng thử việc (mức lương 5.474.000 đồng/tháng và phụ cấp theo quy định). Nhưng trên thực tế tiền lương ông thực nhận là hơn 28 triệu đồng/tháng.

Quá trình làm việc, ông D. hoàn thành tốt công việc, chấp hành nội quy nhưng không được chấm công đầy đủ và trả lương đúng như đã thỏa thuận nên ông D. đã phản ánh và công ty ghi nhận, hứa sẽ xem xét.

Ngày 17-12-2015, ông D. và ban giám đốc công ty trao đổi về cách chấm công, cách tính lương nhưng không đạt được thỏa thuận. Cùng ngày, công ty ký quyết định cho ông D. thôi việc với lý do “không phù hợp với công việc hiện tại của công ty”.

Sau đó, công ty chuyển khoản cho ông D. tiền lương của 13 ngày làm việc trong tháng 12 là 17.086.397 đồng và số tiền bồi thường vi phạm hợp đồng lao động là 16.477.200 đồng.

Không đồng ý nên ông D. đã chuyển khoản trả lại số tiền bồi thường cho công ty và ngày 1-8-2016, ông khởi kiện ra tòa. Phía Công ty P. trong các bản tự khai gửi cho tòa án, đại diện bị đơn cho rằng các yêu cầu của ông D. là vô lý, đề nghị tòa bác bỏ.

Đáng chú ý, tại bản tự khai ngày 16-5-2017, đại diện công ty là ông H. còn cho rằng "nguyên đơn có dấu hiệu tâm thần, đề nghị tòa tiến hành thủ tục giám định để nếu nguyên đơn không đủ năng lực hành vi dân sự thì sẽ cử đại diện thay nguyên đơn tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn. Đảm bảo các đương sự tham gia vụ án có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự theo quy định".

Tuy nhiên, sau đó ngày 30-1-2018, phía công ty đã rút yêu cầu này vì cho rằng không cần thiết.

Tại tòa, ông D. rút một phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu công ty trả tiền lương tháng 13 năm 2016. Đối với các yêu cầu còn lại như trả tiền lương chưa thanh toán, tiền làm thêm giờ, tiền phép năm, tiền bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật,... ông vẫn giữ nguyên. Tổng số tiền ông D. yêu cầu công ty trả là hơn 1 tỉ đồng.

Đại diện công ty cho rằng do có sai sót của bộ phận văn phòng nên đã ban hành Quyết định 219 cho thôi việc ông D. là không đúng. Sau đó công ty đã gửi công văn xin ý kiến Liên đoàn Lao động quận và ban hành quyết định thu hồi hủy bỏ quyết định khôi phục lại quyền lợi và mời ông D. trở lại làm việc.

Sau khi gửi thư mời nhiều lần nhưng ông D. không đến thì công ty đã gửi thông báo cho ông D. Việc ông D. không phản hồi và từ chối lời mời trở lại làm việc đã đủ cơ sở cho việc ông D. tự đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vì vậy, đại diện bị đơn đề nghị HĐXX bác toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn.

Tuy nhiên, ông D. cho rằng mình không hề nhận được thư mời quay trở lại làm việc của công ty.

Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng do trở ngại khách quan nên quyết định tạm ngừng phiên tòa. Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào chiều 12-6-2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm